Theo tuyên bố mới đây trong buổi họp báo với giới truyền thông của Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga về các vấn đề Ukraine là ông Rodion Miroshnik, với việc sử dụng vũ khí tầm xa hơn, chính bản thân Kiev đang buộc vùng đệm của Nga phải được mở rộng và chính quyền Kiev càng tấn công xa thì vùng đệm sẽ càng sâu hơn.
Trả lời một câu hỏi về việc tạo ra các vùng đệm an ninh trên biên giới Nga-Ukraine và quy mô của chúng, ông Miroshnik đã phát biểu rằng, bề rộng và chiều sâu của vùng đệm an ninh mà Nga thiết lập sẽ tỷ lệ thuận với khả năng tấn công tầm xa của vũ khí mà phương Tây cung cấp cho chính quyền Kiev.
Vị quan chức này nêu rõ, chính quyền Kiev đang sử dụng vũ khí có tầm bắn ngày càng xa hơn chống lại các thành phố yên bình và dân thường Nga, đồng thời cố gắng cản trở quá trình khôi phục cuộc sống bình thường ở các vùng Moscow đã, đang và mới kiểm soát được.
“Bản thân Kiev thực sự buộc chúng ta phải nêu câu hỏi về quy mô của nó [vùng đệm an ninh]. Chắc chắn sẽ phải có một vùng đệm, vì cần phải tách biệt quân Ukraine khỏi dân thường [Nga]" - đại diện của Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng bắt đầu tạo ra các vùng đệm dọc theo biên giới của các vùng Bryansk, Kursk và Belgorod.
Theo đó, các vùng đệm này sẽ được đặt trên lãnh thổ của Ukraine, tương ứng với các vùng Chernihiv, Sumy và Kharkov.
Tại các vùng Sumy và Kharkov, quân đội Nga đã tấn công sang, đánh chiếm một phần lãnh thổ của 2 vùng này, nhưng chưa có giao tranh nào diễn ra ở vùng Chernihiv, giáp với cả lãnh thổ Nga và Belarus.
Hiện tại, Lực lượng Vũ trang Nga tiếp tục kéo dài tuyến phòng thủ của Lực lượng Vũ trang Ukraine, buộc đối phương phải đưa lực lượng dự bị vào trận chiến để rảnh tay chiếm toàn bộ các vùng Donetsk, Zaporozhye, Kherson, hoàn thành mục tiêu kiểm soát hoàn toàn 4 vùng mà Nga đã tuyên bố sáp nhập vào tháng 9/2022, đồng thời dần dần lập các vùng đệm đã nêu ở trên.
Theo ý kiến của một số chuyên gia quân sự Nga, vùng đệm ở trên tuyến biên giới Ukraine cần phải có độ sâu vượt qua tầm vũ khí tấn công thông thường của Quân đội Ukraine, tức là có thể đạt đến độ sâu khoảng 100km, chỉ như vậy mới ngăn chặn được các cuộc pháo kích vào lãnh thổ Nga.