Bông hoa rừng của ngành giáo dục Yên Bái

Bông hoa rừng của ngành giáo dục Yên Bái

(GD&TĐ)- Trong thời gian qua tập thể cán bộ, giáo viên ngành giáo dục tỉnh Yên Bái đã tích cực phấn đấu lập thành tích hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi của ngành giáo dục và đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận; đã xuất hiện nhiều gương mặt xuất sắc trong các phong trào thi đua. Trong đợt gặp mặt các nữ nhà giáo tiêu biểu toàn quốc nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 sắp tới, tỉnh Yên Bái đã chọn ra 3 nữ nhà giáo tiêu biểu đại diện cho đội ngũ nữ nhà giáo của tỉnh dự buổi gặp mặt. Một trong số đó là nhà giáo Nguyễn Thị Thúy Nhung, giáo viên trường Phổ thông DTBT Tiểu học- THCS Trạm Tấu- huyện Trạm Tấu.

Sau khi tốt nghiệp ra trường năm 1990, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nhung tình nguyện lên công tác huyện vùng cao đặc biệt khó khăn Trạm Tấu. Nhận công tác tại trường Tiểu học xã Pá Hu rồi trường Tiểu học xã Pá Lau và bây giờ là trường Phổ thông DTBT Tiểu học- THCS Trạm Tấu đều là các trường học của các xã đặc biệt khó khăn. 

Giáo viên Nguyễn Thị Thúy Nhung trong giờ lên lớp. Ảnh, gdtd.vn
Giáo viên Nguyễn Thị Thúy Nhung trong giờ lên lớp. Ảnh, gdtd.vn  

Cô Nhung cho biết, "tại trường Trạm Tấu, 6 năm liền làm giáo viên cắm bản dạy ở các điểm phân trường. Học sinh ở đây 100% là người dân tộc H’Mông nên mình phải học nói tiếng H’Mông để gần gũi với học sinh và phụ huynh. Những năm trước đây, do chưa có chính sách dành cho học sinh bán trú, nên tỉ lệ học chuyên cần rất thấp chỉ đạt khoảng 50%. Vào mùa nương rẫy, học sinh nghỉ học đến quá nửa lớp".

Hàng tuần đi bộ 11 km từ đường ô tô vào đến điểm phân trường để lên lớp; buổi tối mình lại đốt đuốc đi thêm hàng chục km nữa đến từng nhà dân ở trên lưng núi để vận động phụ huynh học sinh cho con nghỉ việc nhà, việc nương đến lớp. Việc này đặc biệt khó khăn vì vào thời điểm đó có trên 80% các hộ người H’Mông trong xã là hộ nghèo. Học sinh phải ở nhà trông em, lớn hơn nữa đã phải phụ giúp bố mẹ lên nương.

“Khó khăn như thế, nhiều lúc cũng nản lòng, tuy nhiên nhìn cảnh học sinh cùng bố mẹ lam lũ kiếm sống, cộng với tình cảm họ dành cho mình quá lớn nên mình không lỡ bỏ điểm trường, chỉ có học vấn mới mong gia đình các em sau này thoát khỏi nghèo đói”; “không chỉ riêng có mình đâu, giáo viên ở các điểm trường khác ở đây cũng rất vất vả vận động học sinh đến trường” cô Nhung chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Hiền, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông DTBT Tiểu học- THCS Trạm Tấu nhận định: bằng nghị lực phi thường của mình, những năm qua giáo viên Nguyễn Thị Thúy Nhung đã làm tốt nhiệm vụ của một giáo viên cắm bản. Và cùng với đồng nghiệp khác, chị Nhung đã dần ổn định được sĩ số học sinh toàn trường; từ chỗ trước đây tỉ lệ học sinh bỏ học luôn ở mức trên dưới 7% thì nay không còn em nào bỏ học.

Nhiều năm trở lại đây, do ổn định được sĩ số, trường Phổ thông DTBT Tiểu học- THCS Trạm Tấu có điều kiện nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và nền nếp sinh hoạt của học sinh bán trú. Hiện trường có 548 học sinh Tiểu học và THCS học ở trường chính và 5 phân trường.

