Những ngôi nhà trên biển Tây

GD&TĐ - Trụ chân trên mặt nước rộng mênh mông, những ngôi nhà nhỏ bé ở vùng biển Tây của tổ quốc làm bằng gỗ cừ tràm với lá dừa nước chỉ rộng chừng vài mét vuông lại có thể tồn tại giữa trùng trùng sóng gió. Tuổi đời của những ngôi nhà ấy có khi lên đến vài chục năm, gắn bó mật thiết với thói quen đánh bắt và bám biển của hàng ngàn ngư dân nơi đây.

Một ngôi nhà trên biển Tây
Một ngôi nhà trên biển Tây

Yên bình trên sóng nước

Kéo dài từ Đất Mũi (tỉnh Cà Mau) cho tới thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), chiều dài bờ biển Tây khoảng ba trăm cây số nhưng đây lại là vùng biển vô cùng đặc biệt. Do địa hình nên khu vực này ít chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ và bờ biển cũng bằng phẳng hơn. Ở đây có hàng chục hòn đảo lớn nhỏ như Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du... để ngư dân cư ngụ và bám biển. Tuy nhiên, ngư dân nơi này có một thói quen lạ lùng, đó là dựng nhà ngay trên mặt biển.

Trên chuyến tàu cao tốc từ thành phố Rạch Giá đi ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang), tôi bắt gặp thấp thoáng hàng trăm căn nhà gỗ nhỏ bé chênh vênh giữa mênh mang biển trời. Xung quanh huyện đảo Phú Quốc cũng có rất nhiều những ngôi nhà như thế.

Chúng có đặc điểm chung là được dựng bằng cách đóng những cây tràm xuống đáy biển và lợp vách bằng lá dừa nước. Có ngôi nhà nằm cách đảo vài trăm mét nhưng cũng có những ngôi nhà nằm khá xa, có khi cách cả vài cây số.

Anh Nguyễn Văn Đồng, một người sinh ra và lớn lên ở xã Gành Dầu (huyện Phú Quốc), hiện đang công tác trong một đồn biên phòng ở phía Bắc đảo, giải thích:

“Khác với phần lớn chiều dài bờ biển nằm ở phía Đông, vùng biển phía Tây tổ quốc lại nằm trọn trong vùng vịnh Thái Lan với đặc trưng là độ sâu thấp, sóng gió rất êm. Thế nên, chỉ cần đóng cừ tràm cao chừng bốn năm mét là đã có thể dựng nhà trên đó rồi.

Hầu hết các căn nhà của ngư dân trên vùng biển này đều gắn bó với các nghề đánh bắt truyền thống ở đây. Như những ngôi nhà gần thành phố Rạch Giá chủ yếu làm nghề lưới đăng, câu đêm, còn những ngôi nhà trên biển Phú Quốc thì có nghề lưới kéo, nghề đáy và cả nghề đăng.

Ngoài ra, chủ nhân nhiều ngôi nhà này làm nghề khai thác, nuôi nghêu, trai trong thời gian gần đây. Những ngôi nhà này vừa là nơi cư ngụ, vừa là một phần của ngư cụ để đánh bắt, tùy theo từng nghề khác nhau”.

Cũng theo anh Đồng, việc dựng nhà ở vùng biển này khá dễ dàng và thuận lợi. “Cứ khi triều xuống thấp nhất thì người dân tập trung đóng cọc gỗ. Mỗi căn nhà cần khoảng 30 cọc gỗ như vậy rồi buộc kéo lại với nhau.

Nhà ở biển Tây khác rất nhiều so với những căn nhà trên các vùng cửa biển, cửa sông khác vì nó được dựng bằng cách đóng cọc xuống mặt nước chứ không phải bằng các thùng phi buộc kiểu bè nổi.

Hơn nữa, nhiều khu vực biển êm, nguồn lợi thủy sản nhiều, ngư dân dựng nhà san sát nhau và được liên kết bằng các cây cầu gỗ để di chuyển từ nhà này qua nhà kia. Ở phía Bắc đảo Phú Quốc như Hàm Ninh, Gành Dầu, Bãi Thơm... có nhiều cây cầu gỗ dài cả cây số trên biển như vậy”, anh Đồng kể tiếp.

