Về đất mũi Cà Mau

GD&TĐ - Tôi có cảm giác đến với đất mũi Cà Mau nơi “Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm (Nguyễn Tuân) là sự trở về với mảnh đất thân yêu nơi tận cùng đất nước. Về với bao tình cảm mình dành dụm ấp ủ bấy lâu nay và khao khát được một lần đặt chân đến.

Đường vành đai đất Mũi
Đường vành đai đất Mũi

Rừng biết đi, biển biết sinh sôi

Đất mũi Cà Mau là cực đáng chinh phục nhất của Việt Nam mà nhiều người nói rằng chỉ cần đến bốn điểm cực ấy là vẽ đủ một vòng đất nước trên đất liền, đó là: điểm cực Bắc ở Lũng Cú (Đồng Văn – Hà Giang), điểm cực Tây ở Apha Chải (Mường Nhé – Điện Biên), điểm cực Đông thuộc Vạn Thạnh (Vạn Ninh – Khánh Hòa) và cực Nam ở đất mũi Ngọc Hiển – Cà Mau.

Cà Mau trong tiếng Khơmer có nghĩa là nước đen với màu đặc trưng của lá tràm, lá đước của thảm rừng U Minh bạt ngàn rụng xuống.

Theo sử sách thì 300 năm trước, Cà Mau thuộc trấn Hà Tiên, đạo Long Xuyên, dưới sự cai quản của tổng binh, Cựu Ngọc Hầu Mặc Cửu dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1825).

Trước đó 2.000 năm, người Malayô Pôlinêxia, những chủ nhân thông minh tài ba của những hòn đảo ngoài khơi Đông Nam Á đã dùng thuyền tiến vào đồng bằng sông Cửu Long bây giờ làm nên nền văn hóa Óc Eo rực rỡ vào loại hàng đầu Đông Nam Á!

Nhưng rồi vào thế kỷ thứ 6, một trận biển tiến đã nhấn chìm tất cả. Sau đó hàng mấy trăm năm, những người Khmer Chân Lạp, người Việt từ Phú Xuân, Ngũ Quảng theo Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam, và người Hoa lánh nạn nhà Thanh… đầu tiên mới tới vỡ hoang, khai khẩn đất đai trồng cây, đánh cá. Đến năm 1708, đất này mới chính thức thuộc về Đại Việt.

Đặc biệt ở mũi đất này là: “Đất nở ra, rừng biết đi và biển sinh sôi”. Rừng biết đi bắt đầu từ câu nói của người dân địa phương: “Mắm đi trước, đước theo sau, tràm theo sát”. Đước thì rể mọc thành chùm như cọc nhọn lực điền cắm phập xuống đất mặn còn cây mắm thì rễ lại từ bùn chỉa tua tủa lên trời như những vạt chông.

Đầu tiên là bãi bồi bùn trống trơn. Sau đó cây mắm tung những quả mắm ra biển, sóng đánh vào bãi bồi. Thế là mắm mọc thành rừng rất nhanh để giữ phù sa giữ đất. Sau đó mắm chết, nhường chỗ cho cây đước vươn ra khẳng định chỗ đứng của mình làm cho đất nước định hình trước biển.

Cây đước đến sau cây mắm, tiếp nối cùng mắm sinh sôi từ sự dâng hiến tận mình của cây mắm để làm rường cột đóng vào bùn đất ngập nước giữ cho rừng cây vững vàng trước gió.

Dường như cái chất người Cà Mau cũng giống như cây đước quật cường mà hào hiệp và xanh thắm tình thương. Mắm và đước là hai loại cây có công lớn trong việc hình thành và phát triển đất Mũi.

Nhưng để làm nên đất Mũi mà mỗi năm lấn ra biển bồi đắp thêm hơn 100m phải nhờ một yếu tố địa lý kỳ lạ. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã kỳ công dành nhiều thời gian lục tìm trong các thư viện để tìm ra dòng hải lưu Nam Bắc nổi tiếng của vùng Nam Thái Bình Dương.

Trong bút ký “Rừng nước mặn”, ông viết: “Một nhà hải dương học người Pháp ông Chevey đã phát hiện ra dấu vết dòng hải lưu ấy. Chính dòng hải lưu Bắc Nam này đã đón hết phù sa sông Cửu Long chở về đến cực Nam và vì đụng phải đảo hòn Khoai nên nó tạt vòng lại, tập kết lên bãi bùn là nơi có thềm lục địa cao hơn những vùng chung quanh.

Dòng hải lưu Bắc Nam và dòng Cửu Long là hai cánh tay vĩ đại của tự nhiên đón bắt những hạt phù sa vạn dặm mà đắp bồi nên mũi Cà Mau. Đặc biệt đất mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên cả nước nhìn thấy mặt trời mọc trên biển Đông và lặn ở phía biển Tây vịnh Thái Lan trong ngày”…

Mênh mông giao thông sông nước

Tôi rất ngạc nhiên khi đến thành phố Cà Mau bắt gặp cây cột mốc “TP Cà Mau – 0km” ở ngay bên đường quốc lộ 1A cũ chạy suốt chiều dài đất nước, trong khi đó từ đây về đến đất Mũi còn có khoảng cách hơn 100km.

Còn ở chót đất mũi Cà Mau mới là nơi đặt cột mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 (Cây số không) được xây xong vào tháng 1/1995. Đây là cột mốc lớn được xây dựng rất đẹp có hình dạng ngôi sao sáu cánh ở giữa có một cái lỗ hình vuông là tâm của cột mốc.

