Kiến thức trọng tâm và phương pháp ôn tập
Điều quan trọng đầu tiên, theo cô Hải Yến là thí sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản với việc hệ thống hóa lý thuyết.
Với việc này, các em ôn lại các kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, như các dạng bài toán về lượng giác, cấp số cộng và cấp số nhân, phương trình mũ và logarit, hình học không gian, đạo hàm - khảo sát hàm số, nguyên hàm - tích phân, thống kê - xác suất, phương pháp toạ độ trong không gian.
Tập trung vào các phần lý thuyết hay gặp trong đề thi như: Nguyên hàm - tích phân và ứng dụng tích phân, phương pháp toạ độ trong không gian, xác suất cổ điển và xác suất có điều kiện, khảo sát và vẽ đồ thị hàm số.
Về phương pháp, việc tổ chức ôn tập nhóm và thảo luận có thể đem lại hiệu quả tốt.
Cụ thể, các em thảo luận các bài toán khó với bạn bè, giáo viên hoặc thầy cô để hiểu sâu hơn về các phương pháp giải và cách tư duy. Khi giải thích bài cho bạn bè, học sinh sẽ củng cố lại kiến thức và phát hiện ra những lỗ hổng trong kiến thức của bản thân.
Chia nhỏ thời gian ôn tập: Ôn đều các môn, tránh chỉ tập trung vào một môn mà bỏ qua các môn khác.
Bên cạnh đó, sức khỏe và tinh thần trong giai đoạn nước rút này là vô cùng quan trọng. Các em hãy ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, chú ý nghỉ ngơi và thư giãn hợp lý. Một không gian học tập thoải mái, không có sự phân tâm sẽ giúp học sinh tập trung hơn trong quá trình ôn luyện.

Luyện đề thường xuyên
Bên cạnh ôn tập kiến thức, theo cô Nguyễn Thị Hải Yến, học sinh cần luyện đề thường xuyên bằng việc giải đề thi mẫu và phân tích đề thi.
Cụ thể, các em luyện tập với đề thi khảo sát của các Sở GD&ĐT, bám sát đề minh họa của Bộ GD&ĐT để làm quen với dạng câu hỏi và cấu trúc đề thi. Sau khi làm xong, phân tích kỹ các câu sai để tìm hiểu nguyên nhân và tránh mắc phải những lỗi tương tự.
Tập trung vào các kỹ năng làm bài như kỹ năng đọc đề, kỹ năng làm bài nhanh. Với đọc đề, thí sinh đọc kỹ đề bài, gạch chân những từ khóa để tránh sai sót, nhất là những câu hỏi đòi hỏi tính toán chính xác và khả năng phân tích bài toán. Luyện cách giải bài nhanh chóng, sử dụng máy tính cầm tay hiệu quả, rèn luyện khả năng giải quyết các câu hỏi dễ trước để tiết kiệm thời gian.
Thí sinh lưu ý, câu hỏi trắc nghiệm ở mức độ nhận biết và thông hiểu, vì vậy cần luyện kỹ các dạng câu hỏi này, đặc biệt những câu hỏi lý thuyết, vận dụng công thức.
Dạng đúng/sai là phần dễ mất điểm có trong đề thi. Việc luyện giải các câu hỏi dạng này giúp học sinh phát hiện ra những kiến thức sai lệch và sửa chữa kịp thời.
Quá trình luyện đề, các em lưu ý phân bổ thời gian hợp lý, luyện giải bài theo thời gian thi thực tế. Cụ thể, cần làm quen với việc giải bài dưới áp lực thời gian để đảm bảo khi thi thực tế sẽ không bị thiếu thời gian cho các câu khó.