Tránh tình trạng giáo viên “độc chiếm lớp học”, “độc quyền chân lí”
Tinh thần của Lí thuyết kiến tạo trong dạy học Ngữ văn, theo PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, được thể hiện như sau:
Học sinh (HS) học đọc, viết, nói và nghe để phát triển năng lực giao tiếp và những năng lực, phẩm chất hữu quan ngay trong quá trình các em được đọc, viết, nói và nghe.
Nhiệm vụ của giáo viên (GV) là tổ chức các hoạt động học tập cho HS theo các hình thức khác nhau (cá nhân, theo cặp, theo nhóm); hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ HS để các em tự hình thành và phát triển các năng lực mà chương trình (CT) giáo dục mong đợi.
Năng lực giao tiếp được phát triển thông qua các hoạt động vừa có chủ đích vừa mang tính chất tích hợp. SGK và GV bộ môn phải tạo ra các tình huống được chọn lọc kĩ lưỡng nhưng tự nhiên, gần với đời sống thực để HS được đọc, viết, nói và nghe, nhờ đó đạt đến các mục tiêu của môn học.
Sách giáo khoa (SGK) và GV phải tạo cơ hội cho HS được tự đọc tác phẩm, từ đó giúp cho các em có thói quen đọc sách. Cần tránh tình trạng GV “độc chiếm lớp học” và “độc quyền chân lí” như nhiều giờ học Ngữ văn hiện nay.
Nhiệm vụ của GV không phải là diễn giảng cái hay, cái đẹp của văn bản mà tổ chức các hoạt động và hỗ trợ để HS tự phát hiện ra cái hay, cái đẹp đó.
HS chủ yếu đọc tác phẩm trước ở nhà hay ở thư viện và GV có nhiều cách để kiểm tra HS có đọc tác phẩm trước hay không, ví dụ nêu một số câu hỏi về tác phẩm mà các em phải đọc.
Ở lớp chỉ đọc to văn bản ngắn hay từng đoạn văn (đối với những tác phẩm dài thì chỉ chọn đọc to những đoạn đặc sắc) để phân tích và thảo luận, chia sẻ các cảm xúc và ý tưởng nảy sinh từ việc đọc dưới hình thức nói và viết (có thể dưới các hình thức khác như vẽ tranh, đóng kịch, làm phim, sáng tác nhạc, tùy theo năng khiếu, sở thích và hứng thú của HS).
GV phải tạo được môi trường để HS được tự tin và tự do trình bày quan điểm, suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc. Tôn trọng tính cách và cá tính sáng tạo của mỗi HS khi viết và nói.
Đồng thời, khích lệ những suy nghĩ độc đáo, mới lạ và tích cực. Khích lệ những ý kiến tranh luận, phản biện có cơ sở lí lẽ. Tôn trọng và tiếp nhận tích cực các phản ứng đa dạng từ phía người học.
Mặt khác, cần giáo dục HS tinh thần cộng đồng, ý thức trách nhiệm đối với xã hội và môi trường tự nhiên. Giáo dục HS ý thức trân trọng di sản ngôn ngữ, văn học và văn hóa dân tộc, đồng thời có những hiểu biết phổ thông về văn học nước ngoài để có khả năng thấu hiểu, đồng cảm với các dân tộc khác.
Tập cho HS làm việc theo từng cặp hay theo nhóm
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng cho rằng, tập cho HS làm việc theo từng cặp hay theo nhóm để các em không chỉ phát biểu với thầy cô mà còn trao đổi, tranh luận với nhau.
Mỗi người đọc là một chủ thể tiếp nhận năng động, sáng tạo và quá trình đọc hiểu văn bản mang dấu ấn riêng của từng độc giả. Với tinh thần đó, GV cần tôn trọng những đánh giá, phản hồi đa dạng của HS, và cần tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp với sự đa dạng đó.
Trong khi HS thảo luận theo nhóm, GV cần đi đến các nhóm để quan sát và hỗ trợ từng nhóm một, giúp các em biết cách đặt câu hỏi, biết cách nêu vấn đề và thảo luận. Diễn biến của mỗi giờ dạy không được định trước mà căn cứ vào nhu cầu và mối quan tâm của HS.
Nói cách khác, GV phải điều chỉnh các hoạt động dạy học trong từng giờ học sao cho phù hợp với phản hồi của HS đối với văn bản.
Không chỉ dựa trên lí thuyết kiến tạo, nguyên tắc này còn được xây dựng trên cơ sở các thành tựu nghiên cứu như lí thuyết tiếp nhận văn học và lí thuyết về sự phản hồi của người đọc.
Theo đó, có nhiều cách hiểu có thể có về một tác phẩm văn học, vì ý nghĩa của nó không chỉ được hình thành bởi chính văn bản mà còn được người đọc kiến tạo trong quá trình tương tác tích cực với kết quả sáng tạo của nhà văn, chịu ảnh hưởng của những giá trị văn hóa, tri thức, trải nghiệm, niềm tin, quan điểm thẩm mỹ, tình cảm, cảm xúc,. mà người đọc có được.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng lưu ý: Theo nguyên tắc dạy học này, HS cũng phải tự ghi chép theo cách của mình, chứ không chép nguyên xi nội dung mà GV viết trên bảng như nhiều giờ học Ngữ văn hiện nay.