Nỗ lực của đội ngũ nữ giáo viên đã góp phần không nhỏ ổn định sĩ số, nâng cao tỉ lệ chuyên cần cho giáo dục vùng khó. Ảnh, gdtd.vn
 Nỗ lực của đội ngũ nữ giáo viên đã góp phần không nhỏ ổn định sĩ số, nâng cao tỉ lệ chuyên cần cho giáo dục vùng khó. Ảnh, gdtd.vn

Trước đây, tỉ lệ chuyên cần toàn trường chỉ đạt qua các năm từ 50- 60% thì cho đến nay, tỉ lệ này đạt đến 98%. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên rõ rệt. Năm học vừa qua có 36 học sinh THCS học hết lớp 9 thì tất cả các em đều tiếp tục đi học THPT và học nghề.

Đánh giá về cô Nhung, Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Hiền khẳng định: giáo viên Nguyễn Thị Thúy Nhung là tấm gương để nhiều giáo viên khác trong nhà trường học tập, noi theo. Là một tổ trưởng chuyên môn, hàng năm cô giáo Nhung đều hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ lập kế hoạch, tham mưu với BGH nhà trường kế hoạch năm học cũng như các hoạt động giáo dục khác. Là giáo viên chủ nhiệm, nhiều năm liền cô đưa thành tích học tập của lớp mình lên cao. Cô Nhung cũng là một giáo viên có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng hiệu quả trong giảng dạy tại nhà trường.

Bên cạnh đó, giáo viên Nguyễn Thị Thúy Nhung hoàn thành tốt vai trò làm vợ, làm mẹ của mình. Hiện nay, vợ chồng cô Nhung đang phụng dưỡng bố, mẹ già hay đau ốm và nuôi dạy hai con nhỏ. Tấm gương hiếu đễ của vợ chồng cô không những được đồng nghiệp ở trường mà cả hàng xóm trong tổ dân phố đánh giá cao.

Trạm Tấu hiện có gần 1.000 giáo viên, tỉ lệ nữ chiếm 70%. “Đội ngũ nữ nhà giáo ở đây góp phần không nhỏ vào nâng cao tỉ lệ chuyên cần, nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương này. Hiện tại, không ít nữ giáo viên đang giữ trọng trách quản lý giáo dục tại các trường học huyện Trạm Tấu. Không ít cán bộ quản lý nhà nước là người dân tộc trong huyện xuất thân từ ngành giáo dục và là thành quả của những đợt vận động học sinh ra lớp đầy khó khăn trước đây của cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nhung và các nữ đồng nghiệp”,  Phó chủ tịch Lê Thị Kim Hà khẳng định

Trong nhiều năm qua giáo viên Nguyễn Thị Thúy Nhung đã vinh dự nhận được nhiều danh hiệu thi đua của ngành giáo dục và tỉnh Yên Bái, Bộ GD-ĐT tặng kỉ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục.

Bà Lê Thị Kim Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cũng nhận định: Nguyễn Thị Thúy Nhung là cô giáo tiêu biểu trong đội ngũ nữ nhà giáo của huyện. Huyện vùng cao Trạm Tấu không thể thiếu được đội ngũ nữ giáo viên luôn đầy “tình thương và trách nhiệm” của các cô giáo như cô Nhung.

Bởi nếu như những năm trước đây chưa có chính sách nuôi dạy học sinh bán trú người dân tộc thiểu số, tỉ lệ bỏ học cao, công tác phổ cập giáo dục huyện nhà gặp khó khăn thì chính các cô đã vượt mọi khó khăn vất vả để vận động học sinh ra lớp, ổn định sĩ số. Cho đến nay, tại các trường của huyện, đội ngũ nữ nhà giáo đang đi đầu trong việc tự học tập và rèn luyện nâng chuẩn, đổi mới phương pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của huyện nhà.

Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