Ngày khai giảng là 5/9
Ngày 19/8, Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị số 1112 /CT-BGDĐT về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023. Chỉ thị nêu rõ: Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giáo dục và đào tạo.
Ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2022 - 2023 là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới,củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Trong Chỉ thị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu toàn ngành Giáo dục tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Tuần qua, nhiều địa phương ban Khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023. UBND TP Cần Thơ đã ban hành văn bản về việc triển khai thực hiện Khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, TP Cần Thơ tổ chức khai giảng vào ngày 5/9.
Ngày tựu trường đối với mầm non, tiểu học, THCS, THPT và giáo dục thường xuyên vào ngày 29/8, sớm hơn 1 tuần so với ngày khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường vào ngày 24/8.
Tuần qua, thông tin một số địa phương được bổ sung biên chế giáo viên cũng được dư luận quan tâm và hoan nghênh. Ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, việc được giao hơn 2.800 định biên ngành Giáo dục là tin mừng đối với tỉnh.
Tuy nhiên, Nghệ An đang thiếu gần 8.000 giáo viên, sau khi được bổ sung biên chế, năm học 2022-2023, tỉnh vẫn thiếu gần 6.000 giáo viên. Vì vậy, tỉnh mong Bộ GD&ĐT cũng như các bộ ngành liên quan có cơ chế chính sách đặc thù để giúp địa phương đảm bảo đội ngũ tối thiểu. Qua đó thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018.
“Chốt” số thí sinh đã nhập nguyện vọng
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022, do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức. Ảnh: NTCC |
Theo thông tin từ Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), kết thúc đợt đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non; Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT ghi nhận, cả nước có hơn 941.700 thí sinh đăng ký xét tuyển. Tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng là trên 616.500 Tổng số lượng nguyện vọng gần 3,1 triệu. Số lượng nguyện vọng trung bình theo thí sinh là 5.03.
Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ chuẩn bị hạ tầng kết nối và thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển vào đại học (thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia với 15 kênh thanh toán trực tuyến chính của cả nước). Cụ thể, lịch mở chức năng thanh toán theo các tỉnh/thành như sau:
Thời gian | Các tỉnh, thành |
Từ ngày 24/8/2022 đến 17h ngày 29/8/2022 | Thành phố Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Thành phố Hải Phòng. |
Từ ngày 25/8/2022 đến 17h ngày 30/8/2022 | Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum. |
Từ ngày 26/8/2022 đến 17h ngày 31/8/2022 | Dành cho các thí sinh thuộc các tỉnh/thành phố còn lại. |
Ngày 19/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chế độ, chính sách cho giảng viên trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học. TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục – thông tin: Thời gian tới, Bộ GD&ĐTphối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Đồng thời, khảo sát, lấy ý kiến phản hồi của các trường cao đẳng sư phạm, cơ sở giáo dục đại học và các bên liên quan để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền, hoặc trình Quốc hội/Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chế độ làm việc, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 giáo dục Mầm non |
Cũng trong ngày 19/8, Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 giáo dục Mầm non (GDMN ) đã được tổ chức tại Nghệ An. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh – nhìn nhận: Sau một năm nhiều khó khăn, chúng ta làm được nhiều việc, tinh thần đổi mới sáng tạo đã thấm đượm trong GDMN.
Các địa phương đã thể hiện tốt vai trò tham mưu của địa phương, đã có nhiều mô hình hay hiệu quả, thực hiện chương trình GDMN phù hợp với bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Thứ trưởng nhấn mạnh, cần tạo dựng mô hình hay cho từng địa phương. Những mô hình hay này sẽ nhân rộng ra toàn quốc để học tập. Vấn đề tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non phải dựa trên tiếng mẹ đẻ, cần được quan tâm đặc biệt để trẻ tiếp thu đầy đủ hoạt động dạy học.
Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo Vụ GDMN có trách nhiệm kết nối, xây dựng Đề án phổ cập GDMN trẻ 4 tuổi và quan tâm phát triển GDMN vùng khó. Chính phủ đã đặt ra lộ trình, chúng ta cần tính toán ở các lứa tuổi 3 – 4 – 5 có sự quan tâm, quan tâm sâu.
Cùng ngày 19/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tiếp nhận, đào tạo, quản lý lưu học sinh (LHS) nước ngoài giai đoạn 2016 - 2021 và phương hướng thực hiện giai đoạn 2022 - 2030. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định, LHS nước ngoài được các cơ sở GDĐH Việt Nam quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất về vật chất và tinh thần nhằm đảm bảo thuận lợi về nơi ăn, ở, học tập và sinh hoạt, giúp LHS nhanh chóng hòa nhập.
Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, các cơ sở giáo dục đại học đã có nhiều hỗ trợ thiết thực về vật chất, tinh thần và chuyên môn giúp LHS vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành chương trình đào tạo, đảm bảo cả về chất lượng và tiến độ. Qua đó tạo được ấn tượng sâu sắc, tình cảm tốt đẹp của sinh viên nước ngoài đối với đất nước, con người và giáo dục đại học Việt Nam.