Ấn tượng triển lãm sách giáo khoa
Bộ GD&ĐT cho biết, có 1.574 tác giả tham gia biên soạn SGK cho 6 khối lớp. Trên 2/3 số tác giả tham gia biên soạn SGK có trình độ từ tiến sĩ trở lên.
Trong 2 ngày (28, 29/9), Bộ GD&ĐT tổ chức Trưng bày sách giáo khoa (SGK) Việt Nam và các nước; Hội thảo về công tác biên soạn, xuất bản, sử dụng SGK giáo dục phổ thông.
Sự kiện được tổ chức nhằm đánh giá kết quả biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành SGK. Đồng thời, so sánh sự khác biệt giữa trước đây với việc thực hiện theo chủ trương xã hội hóa như hiện nay. Từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp trong những năm tiếp theo.
Hoạt động trưng bày bao gồm, giới thiệu lịch sử phát triển SGK giáo dục phổ thông Việt Nam qua các thời kỳ, theo các mốc thay sách: 1957, 1981, 2002, 2020.
Trưng bày và giới thiệu SGK của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới như: Lào, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh... Ngoài ra, một số sách được giải thưởng quốc gia và SGK điện tử thuộc các bộ sách hiện hành cũng được trưng bày, giới thiệu.
Nhấn mạnh những điểm mới quan trọng khi triển khai đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, mục tiêu đổi mới nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông. Đồng thời, kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp.
Qua đó, góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Học sinh hào hứng tham dự triển lãm SGK. |
Theo Thứ trưởng, dù còn những khó khăn, chủ trương xã hội hoá SGK đã huy động được nhiều tổ chức, cùng đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia biên soạn SGK.
“Chúng ta khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK theo chủ trương xã hội hóa, nhưng vẫn phải lấy chất lượng là số 1” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến
Từ tháng 10 đến tháng 12/2022, cơ sở đào tạo xét tuyển các đợt tiếp theo, cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định. Trước ngày 31/12, cơ sở đào tạo báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2022 về Vụ Giáo dục đại học.
Tính đến 17h ngày 30/9, có 463.440 thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến, đạt tỉ lệ 81,7% so với số thí sinh trúng tuyển. Trong hơn 620.400 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, số trúng tuyển chính thức sau đợt 1 là trên 567.000. Trong đó, hơn 3.500 trúng tuyển cao đẳng sư phạm, đạt tỉ lệ 91,4% so với số thí sinh đăng ký xét tuyển.
Các năm trước, hệ thống chỉ xử lý chung nguyện vọng theo phương thức dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT, lượng thí sinh ảo rất lớn, do thí sinh còn chọn các phương thức khác mà hệ thống không kiểm soát được. Tỉ lệ xác nhận nhập học tối đa là 63%, riêng năm 2021 chỉ đạt 55,3% thí sinh trúng tuyển nhập học theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. |
Theo bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), về tổng thể, công tác tuyển sinh năm 2022 có những điều chỉnh tích cực. Đặc biệt là sự chuyển đổi mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ thông tin.
Việc tổ chức đăng ký và xử lý nguyện vọng xét tuyển trực tuyến không chỉ bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, giảm thiểu số lượng thí sinh ảo, mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số; trong đó đảm bảo việc minh bạch hóa công tác tuyển sinh của cả hệ thống.
“Nhìn lại kỳ tuyển sinh năm 2022, có thể khẳng định, việc áp dụng công nghệ trong các khâu của tuyển sinh là việc không thể không làm trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay” – bà Thủy nhấn mạnh.
Hiện nay, Hệ thống đang tiếp tục hỗ trợ thí sinh xác nhận nhập học và xét tuyển bổ sung. Tất cả những vướng mắc, không thuận lợi trong quá trình triển khai đã được Bộ GDĐT ghi nhận, phân tích, để hoàn thiện quy trình tuyển sinh cho năm 2023 và các năm tiếp theo.
Triển lãm GDĐH Việt Nam và tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời
Phát biểu tại triển lãm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Văn Phúc cho biết: Quá trình quốc tế hoá và chuẩn hoá chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong thời gian gần đây, nhiều trường đại học được đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và có thứ hạng cao trong các danh sách những trường đại học hàng đầu của khu vực Châu Á và thế giới..
Ngày 29/9, tại Thủ đô Viêng Chăn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã diễn ra Triển lãm giáo dục đại học Việt Nam. Đây là sự kiện giáo dục được tổ chức trong năm đoàn kết hữu nghị, chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước.
Triển lãm giáo dục đại học Việt Nam đã thu hút hơn 1300 học sinh lớp 12 của 12 trường THPT tại Viêng Chăn đến tham dự, tìm hiểu thông tin. Ngoài ra, còn có đại diện 17 sở GD&ĐT của các tỉnh/thành phố, các trường đại học và một số doanh nghiệp Lào, Việt Nam tại Lào tham dự triển lãm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. |
Với sự góp mặt của gần 40 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tại triển lãm, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định: Triển lãm Giáo dục Việt Nam - Lào 2022 là cơ hội để giúp các bạn học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo quốc tế Lào tiếp xúc, trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội học bổng cũng như cơ hội hợp tác với các trường đại học của Việt Nam.
Tuần qua, Bộ GD&ĐT phát động tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2022. Phát biểu tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ - cho biết: “Để phát triển nền giáo dục hiện tại và trong tương lai, xây dựng xã hội học tập là nền tảng, cốt lõi. Trong đó, học tập suốt đời vừa là phương châm, giải pháp, mục tiêu của sự nghiệp giáo dục. Vì thế, xây dựng xã hội học tập tạo cơ hội học tập suốt đời đang là xu thế tất yếu; mục tiêu mang tính thời đại của mọi nền giáo dục trên thế giới”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Lễ phát động tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2022. |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, từ xa xưa, dân tộc ta luôn coi trọng việc học, coi học tập thường xuyên, suốt đời là nền tảng cho sự phát triển bền vững, nguồn gốc của mọi thắng lợi. Truyền thống quý báu đó đã được hình thành, hun đúc và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập luôn là chủ trương được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm kể từ khi nước ta giành độc lập tới nay.
Sau sự kiện của Bộ, đồng loạt các địa phương cũng tổ chức phát động tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2022, điển hình như: Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh… Hầu hết các địa phương đều lựa chọn chủ đề xoay quanh nội dung: thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ cho học tập suốt đời sau đại dịch Covid-19.
Tại Việt Nam, ngày 2/10/2011, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời lần đầu tiên được tổ chức và phát động với chủ đề “Học tập suốt đời - Chìa khóa của mọi thành công” .