Tạo môi trường học tập thân thiện
Để người học tự giác học tập và học tập một cách tích cực, theo ThS Phạm Thị Minh Phương, việc tạo ra một môi trường học tập thân thiện, không quá áp lực và mang tính động viên, khuyến khích đối với sinh viên là vô cùng quan trọng.
Để làm được điều đó, phải tạo ra không khí học hứng thú; giảng viên cần có cách cư xử khéo léo, tâm lí với sinh viên nhưng cũng thật cứng rắn khi cần thiết.
Ví dụ, không nên quá khắt khe, ép học sinh viên trong mọi tình huống mà có thể thông cảm cho các em trong buổi học tiết 6 hay tiết 12. Thay vào đó nghiêm khắc yêu cầu các em tích cực học những giờ trước để có thể hoàn thành bài sớm hơn.
Đôi khi cũng không nên quá cứng nhắc yêu cầu sinh viên ra và vào lớp đúng quy định theo chuông. “Khi học ba tiết cuối buổi chiều tôi thường dạy liên tục khoảng 1 tiếng hay gần 2 tiết, sau đó cho sinh viên nghỉ giải lao dài hơn để các em có thể nghỉ ngơi hay ăn nhẹ.
Tuy nhiên về việc này cũng cần phải có sự cảm thông và chia sẻ của các phòng ban, hay lãnh đạo nhà trường” - ThS Phạm Thị Minh Phương chia sẻ.
Cô Phương cho biết: Trong các giờ học của mình tôi luôn cố gắng chia sẻ với sinh viên, động viên sinh viên tạo ra một không khí học tập bình đẳng, không áp lực khiến các em tự tin thể hiện khả năng hơn. Nói như thế không có nghĩa là ta chiều chuộng sinh viên trao cho các em tự do một cách thái quá mà cần phải làm việc dựa trên một số nguyên tắc nhất định.
Có lần, khi nghỉ giải lao, một số sinh viên đã bỏ đi ăn, qua giờ học tới 10 -15 phút. Tôi đã nghiêm khắc yêu cầu cán bộ lớp đưa sổ đầu bài, ghi tên những sinh viên đó lại và tuyên bố nếu còn vi phạm sẽ cho 0 điểm ý thức. Sau lần đó sinh viên có vẻ “sợ” tôi hơn và từ đó luôn có ý thức tôn trọng “hợp đồng”. Ví dụ như sẽ nghỉ giải lao khi hoàn thành xong bài viết, nghỉ đúng 15 phút để nghỉ ngơi hay ăn nhẹ...
Xây dựng đề cương môn học chi tiết, khoa học
Theo ThS Phạm Thị Minh Phương, việc soạn đề cương môn học một cách chi tiết, rõ ràng, mang tính khoa học là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, cần bám sát đề cương môn học, yêu cầu sinh viên đọc kĩ yêu cầu chung, yêu cầu của từng tuần, chú ý đến các hạn nộp bài, hay tham gia làm bài kiểm tra.
Khi sinh viên hiểu rõ những điều đó, các em sẽ có kế hoạch chuẩn bị bài tốt hơn, có ý thức tự giác hơn, có tinh thần chịu trách nhiệm về kết quả công việc của bản thân hơn.
ThS Phạm Thị Minh Phương chia sẻ: Thông thường trong các đề cương môn học của tôi, ngoài những yêu cầu chung của nhà trường, tôi thường nhấn mạnh ghi rõ các nguồn tài liệu cho từng buổi học (sách nào, trang bao nhiêu); thiết kế đầy đủ nhiệm vụ tự học cho từng tuần, các bài tập lớn cần hoàn thành, trong thời gian là bao lâu. Nội dung của các bài tập lớn, tiêu chuẩn đánh giá, yêu cầu đối với nhóm, cá nhân cũng được thông báo ngay từ đầu.
Ngoài ra, tôi nghĩ rằng, giảng viên cần có những yêu cầu hay quy định cá nhân khác tùy thuộc vào đặc trưng của mỗi môn học.
Chẳng hạn, khi giảng dạy học phần Viết, tôi ghi rất rõ trong đề cương môn học những yêu cầu sau:
Chuẩn bị bài mới trước khi đến lớp: Người học phải tìm các tài liệu, đọc các phần ngữ pháp và từ vựng có liên quan đến bài học trước khi tới lớp nhằm phục vụ việc học các thể loại Viết một cách hiệu quả nhất.
Bài tập viết hàng tuần: Hàng tuần thực hiện các bài tập và viết các bài theo đề tài cho sẵn do giảng viên yêu cầu và nộp khi giảng viên trong tuần kế tiếp. Các bài viết được trình bày trên giấy A4, theo mẫu quy định của giảng viên (ví dụ để giãn dòng rộng để giảng viên có thể chữa lỗi, nhận xét bài...) Những bài viết này sẽ được lưu lại thành một tập tài liệu và nộp lại cuối kì để lấy điểm cuối cùng.
