Nóng trong tuần: Dấu ấn hợp tác giáo dục với Hoa Kỳ; quan tâm giáo dục mầm non

GD&TĐ - Dấu ấn hợp tác giáo dục với Hoa Kỳ, quan tâm giáo dục mầm non, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến là những tin tức giáo dục nổi bật tuần qua.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc tại Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc tại Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ.

Dấu ấn hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ

Tuần qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn đại biểu Bộ GD&ĐT Việt Nam đã có nhiều hoạt động quan trọng tại Hoa Kỳ.

Trong đó, hoạt động trọng tâm là Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về chuyển đổi giáo dục tại New York. Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ một số quan điểm và những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững trong giáo dục.

Bộ trưởng cho rằng, việc đầu tiên cần làm là bù đắp những khoảng trống giáo dục do ảnh hưởng của việc đóng cửa trường học trong thời gian dài. Cùng với đó, trong một thế giới mà mọi thứ đang diễn tiến ngày càng nhanh hơn, phân hoá mạnh hơn và liên kết với nhau chặt chẽ hơn; chúng ta cần một mạng lưới kết nối mạnh mẽ để tối ưu hoá tiềm năng của mình và bảo đảm không ai bị sót lại phía sau.

Thông qua đối thoại chính sách, chia sẻ kiến thức và học hỏi lẫn nhau, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn những kinh nghiệm quốc tế về ứng phó và phục hồi sẽ được phổ biến nhanh chóng, kịp thời và các sáng kiến đổi mới sáng tạo cũng từ đó được nhân rộng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về chuyển đổi giáo dục Liên Hợp Quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về chuyển đổi giáo dục Liên Hợp Quốc.

Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có các cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hoa Kỳ; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào; Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia; Giám đốc Giáo dục toàn cầu của Ngân hàng thế giới (World Bank); đại diện Tập đoàn Microsoft; Đại học New York… Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đã có cuộc làm việc với Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

Trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ, ngày 20/9, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn đại biểu Bộ GD&ĐT Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Certiport. Tại đây, một số vấn đề liên quan đến kiểm tra, đánh giá được Bộ trưởng đưa ra với mong muốn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của Certiport và Pearson. Trong đó có công nghệ, kỹ thuật để kiểm tra, đánh giá trực tuyến; phát triển đội ngũ chuyên gia về khoa học kiểm tra, đánh giá tại Việt Nam…

Chiều 21/9, Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ đã được tổ chức. Đây là một trong những hoạt động quan trọng trong khuôn khổ chuyến công tác của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác Bộ GD&ĐT Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ những kết quả và nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác giáo dục, trong đó có hợp tác giáo dục với Hoa Kỳ. Bộ trưởng tin tưởng Diễn đàn này sẽ đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong lĩnh vực giáo dục vào Việt Nam, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Tại Hoa Kỳ, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT còn có các cuộc làm việc, ký kết hợp tác với Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) và làm việc việc với Tập đoàn Intel; làm việc với College Board - tổ chức giáo dục chuyên phát triển các chương trình đào tạo và bài thi chuẩn hóa quốc tế AP, SAT, PSAT, Sringboard và Britannica Education - tổ chức xuất bản hệ thống Bách khoa toàn thư lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi với Bộ trưởng Giáo dục Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi với Bộ trưởng Giáo dục Hoa Kỳ.

Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ, ngày 22/9, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc làm việc với bà Lee Satterfield - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; làm việc với Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID); Chương trình Hòa bình...

Nhìn một cách tổng thể, qua các cuộc làm việc, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều rất mong muốn thúc đẩy hợp tác về giáo dục - đào tạo giữa hai bên mạnh mẽ hơn nữa cả về bề rộng và chiều sâu.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo 2 đề án đối với giáo dục mầm non.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo 2 đề án đối với giáo dục mầm non.

Quan tâm phát triển giáo dục mầm non

Trong tuần, 2 sự kiện quan trọng liên quan đến giáo dục mầm non được Bộ GD&ĐT tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Ngô Thị Minh.

