ĐỀ SỐ 1:
Câu I (2,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...
Chiều nay con chạy về thăm Bác
Ướt lạnh vườn cau, mấy gốc dừa!
Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bên thang gác, đứng nhìn lên
Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!
(Trích Bác ơi! - Tố Hữu, Ngữ văn 12, tập Một, NXBGD, 2013, tr.167).
1. Xác định những phương thức biểu đạt sử dụng trong đoạn thơ. (0,5 điểm)
2. Cho biết hiệu quả cách ngắt nhịp trong hai câu thơ sau:
Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn! (0,5 điểm)
3. Trình bày ngắn gọn cảm nhận của anh/chị về tâm trạng của tác giả qua đoạn thơ trên. (1,0 điểm)
Câu II (3,0 điểm)
Trong bài báo “Kiều bào với tình yêu biển đảo quê hương” đăng trên trang báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam ngày 16/5/2014, ông Nguyễn Bá Thuật, kiều bào ở Đan Mạch khẳng định: “Một tấc đất, một tấc biển của ông cha để lại, không thể để cho người ngoại quốc kiểm soát!”.
Ý kiến trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về trách nhiệm bảo vệ đất nước của mỗi người trong hoàn cảnh hiện nay (bài viết khoảng 600 từ).
Câu III (5,0 điểm)
Đánh giá về nhân vật thị trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân (sách Ngữ văn 12, tập hai), có ý kiến cho rằng: Thị là người phụ nữ lao động nghèo, cùng đường và liều lĩnh. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: Thị là người giàu nữ tính và khát vọng.
Bằng cảm nhận của mình về nhân vật, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên./.
HƯỚNG DẪN CHẤM, ĐÁP ÁN, THANG ĐIỂM
Câu | Ý | Nội dung | Điểm |
I | Đọc đoạn thơ trong bài Bác ơi! của Tố Hữu và thực hiện các yêu cầu | ||
1 | Những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ: tự sự, miêu tả, biểu cảm. | 0,5 | |
2 | - Nhịp thơ 2/2/3 chậm, buồn, sâu lắng diễn tả không gian cũng như đang ngưng lại, tâm trạng nhà thơ đau đớn đến bất ngờ trước sự ra đi của Bác. | 0,5 | |
3 | - Nhà thơ thể hiện tâm trạng xót xa, đau đớn, thẫn thờ, bàng hoàng trước sự ra đi của Bác. Nỗi đau đớn đó bao phủ cả đất trời và lòng người. - Tâm trạng của nhà thơ còn được thể hiện qua cảnh vật dưới cái nhìn của người con về thăm Bác. Không gian thiên nhiên như hòa điệu với tâm hồn con người trong nỗi đau xót lớn lao, trong niềm tiếc thương Bác vô hạn. | 1,0 | |
II | Suy nghĩ từ ý kiến: Một tấc đất, một tấc biển của ông cha để lại, không thể để cho người ngoại quốc kiểm soát! | 3,0 | |
1. | Giải thích ý kiến | 0,5 | |
- Chủ quyền đất nước, trời biển Việt Nam là của người Việt Nam. Đó là thành quả, giá trị mà cha ông để lại vì vậy không thể để người ngoại bang xâm chiếm. - Khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của kiều bào và cũng là tiếng lòng của triệu trái tim người dân Việt Nam. | |||
2. | Bàn luận | 2,0 | |
- Vấn đề biển đảo, bảo vệ chủ quyền của đất nước là chủ đề rất nóng bỏng hiện nay bởi Trung Quốc liên tục có những hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam. Trong hoàn cảnhđó, nhận định này có sức lan tỏa mạnh mẽ. - Đây là biểu hiện của tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm bảo vệ đất nước của người dân Việt Nam. - Mỗi người cần có niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc; có trách nhiệm trong việc bảo vệ đất nước, yêu nước không chỉ là cầm súng trên chiến trường mà còn thể hiện qua những hành động thường ngày như trau dồi lí tưởng đạo đức, hướng tới lối sống có văn hóa, tu dưỡng học tập tốt, có ý thức nâng cao vị thế của đất nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đấu tranh lại cái ác, cái xấu, những nhận thức sai lệch. - Khẳng định tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc, khát vọng xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của các thế hệ con cháu Lạc Hồng. | |||