GV tuyệt đối không được đọc, viết trên bảng hay trình chiếu trên màn hình chi tiết các nội dung của bài học để HS viết lại như viết chính tả.
Đọc diễn cảm là công việc thường xuyên của giáo viên
Ở các lớp tiểu học, nhất là lớp 1, 2, 3, GV phải thường xuyên đọc diễn cảm các tác phẩm văn học cho HS nghe.
Đối với các lớp ở trung học cơ sở và trung học phổ thông, việc đọc to và diễn cảm các tác phẩm văn học (đọc toàn văn bản hoặc từng đoạn) cũng hết sức cần thiết.
Sau khi đọc xong, GV cho HS nêu nhận xét, phát biểu cảm tưởng và nói về ý nghĩa của tác phẩm đối với các em. Chú ý khơi gợi để HS thể hiện thái độ hay nói về những lựa chọn hành xử có thể có khi đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật, liên hệ bối cảnh của tác phẩm với những trải nghiệm của các em.
Qua việc đọc và thảo luận về các tác phẩm văn học, HS có thể tìm thấy “khuôn mẫu” để phát triển năng lực viết của mình (về cả ý tưởng lẫn ngôn ngữ biểu đạt).
Ngoài việc viết về các tác phẩm văn học, HS có thể viết thư, lời cảm ơn, giấy mời, thông báo, mẩu quảng cáo, bài phân tích hay bình luận về một vấn đề xã hội, HS học viết thông qua chính hoạt động viết của các em.
Làm như vậy sẽ giúp khuyến khích các em có những phát biểu đa dạng. Nhờ những nhận xét và phát biểu đó, GV có thể biết được cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ, nhu cầu và sự phát triển nhân cách của từng HS.
Và bằng cách đó, bài học giúp các em trưởng thành trong tình cảm và nhận thức, có bản lĩnh, nghị lực và khả năng đối mặt với những tình huống phức tạp, éo le, khó khăn, những thách thức không lường trước được trong cuộc sống.
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng lưu ý thêm: Ở bậc tiểu học, đọc to tác phẩm văn học chủ yếu là công việc của GV, nhưng HS cũng cần có cơ hội làm việc này. GV nên có sự chuẩn bị trước để đọc cho diễn cảm, tạo được hứng thú, đồng cảm ở HS.
Việc đọc to tác phẩm giúp HS nắm được tốt hơn cốt truyện, sự phát triển tính cách nhân vật; cảm nhận được sâu sắc hơn hình tượng nghệ thuật của tác phẩm và những câu văn trau chuốt trong tác phẩm, có lợi cho việc phát triển năng lực thẩm mĩ và năng lực ngôn ngữ.
Sử dụng các trò chơi ngôn ngữ đối với HS tiểu học
Riêng đối với HS các lớp đầu cấp tiểu học, sau khi đọc xong một câu chuyện, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng cho rằng, GV có thể dành thời gian cho các em thực hiện những hoạt động mà các em lựa chọn: viết về câu chuyện này, đọc lại cho bạn mình nghe hay tự đọc một mình, vẽ một nhân vật trong truyện, đóng kịch,... Sau đó chia sẻ kết quả của mình với các bạn khác.
Chương trình phải tạo cơ hội để các em được viết nhiều và GV phải dành thời gian để sửa kĩ và nhận xét về các bài viết. Nhờ đọc các bài viết của HS mà GV biết được các em có những hạn chế gì cần khắc phục
Theo cách này, HS được tự khám phá, thử nghiệm và phát triển năng lực nhận thức. GV chỉ là người tổ chức các hoạt động, hỗ trợ và chia sẻ thêm các trải nghiệm của mình khi cần thiết.
Các hình thức kể chuyện, đóng vai, đọc thơ, ngâm thơ và các trò chơi ở trong lớp là những hình thức thích hợp giúp HS tiểu học cảm nhận sâu sắc hơn tác phẩm văn học, giúp các em có thêm nhiều trải nghiệm về cuộc sống.
Qua hình thức đóng kịch, HS chuyển thể tác phẩm văn học từ thể loại này sang thể loại khác, các em hiểu sâu hơn cốt truyện, nhân vật, xung đột, ngôn ngữ đối thoại của tác phẩm.
Có thể có nhiều hình thức kể chuyện: GV kể chuyện, HS kể chuyện hoặc mời người ngoài (phụ huynh, diễn viên quen biết, …) đến kể chuyện và chia sẻ kinh nghiệm với các em. Đối với HS lớp 1, GV có thể kể lại những câu chuyện quen thuộc hay vừa mới nghe đọc để làm mẫu cho HS.
Chú ý sử dụng các trò chơi ngôn ngữ đối với những HS tiểu học. Các trò chơi này sẽ giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp và tinh tế của ngôn ngữ, phát triển vốn từ, khả năng suy luận, khả năng tương tác và làm việc theo nhóm, tinh thần cạnh tranh lành mạnh. Các trò chơi ngôn ngữ cũng giúp HS thư giãn và có hứng thú đối với việc học…