Trước đây khách du lịch đi từ thành phố Cà Mau hay thị trấn Năm Căn (cách đất mũi 50km) bằng ca-nô cao tốc mới đến được đất Mũi. Ca-nô lướt ào ào trên con sông Cửa Lớn – một con kênh dài 58km rộng 600m.

Ở đây chằng chịt những luồng lạch và rạch nước. Bởi thế ca-nô chở khách du lịch về đất mũi Cà Mau không đi thẳng như hành trình tham quan trên biển mà chốc chốc bẻ lái rẽ vào lạch nước mới.

Không biển báo, không ký hiệu chỉ dẫn nhưng những chiếc ca-nô cứ nối tiếp nhau như đã có đường mòn từ trước. Sau khoảng một giờ lênh đênh bắt đầu từ chợ Năm Căn ca-nô cập bến đưa du khách đặt chân lên mũi Cà Mau.

Từ đầu năm 2016, du khách có thêm một con đường khác là đường bộ được thông xe, đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn – Đất Mũi nối thông tuyến đường bộ từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến mũi Cà Mau.

Thật là một ngẫu nhiên tuyệt vời có ý nghĩa biết bao khi con đường mang tên Bác bắt đầu từ điểm đầu đất nước ở hang Pắc Bó nơi Bác Hồ về tổ quốc năm 1941 để lãnh đạo nhân dân ta hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc. Và điểm cuối chính là đất mũi Cà Mau nơi tận cùng của dải đất Nam Bộ thân yêu mà Bác Hồ khao khát vào thăm.

Bây giờ ước nguyện của Người, con đường mang tên Người đã vươn xa đến đây như sự hiện diện của Bác Hồ kính yêu đối với đồng bào đất Mũi.

Tôi mới hiểu vì sao trong những năm tháng kháng chiến ác liệt nhất trong rừng đước Cà Mau nhân dân đã lập đền thờ Bác, người dân Cà Mau khao khát được gửi ra miền Bắc mấy cây đước đâm chồi mọc rễ trồng bên tháp rùa hồ Gươm…

Một góc xóm chợ trên sông nước đất mũi Cà Mau
Một góc xóm chợ trên sông nước đất mũi Cà Mau

Từ chợ đất Mũi ra cột mốc số không khoảng 5km. Ở đây có cột mốc Mũi Cà Mau mang biểu tượng hình con thuyền và cánh buồm lướt sóng được xây dựng từ ngày 01/01/1995.

Trên đài quan sát cao 15m tôi nhìn thấy rất rõ đảo hòn Khoai, bãi Khai Long phía Đông Nam mũi Cà Mau và khu du lịch sinh thái rộng 150ha. Ở đây có đường bê tông bao quanh và nhà hàng với những món đặc sản hiếm có.

Như món lẩu canh chua cá dứa – một loại cá thịt trắng rất thơm ngon, đặc sản của rừng mắm. Người dân ở đây kể cá dứa thích ăn trái mắm. Vào mùa thu, trái mắm rụng là mùa bà con đất Mũi đánh bắt được nhiều cá dứa nhất, bắt cá dứa bằng phóng lao.

Lại nhớ câu chuyện một bà má Nam bộ kể: Trong ruột trái mắm có cái lõi màu xanh ăn được nhưng rất chát. Những năm đánh giặc, quân dân Cà Mau đã hái hàng tạ trái mắm đạp vỏ lấy cái lõi bên trong luộc cho hết chát rồi ăn thay cơm bám trụ giết giặc.

Lúc trở về thành phố Cà Mau chúng tôi nhờ anh lái xe ôm mua vé theo một canô chở hàng buôn bán xuất phát từ chợ Đất Mũi. Một cảm giác thích thú như trò chơi cảm giác mạnh trên sông nước, tôi vừa được hít thở bầu không khí vô cùng trong lành, lại được ngắm quang cảnh hai bên bờ sông.

Màu xanh của đước, của những vạt dừa nước, nhà cửa nối tiếp cùng hàng quán hai bên “đường sông” không khác gì trên đất liền: cửa hàng điện thoại di động, shop thời trang, quán cắt tóc, quán phở, quán nhậu, vựa cá, vựa tôm (tôi rất thích chữ vựa ở đây có gì ăm ắp phóng khoáng không cần che chắn như tính cách của người Nam bộ).

Thỉnh thoảng ca-nô liệng qua ngã ba, ngã tư, cua trái, quẹo phải… với cách đánh tay lái khá điệu nghệ và bình thản của người lái. Lâu lâu ca-nô dừng lại để trao đổi hàng hóa nhanh chóng. Cách trao đổi cũng khá đặc biệt, đôi lúc họ như dùng “tiếng lóng” với nhau không cần mặc cả, đong đếm – một Cà Mau “thương trường nổi”.

Tôi bất giác nhìn ra xa mà lòng không chỉ thấy mênh mang trước mênh mông sông nước. Còn nghe náo nức, miên man như muôn con sóng nối nhau vỗ vào mình.

Chợt bài hát Về đất Mũi của nhạc sĩ Hoàng Hiệp bỗng ngân vang da diết níu kéo: “Anh đến quê em đất biển Cà Mau. Anh thấy xanh tươi đước rừng bát ngát. Miền quê hương em cá bạc, tôm vàng. Miền quê hương em đất cũng sinh sôi. Gần thêm yêu dấu quê chúng ta Cà Mau…”. Gần lắm Cà Mau ơi mặc dù khi viết bài này tôi đã xa ngàn dặm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...