Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Có tiền mà khó tiêu

GD&TĐ - Tổng kinh phí bố trí cho đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 4.200 tỷ đồng được phân bổ theo các năm.

Đào tạo nghề cho LĐNT đã được chú trọng gắn với việc làm cho người lao động sau học nghề.
Đào tạo nghề cho LĐNT đã được chú trọng gắn với việc làm cho người lao động sau học nghề.

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân tại các địa phương gặp nhiều khó khăn. Vì thế, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT).

Bất cập tại địa phương

Ông Vương Đình Thắng – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Giang cho biết, đào tạo nghề cho LĐNT theo kế hoạch hàng năm, về số lượng cố gắng đạt chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, Hà Giang là tỉnh nghèo, tập trung đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu rất nhiều điều kiện cơ bản để phát triển.

Vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo còn nhiều bất cập. Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng tỉnh Hà Giang cũng chưa hoàn thành kế hoạch dạy nghề toàn giai đoạn.

Chương trình đào tạo nghề cho LĐNT khi giao quyền về địa phương thường quan tâm đầu tư đến hạ tầng, vì vậy các chỉ tiêu liên quan đến đào tạo nghề bị hạn chế, hàng năm Sở LĐ-TB&XH xây dựng kế hoạch trên cơ sở thông tin từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện đăng ký chỉ tiêu theo nhu cầu, năng lực đào tạo, dựa trên định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trình UBND tỉnh phê duyệt, nhưng khi phân bổ, nguồn lực cho đào tạo nghề thường không bảo đảm.

Giai đoạn 2016 – 2019, tỉnh Hà Giang đã đào tạo cho 42.280 người, mục tiêu đề ra là giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho 60.000 LĐNT, bình quân 12.000 người/năm. Chất lượng đào tạo nghề và tỷ lệ lao động có việc làm ổn định sau đào tạo đã được nâng lên đáng kể.

Tương tự như Hà Giang, đối với tỉnh Hòa Bình, theo báo cáo trong giai đoạn 2016 - 2019, tỉnh Hòa Bình đã đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho hơn 49.000 lượt người, hỗ trợ kinh phí đào tạo 696 lớp dạy nghề cho khoảng 18.500 LĐNT, tính đến hết năm 2019 mới đạt 50,1% mục tiêu đề ra. Kế hoạch năm 2020 sẽ đào tạo cho 6.700 lao động.

Theo ông Đới Văn Chinh - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình, kết quả đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần tích cực nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh…

Bên cạnh những kết quả, công tác giáo dục nghề nghiệp vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế về chất lượng đào tạo, chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỷ lệ học cao đẳng, trung cấp còn thấp, mới đạt 18%, một số nghề dạy chưa phát huy hiệu quả sau đào tạo.

Phân bổ ngân sách chỉ đạt 31%

Các địa phương vẫn đang gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí cho nội dung “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT” trong tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông mới.

Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Tổng kinh phí bố trí cho đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 4.200 tỷ đồng, phân bổ theo các năm, ít nhất là năm 2016 khoảng 500 tỷ đồng và nhiều nhất là năm 2020 khoảng 1.475 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 4 năm từ 2016 - 2019 các địa phương giải ngân rất chậm, chỉ bố trí được trên 1.500 tỷ, tương đương 48%, và 31% của cả giai đoạn 2016 - 2020.

Năm 2020 được phân bổ kinh phí nhiều nhất thì lại khó khăn nhất trong việc giải ngân. Nhiều địa phương chưa triển khai được, hoặc triển khai được rất ít lớp học nghề cho LĐNT. Thậm chí, có địa phương dù đã được phân bổ kinh phí từ đầu năm nhưng mới chỉ tổ chức được khoảng 3 - 4 lớp… Đây là khó khăn vướng mắc, đặc biệt trong năm 2020 là năm cuối của thực hiện đề án.

Ngoài những nguyên nhân khách quan, quy định về đào tạo phải gắn với việc làm, thì năm nay do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT bị gián đoạn, nhiều lớp học chưa thể khai giảng.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, giai đoạn 2016 - 2019 có 4,9 triệu LĐNT được học nghề, đạt 89% kế hoạch giai đoạn, có 2,85 triệu LĐNT được hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương.

Thống kê tại các địa phương cho thấy tỷ lệ LĐNT có việc làm sau đào tạo đạt trên 81%, chất lượng đào tạo được nâng lên, gắn liền với giải quyết việc làm sau đào tạo, đáng chú ý, có tới 70% LĐNT học nghề phi nông nghiệp và chỉ còn 30% học nghề nông nghiệp...

Kế hoạch năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH đặt chỉ tiêu 1,7 triệu LĐNT được học nghề sơ cấp dưới 3 tháng, hỗ trợ đào tạo cho khoảng 1 triệu LĐNT. Trong 9 tháng đầu năm 2020, cả nước đã tuyển sinh, đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho trên 1 triệu người, trong đó có gần 600 nghìn LĐNT. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