Mong manh phận người

Dẫn vào nhà của vợ chồng anh Lợi làm nghề lưới đăng là cây cầu gỗ mỏng mảnh, nhìn xa xa như sợi dây vắt ngang biển từ mũi Hàm Rồng (xã Bãi Thơm, Phú Quốc). Anh Lợi xởi lởi: “Mấy bữa nay gió nhiều, biển động nên đánh bắt được nhiều hơn mọi ngày.

Ngoài cá mực, còn có cả ghẹ nữa. Bây giờ không còn mùa cá như trước nhưng nếu kiên trì bám biển, ngư dân vẫn sống khỏe trên vùng biển quê hương mình”. Kể về ngôi nhà này, anh Lợi tiếp:

“Tôi bắt đầu dựng nhà này cách đây 8 năm, khi hai vợ chồng mới cưới nhau. Nhà khá đơn giản, toàn là cừ tràm mua ở thị trấn Dương Đông chở ra rồi chọn vùng biển thích hợp để dựng. Ngoài việc cửa nhà quay về phía đất liền thì không có gì phải tính toán cả. Ở đây ít có gió to, sóng lớn nên từ đó đến nay chỉ phải thay lá lợp mà thôi”.

Về công việc hàng ngày, anh bảo mỗi ngày hai vợ chồng anh đợi triều lên cao (nước lớn) là giăng lưới sau đó đợi cho triều xuống thấp (nước ròng) thì gỡ lưới. Hầu hết các loại thủy sản có giá trị cao như tôm, ghẹ, ốc, mực... ở đây đều có người tới thu mua để bỏ mối cho các nhà hàng, khách sạn trên đảo.

Mong manh trước biển

Mong manh trước biển

Mặc dù công việc, cuộc sống của những ngư dân trên những ngôi nhà nhỏ bé này khá yên bình và êm ả nhưng cũng có lúc phải đối mặt với những bất trắc từ thiên nhiên. Trong đó, nguồn lợi hải sản tự nhiên đang bị cạn kiệt là nỗi ám ảnh thường trực nhất.

“Vài chục năm trước, dựng nhà ven biển chỉ cần khai thác cá cơm bỏ cho các nhà thùng trên đảo làm mắm là đủ sống. Ở quanh biển Phú Quốc hay vùng vịnh Thái Lan này, cá cơm nhiều vô kể vì có dòng hải lưu thu hút chúng. Thế nhưng khoảng mười năm trở lại đây, cá cơm dần ít đi, thậm chí là cạn kiệt. Ngay cả mùa đánh bắt chính cũng không nhiều. Vì hết cá cơm nên ngư dân phải chuyển qua các loài hải sản khác như tôm, ghẹ, mực, cá, ốc... để mưu sinh. Thế nhưng, số lượng cũng chẳng nhiều nhặn gì và không cạnh tranh được với hải sản nuôi lồng bè nên đời sống ngư dân rất khó khăn”, ông Sáu Phi, 59 tuổi, một ngư dân ở làng chài Rạch Tràm (xã Bãi Thơm) trần tình.

Cũng theo ông Sáu Phi, trước kia ngư dân Phú Quốc dựng nhà trên mặt nước ven biển khá nhiều, để thuận lợi trong việc khai thác thủy sản suốt đêm ngày nhưng hiện nay, chỉ còn số ít người gắn bó với biển là giữ được thói quen sinh sống này.

“Nếu không phải người già, người sống chết, gắn bó trọn đời với biển thì chẳng thể nào sống cô quạnh trên những ngôi nhà giữa biển khơi như vậy được. Cũng như nhiều người trẻ khác, cư dân trẻ ở Phú Quốc thích làm những công việc tiện ích, giao lưu và dễ kiếm tiền hơn là gắn bó với biển quê hương”, ông nhìn ra biển thở dài bảo.

Hình ảnh hàng trăm ngôi nhà tạo thành những ngôi làng giữa muôn trùng sóng nước ở thành phố Rạch Giá không chỉ biểu hiện quyết tâm bám biển mưu sinh của ngư dân mà nó còn như một bức tranh độc đáo, riêng biệt ở vùng biển phía Tây yên bình này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.