Nhiều bất cập trong tuyển sinh và đào tạo nghề

GD&TĐ - Việc tuyển sinh và đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập. Mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo.

Buổi học của sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh. Ảnh: NVCC
Buổi học của sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh. Ảnh: NVCC

Chất lượng đầu ra của GDNN chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Nhiều ngành nghề khó khăn trong tuyển sinh

Để thu hút học sinh, một số cơ sở GDNN đã linh hoạt trong công tác đào tạo. Nhiều trường đã chủ động trong hoạt động liên kết với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được thực tập tại doanh nghiệp. Đây cũng là giải pháp thực hiện có hiệu quả đào tạo gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo. Một số trường tổ chức ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm và các quy định cơ bản khi người lao động ký kết hợp đồng, trực tiếp làm việc tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề tuyển sinh trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập.

NGƯT.TS Nguyễn Quốc Huy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh cho biết, công tác GDNN thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Nó đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhận thức của xã hội, người dân và doanh nghiệp về GDNN đã có những chuyển biến tích cực. Số lượng người tham gia vào GDNN ngày càng tăng, tuyển sinh đào tạo GDNN hàng năm ở nhiều trường đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, vấn đề tuyển sinh vẫn bộc lộ một số hạn chế như mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo. Một số nghề nặng nhọc, độc hại, ngành nghề năng khiếu gặp nhiều khó khăn khi tuyển sinh. Hơn nữa, tốc độ phát triển của khoa học, công nghệ thay đổi nhanh nên cơ cấu ngành nghề và chất lượng đầu ra của GDNN chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng thời, công tác phân luồng sau tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), trung học cơ sở (THCS) chưa được quan tâm triển khai đồng bộ ở một số địa phương. Công tác dự báo nhu cầu phát triển nguồn nhân lực ở cấp quốc gia cũng như nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức nên việc mở rộng quy mô đào tạo, phát triển ngành nghề mới của các cơ sở GDNN gặp nhiều khó khăn.

Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu người học phù hợp với ngành nghề xã hội, nhiều trường đã có những thay đổi, điều chỉnh trong công tác đào tạo.

NGƯT.TS Nguyễn Quốc Huy cho biết: “Đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh đã có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp. Trường đã tổ chức khảo sát người học và các bên liên quan về nhu cầu đào tạo hàng năm để có kế hoạch cho công tác tuyển sinh. Đồng thời, thiết kế chương trình đào tạo theo hướng mở, linh hoạt phù hợp với các đối tượng học tập khác nhau. Trường cũng cập nhật khoa học, kỹ thuật công nghệ mới trong chương trình đào tạo.

Tăng cường giảng dạy kỹ năng mềm, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho HSSV. Nhiều năm qua, trường đã xây dựng, duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp nhằm tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm cho HSSV.

Đây là những yếu tố quan trọng giúp trường luôn tuyển sinh đạt chỉ tiêu đề ra, nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định được uy tín đào tạo GDNN với doanh nghiệp và xã hội.

NGƯT.TS Nguyễn Quốc Huy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh. Ảnh: NVCC
NGƯT.TS Nguyễn Quốc Huy - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh. Ảnh: NVCC

Đẩy mạnh tuyển sinh thích nghi với tình hình mới

Nói về một số giải pháp trong thời gian tới về vấn đề tuyển sinh, NGƯT.TS Nguyễn Quốc Huy cho rằng: Trong giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn 2030, các cơ sở GDNN cần tiếp tục xác định việc phối hợp đào tạo với doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi trong công tác đào tạo. Đặc biệt, tình hình dịch Covid-19 cũng khiến việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.

Để thích ứng với tình hình mới, các cơ sở GDNN cần đẩy mạnh tuyển sinh trực tuyến, chiêu sinh các đối tượng mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trực tuyến qua website của nhà trường, qua mạng xã hội, báo, đài phát thanh - truyền hình; qua các trang Facebook, kết hợp với doanh nghiệp để làm tốt công tác này.

Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN cần thành lập tổ công tác tuyển sinh trực tiếp đến các địa phương, vùng miền, các cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh, kết hợp xây dựng cổng thông tin tuyển sinh.

Đồng thời, phối hợp với các trường THCS, THPT tổ chức hội nghị tư vấn hướng nghiệp học nghề, nhằm giúp cho các em nắm bắt kịp thời đầy đủ các thông tin về chủ trương, chính sách về GDNN để các em có cơ sở lựa chọn vào học GDNN….

TS Nguyễn Quốc Huy cũng cho biết thêm, hiện, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu và có sự cạnh tranh rất lớn giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Trường đang xây dựng cơ chế đặc thù để doanh nghiệp sẵn sàng phối hợp với nhà trường tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp và hỗ trợ chuyên gia để giảng dạy trong quá trình đào tạo.

Đặc biệt là xây dựng các dự án cụ thể hợp tác với từng doanh nghiệp, xây dựng dữ liệu kết nối với các doanh nghiệp để gắn đào tạo với sự phát triển thị trường lao động của địa phương, của ngành và nhu cầu xuất khẩu lao động.

Đồng thời, xây dựng và tổ chức đào tạo theo chương trình chất lượng cao các nghề trọng điểm quốc tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tổ chức đào tạo. Quan tâm phát triển hình thức vừa làm, vừa học của người lao động trong các doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.