Sự kiện có ý nghĩa đặc biệt
Từ 11-14/10, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT Việt Nam tổ chức chuỗi Hội nghị Bộ trưởng, quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN. Tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12 khai mạc ở Hà Nội (sáng 13/10), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Việt Nam coi giáo dục là quốc sách. Phát triển giáo dục được xác định là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Việt Nam rất quan tâm đến việc đảm bảo công bằng và nâng cao chất lượng giáo dục. Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; đồng thời tái cấu trúc mạnh mẽ ngành giáo dục. Những năm qua, chất lượng giáo dục của Việt Nam có chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao thông qua kết quả đánh giá học sinh quốc tế như PISA, PASEC và SEA-PLM.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12. |
Bày tỏ niềm vinh dự của Bộ GD&ĐT Việt Nam khi là Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022-2023 trong bối cảnh mới; Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ từ các nước thành viên ASEAN và các đối tác trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình. Bộ GD&ĐT Việt Nam cam kết sẽ cố gắng hết sức để hiện thực hóa những ưu tiên, định hướng lớn của giáo dục ASEAN trong giai đoạn tới.
Đại diện Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt. Nếu tính luân phiên tổ chức trong ASEAN thì 20 năm nữa, Việt Nam mới lại có vinh dự đăng cai. Sự kiện còn đặc biệt hơn khi được tổ chức trực tiếp sau 2 năm cả thế giới; trong đó có ngành Giáo dục phải chống chọi với đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng giáo dục ASEAN lần thứ 12. |
Chính phủ Việt Nam sẽ ủng hộ và tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ Bộ GD&ĐT Việt Nam chủ trì, cùng các bộ ngành, địa phương thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động được thống nhất tại hội nghị này, phù hợp với tinh thần của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN đến năm 2025. Qua đó, góp phần để Việt Nam và ASEAN hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc.
Phát triển đội ngũ trí thức
Ngày 14/10, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27–NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (Nghị quyết số 27) về xây dựng phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, giáo dục có tầm quan trọng, là động lực của phát triển kinh tế xã hội, là năng lực nội sinh nâng cao trình độ dân trí, khoa học và công nghệ của đất nước.
Đội ngũ trí thức giáo dục đại học là những “máy cái” tạo nên sự phát triển và tăng trưởng của đội ngũ trí thức trên toàn quốc. Phát triển đội ngũ trí thức ngành giáo dục luôn được đặt ra hàng đầu trong công cuộc phát triển đội ngũ trí thức chung.
Ông Trần Văn Thịnh, Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT, thông tin: Giai đoạn năm 2006 - 2021, Bộ đã triển khai, thực hiện một số Đề án đào tạo tại nước ngoài bằng học bổng ngân sách Nhà nước.
Thông qua các đề án và chương trình học bổng do Bộ GD&ĐT quản lý, đã có hơn 5.200 du học sinh công tác tại các cơ sở giáo dục đại học được cử đi đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, bao gồm 799 thạc sĩ và trên 4.400 tiến sĩ. Nhiều cơ sở đào tạo thuộc nhóm 50 trường hàng đầu trên thế giới theo xếp hạng QS World University Rankings 2021.
15 năm qua, các đề án và chương trình học bổng trên đã đóng góp quan trọng trong việc đào tạo giảng viên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc.
Toàn cảnh hội nghị. |
Ngày 12/10, tổ chức xếp hạng Times Higher Education công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới 2023 (THE WUR 2023). Theo kết quả này, Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học lọt vào danh sách này, bao gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Tôn Đức Thắng và một cơ sở giáo dục đại học mới được xếp hạng trong kỳ này là ĐH Huế.
Học phí và gặp gỡ tháng 10…
Hiện, số giáo viên nữ chiếm đến 80% tổng số giáo viên toàn ngành. Nữ cán bộ quản lý cũng chiếm khoảng 60% trong tổng số cán bộ quản lý toàn ngành. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh mong muốn, các nữ cán bộ, giáo viên đang công tác trong ngành Giáo dục, đào tạo sẽ phát huy mạnh mẽ hơn nữa để đạt nhiều thành tích, vượt qua mọi trở ngại, thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành và hoàn thành mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.
Tuần qua, nhiều địa phương đã thông qua mức học phí năm học 2022 – 2023. Tại kỳ họp thứ 7 (kỳ họp chuyên đề) HĐND TP Hồ Chí Minh đã thông qua mức học phí các cơ sở giáo dục từ mầm non cho đến phổ thông năm học 2022-2023 và các năm học tiếp theo trên địa bàn thành phố theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ.
Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ban hành nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2022 - 2023.
Theo đó, mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức sàn của khung học phí theo quy định của Chính phủ tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 81/2021. Trường hợp học trực tuyến (học online), các cơ sở giáo dục công lập áp dụng mức học phí bằng 50% mức học phí theo từng cấp học.
Tỉnh Đồng Tháp không thu 50% học phí năm học 2022 - 2023 cấp mầm non, phổ thông. |
Để góp phần chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, Nghị quyết quy định, không thu 50% học phí năm học 2022 - 2023 đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
Cũng trong tuần qua, một trong những nội dung được bạn đọc quan tâm là Chương trình gặp gỡ tháng 10, giao lưu các nữ cán bộ quản lý ngành giáo dục do Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức tại Hà Nội (ngày 14/10).
Chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10; hướng tới các hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2022). Qua đó, nhằm ghi nhận, biểu dương và tôn vinh những cống hiến, đóng góp của nữ cán bộ quản lý đối với sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo và phong trào phụ nữ của ngành giáo dục.
Nhân dịp này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam chính thức ra mắt mẫu áo dài biểu trưng của nhà giáo Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp về học phí và sách giáo khoa. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ GD&ĐT hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về học phí đối với cơ sở giáo dục, đào tạo công lập năm học 2022 - 2023 và thống nhất phương án mua sách giáo khoa trang bị cho các thư viện trường học để học sinh mượn sử dụng. Bộ GD&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/10/2022.