Những bước chân không mỏi

GD&TĐ - Dáng người nhỏ như học sinh lớp 5, bàn chân thoăn thoắt cầm bút xóa đi những từ tiếng Anh viết sai, Thắm cất giọng trìu mến nhắc nhở lũ trẻ phát âm cho đúng. Mới gặp, chẳng ai nghĩ cô là sinh viên năm thứ ba Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa).

Lê Thị Thắm  dạy Tiếng Anh  cho các em nhỏ  tại nhà riêng.  Ảnh: T.G
Lê Thị Thắm dạy Tiếng Anh cho các em nhỏ tại nhà riêng. Ảnh: T.G

Nghị lực của cô bé “chim cánh cụt”

Chị Nguyễn Thị Tình (40 tuổi, thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn, Thanh Hoá) - mẹ Lê Thị Thắm, bùi ngùi, kể: Ngày 1/3/1998, khi sinh con ra, chị không hay biết đứa con gái bé bỏng của mình lại không có cả hai tay, vì bà nội lẫn bà ngoại và mọi người đều giấu. Nhưng linh cảm người mẹ mách bảo con gái phải có chuyện gì thì dân làng mới kéo nhau đến thăm và xem nó đông như vậy.

Nhân lúc bà ngoại ngủ, chị Tình lật từng lớp chăn quấn trên người con. Khi nhìn thấy đứa con chỉ có hai chân mà không có tay. Không tin vào mắt mình, chị thét lên một tiếng, rồi ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, tinh thần chị bắt đầu hoảng loạn. Có nhiều lúc, chị đã nghĩ dại trong đầu. Nhưng rồi được sự động viên, an ủi của mọi người, nhất là chồng chị, anh Lê Xuân Ân, luôn quan tâm đến hai mẹ con. Dần dà, chị cũng gượng dậy để nuôi con. Chị tâm sự: “Cảm ơn trời phật. Tuy cháu không có tay, nhưng lúc nhỏ, cháu không quấy bố mẹ, chịu ăn và chơi như những đứa trẻ khác”.

Cuộc sống cứ thế trôi đi, Thắm lớn lên trong sự đùm bọc, yêu thương của cha mẹ, ông bà và người thân gia đình. Mẹ Thắm, kể: “Vì gia đình khó khăn, bố cháu phải đi làm phụ hồ để kiếm tiền nuôi mấy mẹ con. Một hôm, tôi thấy chân của cháu có vẻ là lạ, nó ngoe nguẩy, lúc lắc và giơ giơ lên tai gãi, rồi vắt đi, vắt lại dẻo như cánh tay. Tôi không dám nói với ai, mà đợi chồng về mới kể. Lúc đầu, bố cháu cũng không tin, bèn hỏi Thắm: Đầu, mắt, mũi, tai trái, tai phải… của con ở đâu? Thấy con gái đều giơ chân lên chỉ tận nơi… anh ôm lấy hai mẹ con mà bảo: “Lạy trời, như vậy là con gái mình có thể lấy chân thay cho tay được em ạ…”.

Do chồng đi làm thuê ở xa vài ba tuần mới về, chị Tình đành gửi liều con đến lớp mẫu giáo trong thôn. Thắm cũng đến lớp nhưng không được đều đặn như các bạn khác. Nhưng sau mỗi buổi học về Thắm đều tập viết… bằng chân trái. Thấy con tập viết, chị Tình mượn bút chì và viết mẫu cho con. Vậy là hằng ngày,

Thắm cặm cụi tập viết chữ một mình trên giường…

Sáu tuổi, em đòi mẹ cho đi học. Biết nguyện vọng của con là chính đáng nhưng vợ chồng anh Ân, chị Tình bối rối vì không biết phải giải thích cho con hiểu thế nào. Nghĩ đến cảnh con mình không có tay mà đi học, lòng người mẹ lại rối như tơ vò bởi lành lặn như con người ta còn chưa học được, con gái mình không có cả hai tay thì sẽ như thế nào. Tuy nhiên, Thắm cứ nằng nặc đòi đi học bằng được. Chiều lòng con, chị Tình bàn với chồng cứ cho con đến trường xem sao. Khi đến trường, Thắm thấy các bạn tập viết chữ, em cũng tập viết bằng chân trái. Lúc về nhà, bố mẹ viết mẫu và cứ thế em ngồi trên giường chăm chỉ tập viết.

Chữ viết của Thắm đẹp hơn rất nhiều so với chữ của các bạn cùng học. Thắm tiếp thu nhanh và có trí nhớ rất tốt. Đặc biệt, Thắm có năng khiếu học môn Mỹ thuật. Những năm học tiểu học, THCS rồi lên THPT, Lê Thị Thắm đều đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Tuy không có tay, nhưng em chịu khó và chăm học, hòa đồng với các bạn. “Những năm học tiểu học, nhiều lần tưởng chừng Thắm không viết nổi nữa, vì các đầu ngón chân sưng tấy lên, con bé ngồi khóc. Nhưng rồi không hiểu vì sao, con bé lại cặm cụi tập viết và quyết tâm đi học bằng được” – chị Tình tâm sự.

