Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giáo dục là ưu tiên hàng đầu của Cộng đồng ASEAN

GD&TĐ - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12 đã nhấn mạnh ưu tiên của Việt Nam, Cộng đồng ASEAN với giáo dục.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12.

Tái thiết lại nền giáo dục với những chuẩn mực mới

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt. Nếu tính luân phiên tổ chức trong ASEAN thì 20 năm nữa, Việt Nam mới lại có vinh dự này. Sự kiện này còn đặc biệt hơn nữa khi được tổ chức không phải là trực tuyến mà là trực tiếp sau 2 năm cả thế giới, trong đó có ngành Giáo dục, phải chống chọi với đại dịch Covid-19, và việc học tập ở khắp nơi trên thế giới đều bị gián đoạn.

Sau hai năm đại dịch, trường học ở hầu hết các nước trên thế giới đã mở cửa trở lại. Nhưng theo Phó Thủ tướng, việc mở lại trường học là chưa đủ.

“Phải chăng câu hỏi về mục tiêu đặt ra cho chúng ta là cần tái thiết lại nền giáo dục với những chuẩn mực mới để tăng cường khả năng thích ứng trước những thay đổi cũng những thách thức khó lường trong tương lai. Như chủ đề của Hội nghị năm nay, đó là: “Nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực ASEAN và hơn thế nữa trong bối cảnh mới”. - Phó Thủ tướng chia sẻ.

Khu vực ASEAN hiện có quy mô kinh tế đứng thứ 5 trên thế giới và đang được kỳ vọng vươn lên vị trí thứ 4 vào năm 2050. Cộng đồng ASEAN với tổng dân số đạt gần 680 triệu người, có lợi thế về lực lượng lao động lớn, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc. Đặc biệt, nhóm dân số trẻ chiếm 1/3 dân số cả ASEAN - đây là lực lượng trẻ đông đảo nhất từ trước đến nay của chúng ta, hứa hẹn sẽ đóng góp rất quan trọng hợp tác, phát triển và sự thịnh vượng chung của cả khu vực.

Nhắc đến điều này, Phó Thủ tướng thông tin: Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Pháp luật Việt Nam quy định phải dành ít nhất 20% ngân sách nhà nước cho Giáo dục.

Có thể nói, với tất cả các nước, giáo dục chính là chìa khóa của thành công, có vai trò có tính quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước, mà trực tiếp nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất lao động và nguồn lực cạnh tranh của cả quốc gia và khu vực.

Giáo dục cũng được xác định là ưu tiên hàng đầu của Cộng đồng ASEAN; là một trong ba mục tiêu được ghi trong Hiến chương ASEAN. Trong điều kiện thế giới đang thay đổi nhanh chóng, chúng ta đã xác định lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển. Bởi xét đến cùng thì tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội hay gì đi chăng nữa cũng là để phát triển con người, vì con người, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn của từng người và của mọi người.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn, Phó Tổng Thư ký ASEAN và một số khách mời chụp ảnh lưu niệm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn, Phó Tổng Thư ký ASEAN và một số khách mời chụp ảnh lưu niệm.

Xây dựng hệ thống giáo dục linh hoạt và tự cường hơn

Hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, có thể nói đại dịch đã gây ra một cuộc khủng hoảng học tập trên toàn cầu và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giữa các trẻ em, nhất là ở các nước đang phát triển.

Ở các nước ASEAN, trong thời gian hai năm qua, hoạt động học tập của ít nhất 180 triệu trẻ em và thanh thiếu niên bị ảnh hưởng do trường học đóng cửa, có đến 35 triệu học sinh đã không được đến trường trong gần hai năm học vừa qua.

Việc các trường học phải đóng cửa trung bình 136 ngày trong 18 tháng qua, tính đến tháng 5/2022, đã tác động rất tiêu cực đến thể chất, tinh thần và hoạt động học tập của học sinh. Những ảnh hưởng của đại dịch đến hoạt động học tập của học sinh ngày càng rõ rệt. Hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu chúng ta không cùng nhau hành động, hành động mạnh mẽ hơn và hành động ngay từ lúc này!

Thông qua hội nghị này và cùng với những ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam được vinh dự làm Chủ tịch hợp tác giáo dục 2022-2023 của ASEAN, Phó Thủ tướng tin tưởng rằng những người đứng đầu ngành Giáo dục các nước ASEAN sẽ cùng nhau xây dựng và thực thi chính sách giáo dục đúng đắn, hiệu quả.

Trước mắt là để khôi phục và duy trì tính liên tục của hoạt động học tập. Và sau đó, là về trung và dài hạn, từng quốc gia cả cộng đồng ASEAN sẵn sàng ứng phó với những thách thức tương lai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng, có thể làm gián đoạn học tập bằng cách xây dựng hệ thống giáo dục linh hoạt và tự cường hơn.

Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ Việt Nam sẽ ủng hộ và tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ Bộ GD&ĐT Việt Nam chủ trì cùng các bộ ngành, địa phương thúc đẩy việc thực hiện các hành động được thống nhất tại Hội nghị này phù hợp với tinh thần của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN đến năm 2025. Từ đó, góp phần để Việt Nam và ASEAN hoàn thành các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc.

Phát biểu trong Lễ Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12, ngài Ekkaphab Phanthavong - Phó Tổng Thư ký ASEAN, cho biết: Sau 2 năm dịch bệnh Covid-19, đây là lúc các nước ASEAN cùng nhau tái khởi động các hoạt động kinh tế-xã hội.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các chương trình về hợp tác giáo dục, ngài Ekkaphab Phanthavong bày tỏ mong muốn trong thời gian sắp tới, các nước sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác giáo dục, cùng nhau thảo luận vì các mục tiêu phát triển bền vững của khu vực hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Cuối cùng, Phó Tổng Thư ký ASEAN Ekkaphab Phanthavong đặc biệt cảm ơn Bộ GD&ĐT Việt Nam đã nỗ lực tổ chức chuỗi sự kiện Hội nghị Bộ trưởng, quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN và chúc Hội nghị sẽ thành công tốt đẹp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