Nóng trong tuần: Tổng kết năm học, hỗ trợ giáo viên ngoài công lập, địa phương chốt lịch tựu trường

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học toàn ngành; Chính phủ ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do Covid-19... là những tin tức giáo dục nổi bật trong tuần qua.

Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.
Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.

Tổng kết năm học 2021-2022, phương hướng nhiệm vụ năm học 2022-2023

Ngày 12/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 64 điểm cầu trong cả nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định: Năm học 2021-2022 là năm học đầy thử thách; trường học bị đóng cửa, toàn ngành chuyển sang dạy và học trực tuyến trong điều kiện thiếu thốn nhiều bề. Nhưng với nỗ lực vượt bậc, với định hướng kiên trì mục tiêu chất lượng, ngành Giáo dục đã vượt qua thử thách, ứng phó được với dịch bệnh, hoàn thành cơ bản các yêu cầu của năm học và tiếp tục thực hiện được các mục tiêu đổi mới theo kế hoạch.

Năm học 2022-2023, theo Bộ trưởng, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021; tiếp tục triển khai thực Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Mục tiêu nhằm đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó trọng tâm là tổ chức triển khai hiệu quả chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Để thực hiện thành công mục tiêu này, Bộ GD&ĐT xác định việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách là khâu đột phá, là việc ưu tiên trước hết. Trong đó triển khai rà soát các quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc chồng chéo, ban hành thêm cơ chế chính sách nhằm mở đường, tạo điều kiện cho tự chủ và đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, coi củng cố, phát triển đội ngũ giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non, phổ thông và lực lượng khoa học của các trường đại học là yếu tố mang tính quyết định. Lấy việc hiện đại hóa hạ tầng giáo dục, chuyển đổi số, tăng cường tự chủ trong giáo dục, tăng cường dân chủ trong môi trường học đường, tăng cường yếu tố văn hóa trong môi trường học đường và thu hút các nguồn lực cho giáo dục là những giải pháp cần đẩy mạnh trong thời gian sắp tới.

Tại Hội nghị, các đại biểu và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đều ghi nhận những kết quả ngành Giáo dục đạt được trong năm học 2021-2022. Chia sẻ những khó khăn của ngành Giáo dục trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục, trường lớp, giáo viên, cùng với đó là sự quan tâm, yêu cầu rất cao của người dân, xã hội, Phó Thủ tướng đã nêu 10 đầu việc cụ thể đối với ngành Giáo dục.

Cũng trong tuần (ngày 8/8), tại tỉnh Thái Bình, Cụm Thi đua số 2, bao gồm 9 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022.

Chiều 12/8, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với giáo dục tiểu học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập khó khăn do đại dịch Covid-19

Ngày 11/8, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo đó, đối tượng được nhận hỗ trợ là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình tư thục, dân lập; cơ sở giáo dục tiểu học tư thục; trường mẫu giáo, mầm non SOS, trường tiểu học Hermann Gmeiner trong hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19.

Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được hưởng chính sách khi bảo đảm các điều kiện sau:

Là người đang làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập trước khi cơ sở phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021;

Nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021;

Chưa được hưởng chính sách hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại khoản 4, 5, 6 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP do không tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc;

Có xác nhận làm việc tại cơ sở giáo dục ngoài công lập (bao gồm cơ sở giáo dục ngoài công lập đã làm việc trước đây hoặc cơ sở giáo dục ngoài công lập khác trong trường hợp cơ sở giáo dục ngoài công lập trước đây làm việc không hoạt động trở lại) ít nhất hết năm học 2021-2022.

Mức hỗ trợ được quy định trong Nghị quyết là hỗ trợ một lần mức 3.700.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa được hưởng chính sách của địa phương hỗ trợ đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Hỗ trợ một lần mức 2.200.000 đồng/người áp dụng với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được hưởng chính sách của địa phương theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết, kịp thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh; giao Bộ Tài chính Bộ Tài chính bảo đảm nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách quy định tại Nghị quyết.

Đăng ký dự thi trực tuyến tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng

Sáng 9/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các kết quả đã đạt được và ghi nhận các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai Đề án. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng nhấn mạnh: “Đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh, đạt 93,1%, tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng chi phí cho người dân. Rất là thiết thực!”.

