Quyết định thay đổi cuộc đời
Anh Lê Hữu Chúc, Giảng viên Khoa Công nghệ ô tô của một trường đại học ở Hà Nội chia sẻ, con đường sáng lập trung tâm đào tạo ô tô EAC (Electrical Automotive Center) gặp nhiều khó khăn.
Ban đầu, vốn đầu tư mua xe thật, máy móc, trang thiết bị, mặt bằng dạy học… khiến anh phải suy nghĩ rất nhiều vì con số đến cả tỷ đồng.
Tuy nhiên, may mắn anh đã tìm được những người cùng chí hướng trong đó có anh Lê Văn Trường, một người nhiều năm chuyên đi đào tạo các kỹ thuật viên cho các hãng ô tô đồng thời làm trưởng bộ môn cho một trường cao đẳng ở Hà Nội.
Khi đó, anh em đã quyết định đầu tư 500 triệu mua một chiếc xe ô tô đời mới để học viên thực hành trực tiếp trên xe và xây dựng giáo trình đào tạo chuẩn theo các đại lý ô tô chính hãng.
Kể lại thời điểm 2015 khi mới thành lập EAC, anh Chúc tâm sự: “Mình từng là sinh viên ngành ô tô tại một trường đại học có tiếng ở Hà Nội.
Khi còn trên ghế nhà trường mình đã có cơ hội trải nghiệm phụ việc cho một garage ô tô gần nhà ở Đông Anh như nhặt đồ, rửa xe, thay dầu, thay lọc, thay thế bảo dưỡng sửa chữa các chi tiết-hệ thống đơn giản…
Nhưng không phải ai cũng như mình. Do vậy, việc quyết định thành lập một trung tâm để giúp các bạn sinh viên, học viên được làm thực tế, học xong có thể đi làm kiếm tiền được luôn là rất cần thiết”, anh Chúc kể.
Khi về giảng dạy tại trường, anh Chúc càng nhận rõ khó khăn của sinh viên khi không được thực hành trên các dòng xe thật mà chủ yếu ở mô hình.
“Vấn đề tiếp cận công nghệ mới, tiếp cận với mô hình nhà xưởng được học với trang thiết bị thực tế gắn liền với các đại lý ô tô rất quan trọng. Chẳng hạn, vận hành đánh xe vào cầu nâng ô tô 2 trụ nhiều bạn còn chưa biết. Chưa nói đến chẩn đoán, kiểm tra, bảo dưỡng sửa chữa và những công việc khó hơn đòi hỏi kiến thức, kỹ năng tổng hợp”
‘Hái quả ngọt’
Thời điểm mở ra, EAC có sinh viên, có thợ sửa chữa bên ngoài, có kỹ thuật viên trong các hãng đến học khoảng 12 người/lớp. Đào tạo trực tiếp trên xe, chưa sửa chữa. Tới cuối 2019, do nhu cầu khách tăng cao, trung tâm mới sửa chữa nhưng “kim chỉ nam” hoạt động vẫn là đào tạo.
Anh Trường chia sẻ, trung tâm đã đào tạo được trên 100 khóa học, mỗi khóa trung bình 25-30 học viên. Và để đảm bảo chất lượng, mình trả lương rất cao cho chuyên gia, thợ giỏi lành nghề để hướng dẫn, dìu dắt các bạn học viên. Với mình, giỏi lý thuyết chỉ đóng vai trò nền tảng còn ứng dụng, xử lý tình huống, giải quyết các bài toán thực tế mới là quan trọng.
Học viên ở EAC vẫn phải học đầy đủ kiến thức nền, vượt qua bài kiểm tra định kỳ và cuối khóa. Sau đó, học viên sẽ được cấp chứng chỉ theo chuẩn của Sở Lao động, thương binh và xã hội TP Hà Nội.”
Trung tâm đào tạo EAC tuyển sinh liên tục các lớp điện ô tô cơ bản, điện ô tô nâng cao, điện ô tô toàn diện; đào tạo nghề ô tô toàn diện; Sửa chữa hộp số tự động.
Đặc biệt hơn, với sự nhanh nhạy và đáp ứng nhu cầu của thị trường lớp cố vấn dịch vụ chuyên nghiệp và kỹ năng bán (sale) ô tô đỉnh cao đã được mở ra và hứa hẹn sẽ nhận được nhiều học viên đăng ký.
EAC cũng có đầy đủ dòng xe hiện đại đời cao với gần 20 đầu xe của các hãng như Toyota, Ford, Mazda, Kia, Huyndai, GM… để học viên được trực tiếp “bắt tay vào việc”.
Với mạng lưới các hãng, các chủ các gara ô tô, các kĩ thuật viên sửa chữa…trên 3.000 người anh Trường, anh Chúc và EAC hoàn toàn tin tưởng với việc kết nối việc làm cho học viên tốt nghiệp.
“Những bạn học xong có thể được EAC giới thiệu tới các đại lý, garage để thực tập. Nhiều bạn vừa học vừa làm có tay nghề tốt có thể nhận mức lương hỗ trợ tới 3,5 triệu/tháng”, anh Trường nói.
Tham vọng vươn tầm thế giới
Anh Chúc cho biết trước đây, có một bạn sinh viên người Lào tên Sommay ST sau khi học một khóa điện ô tô tại EAC và về nước mở garage ô tô. Hiện nay bạn vẫn thường xuyên nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ phía trung tâm mỗi khi gặp khó khăn.
“Từ đó, mình nghĩ rằng trung tâm đào tạo EAC hoàn toàn có thể đào tạo cho cả học viên nước ngoài đặc biệt ở những nước đang phát triển. Nó khẳng định trình độ, kỹ năng tay nghề và trí tuệ của người Việt với các bạn bè trên thế giới.
Cuối cùng, học viên dù là học sinh, sinh viên hay kỹ thuật viên…. học xong là phải làm được việc. Kết quả là chân lý. Dù bạn có nói giỏi đến đâu mà kỹ năng, tay nghề, hiệu quả công việc không tốt thì cũng không thể thành công, phát triển nghề nghiệp được. Thực tế có rất nhiều trường hợp buộc chúng ta phải sáng tạo giải pháp không có trong sách vở.” anh Trường kết luận.
Theo Bộ Công Thương, tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô phụ thuộc vào 3 yếu tố quy mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người và số xe trung bình/1.000 dân.
Tại Việt Nam, xu thế ô tô hóa (motorization) sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD và số xe trung bình đạt 50 xe/1.000 dân.
Với giai đoạn dân số vàng, sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, là khách hàng tiêu dùng lớn tiềm năng của xe cá nhân, Việt Nam dự kiến nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ từ nay đến năm 2025.