Theo đó, ngày 22/9 diễn ra hội thảo lấy ý kiến về dự thảo 2 đề án đối với giáo dục mầm non là Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giai đoạn 2023-2030”; Đề án “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2023-2030”.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho rằng, để thực hiện được hai đề án cần phải huy động các nguồn lực xã hội một cách hợp lý và cần có tính kết nối các nguồn lực một cách tốt nhất. Đồng thời, cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội, các bộ, ngành và các địa phương cần nhìn nhận rõ trách nhiệm của mình một cách tổng thể.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh yêu cầu Tổ thư ký soạn thảo đề án tiếp thu đầy đủ, có chọn lọc các ý kiến của các đại biểu để tiếp tục rà soát, hoàn thiện và chỉnh sửa dự thảo 2 đề án trên nguyên tắc phải đảm bảo tính logic giữa các chỉ tiêu, mục tiêu và giải pháp. Đồng thời, cần kế thừa những kinh nghiệm quốc tế một cách phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo “Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập.

Các đại biểu tham dự hội thảo “Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập.

Ngày 21/9, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì hội thảo “Nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập.

Tại đây, Thứ trưởng lưu ý, các ban, ngành các cấp của các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng của nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập. Ủy ban nhân dân phường, xã nơi có các cơ sở giáo dục mầm non độc lập cần nêu cao vai trò trách nhiệm của mình; quan tâm bồi dưỡng năng lực cho cán bộ được phân công theo dõi, quản lý cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên địa bàn.

Các địa phương, cơ sở giáo dục mầm non kịp thời triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngay khi có văn bản hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, Thứ trưởng lưu ý, an toàn và sự phát triển toàn diện cho trẻ phải đặt lên hàng đầu. Muốn như vậy, phải nâng cao năng lực chuyên môn và khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của cha mẹ trẻ khi gửi trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập để trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo Chương trình Giáo dục Mầm non, đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ.

Thí sinh làm thủ tục nhập học vào Trường ĐH Gia Định. Ảnh: Anh Tú.
Thí sinh làm thủ tục nhập học vào Trường ĐH Gia Định. Ảnh: Anh Tú.

Thí sinh xác nhận nhập học đại học trực tuyến

Từ ngày 18/9 đến trước 17 giờ ngày 30/9, thí sinh phải xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống. Thí sinh không thực hiện quy trình này coi như từ chối cơ hội học tập đã trúng tuyển.

Thống kê của Bộ GD&ĐT, sau gần 1 tuần mở hệ thống, tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học đạt gần 80%.

Bộ GD&ĐT đề nghị, cơ sở đào tạo cần hướng dẫn thí sinh thực hiện đầy đủ quy trình xác nhận nhập học trực tuyến. Cơ sở đào tạo có thể bắt đầu tổ chức nhập học đồng thời với quá trình thí sinh xác nhận nhập học, hoặc tổ chức nhập học sau khi thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến.

Từ ngày 1/10, cơ sở đào tạo có thể thông báo tuyển sinh đợt bổ sung. Từ tháng 10 đến tháng 12/2022, cơ sở đào tạo xét tuyển các đợt tiếp theo, cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định. Trước ngày 31/12, cơ sở đào tạo phải báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2022 về Vụ Giáo dục đại học.

Bộ GD&ĐT lưu ý các cơ sở đào tạo, khi có đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại sai sót về thông tin (khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên, điểm xét tuyển, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển...), cơ sở đào tạo chủ động xem xét giải quyết hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo có liên quan để giải quyết theo quy định, bảo đảm quyền lợi chính đáng của thí sinh.

Đối với thí sinh trúng tuyển có điều kiện theo phương thức xét tuyển sớm nhưng sơ suất không đăng ký thành công trên Hệ thống, cơ sở đào tạo có thể xét tuyển bổ sung ngay như đối tượng đã đăng ký xét bổ sung.

Tuần qua cũng có trường đại học đã công bố xét tuyển bổ sung. Dù theo quy định của Bộ GD&ĐT, việc này phải bắt đầu từ 1/10, nhưng ý kiến các trường cho rằng, sau khi Bộ GD&ĐT nhả dữ liệu (sau lọc ảo), nhà trường đã thấy rõ nhiều ngành vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu nên sớm có kế hoạch tuyển đợt tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