Bài làm của nhóm: Một số hoạt động Viết trong lớp được thiết kế cho nhóm. Yêu cầu đặt ra là sinh viên phải làm việc tích cực, nghiêm túc, và phải có sản phẩm cuối cùng trên giấy. Giảng viên sẽ đột xuất thu của một số nhóm để đánh giá.
“Nếu như các sinh viên của chúng ta được cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết về học phần và làm quen dần với việc độc lập làm việc theo kế hoạch, tôi tin chắc là phương pháp và kĩ năng học tập của các em cũng dần được cải thiện” – giảng viên Phương khẳng định.
Tối đa hóa hiệu quả tự học của sinh viên
Trong hình thức đào tại theo tín chỉ, khi thời lượng học trên lớp đã bị cắt giảm thì việc tự học của sinh viên là vô cùng quan trọng. Nhưng vấn đề là làm thế nào để đảm bảo sinh viên thực hiện nhiệm vụ tự học một cách nghiêm túc và có hiệu quả. Đây chính là một khó khăn, thách thức lớn với người giảng viên nói chung.
Quan điểm của ThS Phạm Thị Minh Phương, giảng viên nên tránh giao bài một cách hình thức, không kiểm tra sát sao hoặc không hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ tự học, hoặc liệt kê một loạt nguồn tài liệu mà không cần biết sinh viên sẽ xử lí các tài liệu đó như thế nào.
“Tôi đã từng đọc một đề cương môn học trong đó giảng viên liệt kê khoảng gần một chục cuốn sách và cũng chừng ấy websites tham khảo. Tôi biết chắc một điều là hầu như tất cả sinh viên sẽ không đả động gì bởi nó quá chung chung và mơ hồ” - ThS Phạm Thị Minh Phương cho biết.
Giảng viên Phương đề xuất, giảng viên phải thực sự đọc kĩ, nghiên cứu các nguồn tài liệu và có sự chọn lựa kĩ càng để có thể có thể đưa ra các nguồn tham khảo tự học phù hợp nhất, thiết thực nhất.
Cần phải có kế hoạch tự học cụ thể chi tiết tới từng tuần. Chẳng hạn trong tuần một sinh viên cần phải đọc về vấn đề gì, ở tài liệu nào, từ trang bao nhiêu đến trang bao nhiêu và tương tự đối với các tuần khác.
Giảng viên cần nghiêm túc và có kế hoạch, phương pháp để có thể kiểm soát quá trình tự học của sinh viên nhằm đảm bảo chất lượng của việc tự học.
“Các sinh viên của tôi thường được phát trước tài liệu chuẩn bị ngữ liệu cho bài mới trước hoặc được yêu cầu tự đọc nguồn tài liệu nào đó và khi bắt đầu giờ học, thỉnh thoảng tôi kiểm tra đột xuất cả lớp. Lần đầu tiên chỉ có khoảng 5 - 6 sinh viên đã làm bài tập và tôi đã ghi tên lại để có điểm khuyến khích cho các em.
Nhưng tôi cũng nhắc luôn từ lần sau trở đi nếu ai bị phát hiện chưa chuẩn bị bài sẽ bị trừ điểm trong các bài viết hàng tuần. Và thật đáng ngạc nhiên mặc dù không liên tục kiểm tra nhưng mỗi khi tôi đột xuất thu tài liệu tự học của sinh viên thì phần lớn sinh viên đã làm rất nghiêm túc. Tôi nghĩ đó là do giảng viên đã có “thỏa thuận” rõ ràng và có chính sách thưởng phạt hợp lí nên đã động viên được sinh viên học tập” - ThS Phạm Thị Minh Phương chia sẻ.
Đầu tư nghiêm túc cho chuyên môn
Việc đầu tư cho chuyên môn, theo ThS Phạm Thị Minh Phương được thể hiện trên một số phương diện sau:
Tự nghiên cứu nhằm bồi dưỡng chuyên môn và không ngừng tham gia học tập nâng cao trình độ. Công tác tự bồi dưỡng từ xưa đến nay vẫn là một yêu cầu tất yếu đối với giảng viên ĐH, CĐ, tuy nhiên cần phải thực hiện công tác này một cách tự nguyện, theo sở thích và yêu cầu chuyên môn đặc trưng của từng giảng viên, tránh hình thức và áp đặt.
Tham gia biên soạn giáo trình phù hợp với thực tế giảng dạy của khoa, trường. Tích cực thiết kế, đa dạng hóa các hoạt động học tập cho sinh viên.
“Tuy nhiên, đừng chỉ hô hào vận động giảng viên, đòi hỏi người giảng viên phải vượt khó mà tất cả các bộ phận, từ các phòng ban tới bộ máy quản lí của nhà trường, cần phải tích cực hơn, linh hoạt hơn trong việc hỗ trợ người giảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Hãy tiếp xúc, lắng nghe tiếng nói của người giảng viên một cách chân thành và hãy minh bạch, khách quan, có trách nhiệm trong việc xử lí các vấn đề phát sinh, đặc biệt những vấn đề liên quan đến chất lượng dạy và học. Chỉ có vậy mới có thể đảm bảo được hiệu quả thực sự của những nỗ lực của giảng viên” - ThS Phạm Thị Minh Phương nhận định.