Tăng cả chất và lượng
Chiều 14/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27–NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (Nghị quyết 27–NQ/TW) về xây dựng phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tại hội nghị, ông Trần Văn Thịnh - Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT – thông tin: Giai đoạn năm 2006 - 2021, Bộ đã triển khai, thực hiện một số Đề án đào tạo người đi học tại nước ngoài bằng học bổng ngân sách Nhà nước.
Cụ thể: Đề án “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước” (Đề án 322). Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020” (Đề án 911). Đề án “Đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013 - 2020” (Đề án 599) và các chương trình học bổng Hiệp định.
Thông qua các đề án và chương trình học bổng do Bộ GD&ĐT quản lý nêu trên, đã có hơn 5.200 du học sinh công tác tại các cơ sở giáo dục đại học được cử đi đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, bao gồm 799 thạc sĩ và trên 4.400 tiến sĩ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội nghị. |
Du học sinh được cử đi học tại 48 nước; trong đó có những quốc gia có chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới như: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Úc, Hung-ga-ri, Liên bang Nga, Trung Quốc…
Nhiều cơ sở đào tạo thuộc nhóm 50 trường hàng đầu trên thế giới theo xếp hạng QS World University Rankings 2021. Các giảng viên đi học chủ yếu khối ngành đào tạo theo nhu cầu của các cơ sở giáo dục đại học và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (ưu tiên đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, xã hội).
Theo ông Thịnh, trong vòng 15 năm qua, các đề án và chương trình học bổng trên đã đóng góp quan trọng trong việc đào tạo giảng viên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc.
Theo đó, đội ngũ viên chức, giảng viên có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến của các nước phát triển đã được nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, phương pháp giảng dạy, kỹ năng giải quyết vấn đề, năng lực quản lý, năng lực ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, tạo nền tảng vững chắc cho họ trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học sau khi về nước.
Toàn cảnh hội nghị. |
Tháo gỡ “điểm nghẽn”
Thống nhất với chủ trương, chính sách của Bộ GD&ĐT về xây dựng phát triển đội ngũ trí thức trong thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Quang Ngoạn – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định) – khẳng định, nhờ có các hành lang pháp lý của Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT nên nhà trường đã đào tạo được đông đảo đội ngũ trí thức có trình độ, chất lượng cao. Nhiều người được đưa đi đào tạo nước ngoài, được phong hàm giáo sư, phó giáo sư.
Để tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, PGS.TS Nguyễn Quang Ngoạn đề xuất, cần có hành lang pháp lý rõ ràng hơn, tránh chồng chéo. Hiện nay, đầu tư cho giáo dục đại học còn thấp hơn so với các nước trong khu vực và thế giới. Do đó, Nhà nước cần tăng ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này, bởi đội ngũ trí thức giáo dục đại học là những “máy cái” tạo nên sự phát triển và tăng trưởng của đội ngũ trí thức trên toàn quốc.
Ông Trần Văn Thịnh - Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT tham luận tại hội nghị. |
Khẳng định, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27–NQ/TW, đội ngũ trí thức phát triển nhanh về số lượng và nâng lên về chất lượng; tuy nhiên PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam – cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, vẫn còn những khó khăn nhất định.
PGS.TS Lê Anh Tuấn viện dẫn, việc tuyển dụng đội ngũ trí thức trẻ có trình độ cao, nhất là những người được đào tạo ở nước ngoài về vẫn còn “vướng” về cơ chế, chưa có chính sách đặc thù nên khó thu hút người giỏi. Có người hơn 10 năm mới được tuyển dụng vào viên chức.
Dù Học viện đã vận dụng tối đa chính sách đãi ngộ, nhưng về cơ bản mức lương vẫn còn thấp. Các chính sách đãi ngộ chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn nên khó khuyến khích đội ngũ giảng viên và khó giữ chân người tài, nhất là với đội ngũ trẻ. Lương thấp nên một số cán bộ chuyển sang đơn vị khác. Điều này tiềm ẩm nguy cơ chảy máu chất xám nội ngành.
Từ thực trạng trên, PGS.TS Lê Anh Tuấn đề xuất, cần cơ chế, chính sách thông thoáng hơn trong tuyển dụng, nhất là với đội ngũ giảng viên, trí thức trẻ, những người được đào tạo ở nước ngoài.
Mặt khác, có chính sách đặc thù với những người tài, có giải thưởng quốc tế. Nên chăng bãi bỏ quy định về độ tuổi lao động với những người có học hàm, học vị cao, tránh lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn – nhấn mạnh, mục tiêu của Nghị quyết 27–NQ/TW là xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý. Qua đó, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách đã ban hành, xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng của đội ngũ trí thức và xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ trí thức.
PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. |
Theo Thứ trưởng, cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ trí thức đã tăng nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng; góp phần trực tiếp vào phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhiều trí thức trẻ thể hiện tính năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Ða số trí thức Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc; nhiều người đã về nước làm việc, hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Nhấn mạnh, đã là trí thức thì phải bắt đầu từ giáo dục, Thứ trưởng nhìn nhận, ngành Giáo dục có sứ mệnh quan trọng trong đào tạo, phát triển đội ngũ này. Phải đánh giá được sự chuyển biến tích cực của ngành Giáo dục trong đào tạo, phát triển đội ngũ trí thức.
Bên cạnh việc hoàn thiện môi trường, hành lang pháp lý, cần tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong phát triển đội ngũ trí thức. Nhà nước cần có nguồn lực đầu tư tương xứng để phát triển đội ngũ này, trong đó quan tâm đến giáo dục đại học và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
"Nhìn chung, công tác trí thức của Ðảng và Nhà nước trong những năm qua đã thể hiện coi trọng vị trí, vai trò của trí thức, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức và các hội của trí thức hoạt động, phát triển".
Trích Nghị quyết 27–NQ/TW.