Đào tạo nghề cho những đứa trẻ “chưa đủ lớn”

GD&TĐ - Nhiều trường trung cấp, cao đẳng nghề tại Nghệ An có tới 30 – 50% học sinh, sinh viên là dân tộc thiểu số. Phần lớn học sinh trung cấp nghề vừa rời trường THCS, chưa phát triển toàn diện tâm – sinh lý.

Em Lang Thị Hải – đại diện Nghệ An đạt học sinh “3 rèn luyện” cấp tỉnh và Trung ương.
Em Lang Thị Hải – đại diện Nghệ An đạt học sinh “3 rèn luyện” cấp tỉnh và Trung ương.

Với đặc thù này, bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, các trường nghề còn phải chăm lo đời sống cho các em. 

Vận động học sinh theo nghề sau phân luồng

Lang Thị Hải (SN 2004) đang học năm cuối tại Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An (đóng tại xã Bồng Khê, huyện Con Cuông).

Nói về lý do lựa chọn học nghề, Hải cho biết: “Khi đang học lớp 9, em từng định thi vào THPT vì lực học khá tốt. Bố nói nếu em muốn học lên cấp 3 thì bố mẹ sẽ nuôi đi học. Nhưng thấy hoàn cảnh gia đình vất vả, em quyết định học nghề để sớm đi làm”.

Nhà Hải ở xã Mậu Đức (huyện Con Cuông) cách trường chỉ hơn 20km, lại có chị gái đang học tại đây nên em xuống học cùng chị.

Nữ sinh dân tộc Thái theo học nghề may, luôn đạt điểm giỏi. Dù thời gian học nghề chưa lâu, nhưng Lang Thị Hải đã thi đạt tay nghề cấp trường và được lựa chọn thi cấp tỉnh. Em cũng là đại diện duy nhất của tỉnh Nghệ An đạt danh hiệu học sinh 3 rèn luyện cấp Trung ương năm 2020.

Trong khi đó, Vi Thị Uyên lại đến từ xã biên giới Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), cách trường gần 200km. Lựa chọn học nghề của Uyên xuất phát từ việc được giáo viên của trường trực tiếp đến nơi em sinh sống để tuyển sinh.

Theo ông Lê Văn Tuấn – Hiệu trưởng Trường Trung cấp DTNT Nghệ An, trường có nhiệm vụ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động 6 huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ, Thanh Chương.

Đối tượng tuyển sinh là học sinh phân luồng sau THCS. Khi học nghề, các em ở nội trú miễn phí và được hỗ trợ mỗi tháng bằng mức lương cơ bản theo Nghị định 53 của Chính phủ. Tuy nhiên, với học sinh dân tộc thiểu số, ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới hầu hết các em chưa biết chủ động tìm kiếm thông tin về trường nghề. Vì vậy, năm nào giáo viên của trường cũng phải đi tuyển sinh, mà thực chất là “vận động” các em sau phân luồng THCS đi học nghề.

Ông Tuấn cũng cho biết, vẫn có trường hợp học sinh sau khi nhập học thì bỏ về. Chủ yếu do tâm lý muốn đi làm ngay, không thích áp lực học tập... Nhà trường phải có sự quan tâm, hỗ trợ ngay từ đầu để ngăn học sinh bỏ học.

“Từ những việc rất nhỏ như ăn cơm, ở ký túc xá các em chỉ ở theo dân tộc của mình, không chung với dân tộc khác. Bên cạnh đó, bà con dân tộc rất trọng lời hứa. Nếu nói xuống trường học sẽ được hưởng trợ cấp của Nhà nước, thì khi các em vào trường, các chế độ, chính sách phải được thực hiện đầy đủ, nhanh chóng. Cam kết có việc làm sau khi học xong, thì phải giới thiệu các em đến công ty, xí nghiệp và có mức lương rõ ràng. Thông thường, sau khi ổn định sinh hoạt và học tập, các em lại cố gắng theo hết chương trình đào tạo”, ông Tuấn nói.

Với nỗ lực kéo học sinh theo nghề, những năm qua, tuyển sinh của nhà trường ổn định. Năm học này, trường tuyển đủ 460 chỉ tiêu, trong đó có 438 học sinh DTTS, chiếm 95,2%. Nhiều nhất là dân tộc Thái có 193 học sinh, Khơ mú 132 em, Mông 96 em, còn lại là các dân tộc khác. Toàn trường có 25 lớp với gần 800 em học trung cấp hàn, điện, may thời trang, thú y.

Dù vậy, ông Lê Văn Tuấn cũng cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo, về lâu dài cần có quy hoạch lại trường nghề trong toàn tỉnh. Hiện, Nghệ An có hơn 60 cơ sở, trường trung cấp, cao đẳng nghề. Nhiều trường mở mã ngành đào tạo giống nhau. Trong khi đó nguồn tuyển sinh chủ yếu là học sinh phân luồng sau THCS.