3. | Bài học nhận thức và hành động | 0,5 | |
- Rút ra bài học cho bản thân: Cần nêu cao tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. - Kêu gọi mọi người cùng suy ngẫm và hành động, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền, giữ gìn giang sơn gấm vóc mà cha ông để lại. | |||
III | Cảm nhận về nhân vật thị (Vợ nhặt) và bình luận các ý kiến... | 5,0 | |
1 | Vài nét về tác giả, tác phẩm và nhân vật | 0,5 | |
- Kim Lân là nhà văn có sở trường về truyện ngắn, chuyên viết về nông thôn và đời sống của người dân nghèo với ngòi bút đôn hậu và hóm hỉnh. - Vợ nhặt là truyện ngắn tiêu biểu của ông viết về số phận của người nông dân trong nạn đói năm 1945. Nhân vật thị được khắc họa với những nét đặc sắc. | |||
2 | Giải thích ý kiến | 0,5 | |
- Ý kiến cho rằng thị là người phụ nữ lao động nghèo, cùng đường và liều lĩnh chủ yếu đề cập đến số phận của thị. Vì chạy trốn cái đói, cái chết đang bủa vây mà thị chấp nhận bán rẻ bản thân, đã liều lĩnh chấp nhận theo không về làm vợ anh cu Tràng. - Ý kiến đánh giá thị là người giàu nữ tính và khát vọng nhấn mạnh tới vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn của người phụ nữ đáng thương này. | |||
3 | Cảm nhận về nhân vật | 3,0 | |
Thí sinh có thể trình bày cảm nhận khác nhau nhưng cần bám sát ý kiến nêu trong đề; cần tập trung vào các ý trọng tâm: - Thị xuất hiện với vẻ bề ngoài thô kệch, xấu xí. Người đàn bà này thậm chí không có một cái tên vì nó cũng chẳng có nghĩa lí gì. Thị theo không về làm vợ Tràng chỉ sau bốn bát bánh đúc và mấy câu đùa vu vơ. Ngay chính nhan đề "vợ nhặt" cũng đủ để gợi ra mức độ rẻ rúng của thân phận con người. Bị cuộc sống dồn đẩy vào những hoàn cảnh trớ trêu, éo le mà thị trở nên liều lĩnh theo không người khác về làm vợ. Qua đó thấy được số phận của người dân lao động trước cách mạng. - Từ lúc theo Tràng về làm vợ, thị đã thay đổi trở thành người phụ nữ ý tứ, nghiêm trang, hiền thục, đảm đang, yêu cuộc sống. Anh cu Tràng cũng nhận ra ở thị không còn vẻ chao chát, chỏng lỏn mà trở thành nàng dâu hiền, vợ thảo, biết thu vén cho cuộc sống gia đình. Thị còn là người giàu khát vọng, chính thị đã làm cho niềm hi vọng của mọi người trỗi dậy khi kể chuyện phá kho thóc Nhật. Qua đây tác giả muốn nhấn mạnh vẻ đẹp của con người sẽ không bao giờ bị mất đi cho dù cuộc sống có vất vả, khó khăn đến đâu. Chính tình người đã nâng cao giá trị con người, thắp sáng lên niềm tin yêu và khát vọng. - Nghệ thuật: Khắc họa nhân vật với lối kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn; dựng cảnh chân thật, gây ấn tượng; miêu tả tâm lí tinh tế, ngôn ngữ nhuần nhị. | |||
4 | Bình luận về ý kiến | 1,0 | |
Thí sinh bày tỏ đồng tình với ý kiến đưa ra cũng có thể nêu lên nhận định khác của riêng mình tuy nhiên cần tập trung bình luận: - Cả hai ý kiến đều xoay quanh số phận và vẻ đẹp nhân vật thị; nhấn mạnh những đặc điểm của nhân vật. - Hai ý kiến không đối lập mà bổ sung cho nhau, hợp thành cách nhìn nhận, đánh giá toàn diện về nhân vật. |
Xem các đề thi tiếp theo TẠI ĐÂY