Nỗ lực giảm nhiệt

GD&TĐ - Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã ký ban hành kế hoạch bình ổn thị trường sách giáo khoa năm 2022 - 2023 trên địa bàn.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Quy định trên nhằm bảo đảm cân đối, cung ứng đầy đủ sách giáo khoa, vở viết và dụng cụ học tập cho năm học mới.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu giảm 10% giá bán các mặt hàng sách giáo khoa so với giá bìa theo danh mục doanh nghiệp đã đăng ký; giảm 10 - 15% giá vở viết và dụng cụ học tập so với giá thị trường trên nguyên tắc doanh nghiệp không bị lỗ. Bình Dương có 2 doanh nghiệp tham gia bình ổn là Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị giáo dục Bình Dương và Công ty Cổ phần phát hành sách TPHCM (Fahasa). Tổng giá trị dự trữ hàng hóa bình ổn là 67 tỷ đồng. Sở GD&ĐT Bình Dương là đơn vị chủ trì phối hợp cùng các ban ngành và doanh nghiệp tổ chức khoảng 150 điểm bán sách, dụng cụ học tập bình ổn giá.

Trước đó, TPHCM cũng triển khai 5 chương trình bình ổn thị trường năm 2022 - 2023, trong đó có mặt hàng phục vụ mùa khai giảng. Ngay từ thời điểm triển khai đã có 11 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Tùy tiêu chí xét duyệt khác nhau, giá bán tại đây luôn đảm bảo thấp hơn thị trường từ 5 - 15%. Song song đó, các nhà sách đón đầu mùa mua sắm cho năm học mới còn chủ động thiết kế các gói sản phẩm cho phụ huynh dễ chọn như gói sách giáo khoa và sách tham khảo cơ bản, gói đồ dùng học tập 4 - 10 món, gói sách tham khảo nâng cao…

Giá sách giáo khoa tăng thời gian qua trở thành câu chuyện “nóng” trong dư luận và trên cả nghị trường Quốc hội. Xét ở góc độ chi phí sản xuất, việc nhà xuất bản tăng giá các bộ sách giáo khoa mới là điều có thể hiểu được. Trước đây, chi phí biên soạn, in ấn do Nhà nước cấp, nay thực hiện xã hội hóa, các nhà xuất bản bỏ tiền ra để biên soạn, in ấn, nên giá thành cao hơn. Số lượng bản in trên đầu sách lại thấp hơn trước đây, trong khi chất lượng in ấn lại cao, đã đội giá thành.

Tuy vậy sự băn khoăn, lo lắng của đông đảo phụ huynh, học sinh khi giá sách tăng cũng không thể xem là chuyện nhỏ. Bởi sách giáo khoa, đồ dùng học tập là mặt hàng thiết yếu, mọi gia đình có con em trong độ tuổi đi học đều phải mua sắm. Tăng giá sách hay các đồ dùng học tập, dù mỗi thứ chỉ là một chút, cũng sẽ  ảnh hưởng không nhỏ đến phụ huynh, học sinh có điều kiện kinh tế khó khăn. Đặc biệt vấn đề này càng nhạy cảm hơn khi người dân qua mấy năm đại dịch đối diện với nhiều gian nan trên đường mưu sinh, không ít gia đình kinh tế khánh kiệt.

Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu như sách giáo khoa, dụng cụ học tập nói riêng, các dịch vụ giáo dục nói chung trong năm học 2022 - 2023 là chủ trương lớn trong công tác điều hành giá của Chính phủ. Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với Bộ GD&ĐT thực hiện tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa và có văn bản đề nghị các đơn vị rà soát và triển khai biện pháp tiết kiệm chi phí (đặc biệt là chi phí quản lý, chi phí quảng bá sách, lợi nhuận...) nhằm tiếp tục kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, chia sẻ với người tiêu dùng. Trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến dư luận, sách giáo khoa cũng được đưa vào danh mục hàng hóa Nhà nước định giá, chờ Quốc hội thông qua…

Trong khi chờ điều chỉnh chính sách vĩ mô, rất cần những biện pháp nhanh chóng, thực tế trước mắt để sớm giảm nhẹ gánh nặng chi phí cho phụ huynh. Câu chuyện chính quyền và doanh nghiệp cùng đồng hành tìm cách tiết kiệm các khoản chi, cố gắng bình ổn giá sách, dụng cụ học tập như ở Bình Dương, TPHCM là những cách làm cần nhân rộng. Đây thực sự là luồng gió mát, góp phần giải nhiệt cơn nóng về giá, tháo gỡ khó khăn cho phụ huynh, học sinh khi vào mùa mua sắm cho năm học mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