Điều này dẫn đến các trường gặp áp lực tuyển sinh, thay vì đầu tư cho chuyên môn, nâng cao năng lực đào tạo, thì nhiều giáo viên, giảng viên phải dành thời gian, công sức để đi tuyển sinh. 

Trang bị kỹ năng đặc thù

Xu hướng đến vùng cao, khó khăn để tuyển sinh cũng được nhiều trường trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An triển khai những năm gần đây. Không ít cơ sở đào tạo nghề chiếm từ 30 – 50% học sinh là người DTTS. Tuy nhiên, việc đào tạo cho đối tượng học sinh, sinh viên đặc thù này còn gặp một số vướng mắc, hạn chế.

Trường Cao đẳng nghề Việt – Đức cũng có tới 50% học sinh là người DTTS, đến từ các huyện miền núi Nghệ An và một số tỉnh lân cận. Vi Quốc Anh (quê xã Châu Thôn, huyện Quế Phong) đã học năm thứ 2 ngành công nghệ ô tô. Tuy nhiên, nam sinh vẫn rụt rè, lúng túng trong giao tiếp. Chỉ khi đứng trước mô hình máy móc, Quốc Anh mới mạnh dạn và tự tin hơn.

Ông Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt – Đức khẳng định, việc đào tạo nhân lực cho bối cảnh mới cần cả thể lực, kiến thức chuyên ngành và kỹ năng mềm. Chỉ khi được trang bị đầy đủ những yếu tố trên, thì khi học sinh, sinh viên tốt nghiệp, ra xã hội mới có thể bước vào làm việc việc ngay.

Về phía nhà trường việc giáo dục kỹ năng cho học sinh được định hướng cho học sinh ngay từ khi nhập học như đưa vào môn kỹ năng giao tiếp, tổ chức sự kiện, quản trị bản thân (cảm xúc, thời gian...). Mục đích giúp học sinh, sinh viên tự tin, biết quản lý bản thân, có khát khao học tập, cống hiến trước khi làm việc với doanh nghiệp.

Trường cũng mở phòng tập gym, dạy ngoại ngữ thứ 2 miễn phí cho học sinh, sinh viên... Tạo tiền đề cho các em nếu có nhu cầu XKLĐ. Tuy đã nỗ lực và có nhiều giải pháp cụ thể như vậy, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Việt – Đức cũng thừa nhận hiệu quả đạt được chưa như mong muốn. Học sinh vẫn còn thiếu và yếu kỹ năng, thiếu trách nhiệm lao động, thiếu tinh thần khát khao làm giàu, lập nghiệp.

“Điều này xuất phát từ đặc thù phần lớn học sinh trung cấp nghề vừa rời trường THCS. Các em chưa phát triển đầy đủ cả về thể lực, tâm lý, và “vô tư quá” trong định hướng cuộc sống. Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận thực tế không ít học sinh DTTS theo học nghề trước hết để tiếp tục nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Vì thế, các em vẫn còn thái độ ỷ lại, trông chờ trợ cấp, muốn chơi nhiều hơn là nghiêm túc rèn luyện, đào tạo”, ông Bùi Văn Dũng nói.

Để hỗ trợ và thay đổi tư duy cho học sinh, trường đã xây dựng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm có kinh nghiệm, nắm bắt rõ hoàn cảnh từng em.

Đối với học sinh DTTS, các em thường sinh hoạt theo nhóm dân tộc mình và luôn có 1 người đóng vai trò trưởng nhóm. Phòng công tác HSSV sẽ thông qua các trưởng nhóm này để tìm hiểu, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của học sinh.

Trường cũng đưa môn “Khởi sự kinh doanh” thành môn học của khối giáo dục nghề nghiệp. Môn học này hiện đang áp dụng đối với trường ĐH khối ngành kỹ thuật, còn học sinh trường nghề chỉ chủ yếu học nghề. Đồng thời phối hợp với doanh nghiệp tổ chức ngày hội tư vấn việc làm, vừa giới thiệu công việc vừa khơi dậy tinh thần vươn lên, khát vọng cống hiến của các em.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt – Đức cũng nêu lên trăn trở: Hiện nay, nhiều lao động chưa qua đào tạo vẫn được nhận vào làm ở các nhà máy, xí nghiệp. Điều này dẫn đến doanh nghiệp chưa thấy được giá trị của văn bằng, thậm chí tuyển lao động phổ thông để chi phí rẻ hơn.

Nên chăng, có chế tài doanh nghiệp phải sử dụng lao động có đào tạo, khi đó học sinh mới có cơ hội phát huy giá trị của mình. Điều đó sẽ tác động trở lại, khiến học sinh, sinh viên ý thức rèn luyện tay nghề, chuyên môn và trang bị kỹ năng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.