Trong khuôn khổ Hội nghị, báo cáo tham luận của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trình bày nêu rõ: Trong Đề án 06, ngành Giáo dục có hai nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: kết nối dữ liệu cơ bản hoàn thành, đạt khoảng 80%; và hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống đăng ký dự thi cùng với xét tuyển trực tuyến đối với thí sinh lớp 12.

Năm 2022, hệ thống này hướng tới giúp toàn bộ việc khai báo thông tin của thí sinh lớp 12 và thí sinh tự do đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học (nộp các hồ sơ, minh chứng, giấy tờ) được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Thông tin của 1 triệu thí sinh phải kết nối với cơ sở dữ liệu ngành để thí sinh không phải khai lại thông tin cá nhân đã có sẵn trong cơ sở dữ liệu ngành và chỉ bổ sung thông tin cần thiết của kỳ thi.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tham luận tại Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân (học sinh và phụ huynh học sinh), Bộ GD&ĐT đã triển khai nâng cấp và mở rộng nền tảng đăng ký xét tuyển cũng như xử lý nguyện vọng trực tuyến cho trên 900 ngàn thí sinh có nguyện vọng vào đại học, cao đẳng. Nền tảng này có trên 900 nghìn thí sinh tương tác, trên 300 trường đại học, cao đẳng tham gia; với 20 phương thức xét tuyển khác nhau năm 2022; trên 400 nghìn lượt mã ngành.

Cho đến nay, toàn bộ hệ thống phần mềm đã hoàn thành. Hệ thống hạ tầng công nghệ cũng đã được nâng cấp, chức năng an toàn bảo mật đảm bảo kết nối và thực hiện. Hạ tầng đường truyền được xử lý đầu tư nâng cấp. Theo thống kê, trên 93% thí sinh đã đăng ký trực tuyến. Hệ thống hoạt động hoàn toàn trơn tru, hiệu quả trên Cổng thông tin dịch vụ công của Bộ và Cổng dịch vụ công quốc gia. Có thời điểm cao nhất khoảng 140.000 truy nhập, hệ thống vẫn đảm bảo hoạt động bình thường.

Đến thời điểm này, trong việc đăng ký xét tuyển, trên 50% thí sinh, tương ứng với khoảng 450.000 thí sinh cùng 2 triệu nguyện vọng đã được đăng ký với tất cả các phương thức xét tuyển khác nhau.

Bên cạnh đó, dữ liệu từ phổ thông lên đại học đã được kết nối liên thông, kết quả nhất quán theo mã định danh điện tử ở tất cả các cấp học. Cơ sở dữ liệu về điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ và các dữ liệu khác đã sẵn sàng để phục vụ cho các trường xét tuyển.

Phần mềm cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nền tảng thanh toán lệ phí sơ tuyển qua 15 kênh khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh xét tuyển bằng các phương thức khác nhau ở các vùng khác nhau.

Ảnh minh họa/ITN

Ảnh minh họa/ITN

Nhiều địa phương "chốt" lịch tựu trường

Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023, các tỉnh/thành đã ban hành kế hoạch thời gian năm học của địa phương. Theo đó, ngày khai giảng thực hiện thống nhất vào 5/9.

Với Hà Nội, học sinh các cấp học tựu trường sớm nhất vào ngày 29/8. Riêng học sinh lớp 1 tựu trường sớm nhất từ ngày 22/8. Học sinh TP. Hồ Chí Minh tựu trường vào 22/8; riêng cấp học mầm non vào 31/8. Học sinh Bình Định tựu trường vào 29/8. Học sinh Đồng Tháp tựu trường ngày 25/8; riêng học sinh lớp 1 tựu trường 22/8.

Yên Bái, học sinh tựu trường 29/8; riêng cấp học sinh lớp 1 tựu trường ngày 22/8. Bình Thuận, học sinh tựu trường 29/8; các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên giảng dạy chương trình nghề phổ thông của năm học mới từ ngày 12/9.

Hưng Yên quy định thời gian tựu trường sớm nhất vào ngày 29/8; riêng đối với lớp 1 tựu trường sớm nhất vào ngày 22/8. Ninh Bình tựu trường từ ngày 29/8; riêng đối với học sinh lớp 1 tựu trường từ 22/8...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.