Trải qua bao sóng gió, thăng trầm của cuộc đời cũng đến ngày Thắm tốt nghiệp THPT với thành tích 12 năm là học sinh giỏi. Năm 2016, trước khi vào Trường Đại học Hồng Đức, mẹ phải chở Thắm xuống gặp thầy hiệu trưởng để hỏi xem, với thể trạng bị tật nguyền như vậy, nhà trường có nhận sinh viên không. Khi PGS.TS Nguyễn Mạnh An – Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức nhìn thấy cô bé “chim cánh cụt” Lê Thị Thắm, đã không ngần ngại nhận em vào trường, nếu kết quả thi của em đủ điều kiện. Hai mẹ con vui đến chảy nước mắt vì cánh cửa tri thức rộng mở đón nữ sinh khuyết tật.

“Bác Nguyễn Mạnh An nhìn thấy hai mẹ con, đã hứa và động viên cháu nhiều lắm. Bác bảo, từ trước tới nay, Khoa Sư phạm Ngoại ngữ của trường không nhận học sinh tật nguyền như vậy, nhưng đối với Thắm, bác sẽ đứng ra làm tờ trình, đề nghị hội đồng nhà trường và các đơn vị liên quan chấp nhận Thắm thi vào Khoa Sư phạm Ngoại ngữ”- chị Tình nhớ lại.

Hành trình gian khó

Mẹ - người đồng hành của Thắm trong hành trình chinh phục ước mơ. Ảnh: T.G
Mẹ - người  đồng hành  của Thắm trong hành trình chinh phục ước mơ. Ảnh: T.G 

Ba năm theo học tại Trường Đại học Hồng Đức, Lê Thị Thắm luôn là sinh viên giỏi của trường và được nhận học bổng. Để tạo điều kiện và giúp đỡ Thắm yên tâm học tập, nhà trường đã cho hai mẹ con mượn một phòng ký túc miễn phí. Không chỉ vậy, Trường Đại học Hồng Đức còn nhận mẹ Thắm vào làm lao công, quét dọn sân trường với mức thù lao hàng tháng 2,5 triệu đồng. Thắm cũng được nhà trường miễn toàn bộ học phí và các khoản đóng góp. “Thật lòng, tôi không biết nói gì hơn ngoài sự ghi ơn đối với bác Nguyễn Mạnh An, các thầy, cô giáo. Ba năm qua, nếu không có sự giúp đỡ ấy, chắc rằng con gái tôi không thể theo học” – chị Tình bộc bạch.

Ngồi trò chuyện với Thắm, tôi mới biết cô bé này có một ý chí, nghị lực phi thường. Dù không có hai tay, cơ thể nhỏ thó (cao 1,4 mét, nặng 26 kg) nhưng không vì thế mà Thắm tự ti với người khác. Thắm tâm sự: “Trước đây, con rất thích học Công nghệ thông tin. Khi đang học phổ thông, ước mơ của con là trở thành kỹ sư tin học. Thế nhưng, khi chuẩn bị bước vào đại học, con lại chuyển hướng sang học ngoại ngữ. Biết điểm yếu của mình không lành lặn như người khác, lại đau ốm liên miên, nếu theo học Công nghệ thông tin, sau này ra trường khó xin việc. Mặc dù trước đó, có rất nhiều cô, bác động viên, khuyến khích và hứa sẽ nhận con vào làm công ty. Thế nhưng, mẹ không thể đi theo con suốt cuộc đời. Vì thế, con chọn nghề sư phạm, để sau khi ra trường, dù con không đi dạy ở trường nào, vẫn có thể tự mở lớp dạy ngoại ngữ cho các em nhỏ ở quê mình ”.

Chia tay cô bé “chim cánh cụt” Lê Thị Thắm, lòng tôi nặng trĩu. Giá như, mẹ của Thắm, đừng mắc bệnh hiểm nghèo trong thời điểm này, để có sức khỏe đồng hành cùng cô con gái. Tôi cũng thầm cầu mong cho nữ sinh tật nguyền Lê Thị Thắm luôn có nghị lực phi thường như từ trước đến nay, để em có thể đạt được ước mơ của mình. 
 

Không chỉ có trí nhớ khác thường,Thắm cũng có phương pháp sư phạm rất tốt, nên dù mới học hết năm thứ 3, cô nữ sinh này đã có thể nhận học sinh về dạy tại nhà. “Hai năm trước, Thắm nhận dạy miễn phí cho khá nhiều học sinh từ lớp 2 - 6, là con em của xã và một số xã bên. Vì cháu quyết tâm không nhận thù lao, nên bố mẹ học sinh đưa con đến học, ai cũng mua hộp sữa, mang quả trứng cho cháu. Sang năm nay, nhiều người đề nghị được trả thù lao cho Thắm, nên mỗi học sinh, Thắm chỉ nhận 10 - 15.000 đồng/buổi” - chị Tình cho biết.

Điều nan giải đối với Thắm hiện nay là sức khỏe ngày một giảm sút, nhiều bệnh mới phát sinh. Thắm vừa được mẹ đưa đi Hà Nội để chữa bệnh dạ dày và đại tràng. “Khổ thân con bé, mấy năm nay, cháu lại bị viêm đa khớp, phình đĩa đệm, thoái hóa đốt sống thắt lưng, viêm khớp háng, đau dạ dày và cả viêm nang buồng trứng.

Năm 2016, sau khi đậu vào Trường Đại học Hồng Đức, nhập học một thời gian, tôi phải đưa cháu đi phẫu thuật để tháo bớt xương đòn vai. Bởi, đến tuổi phát triển, nên xương đòn của cháu cứ ngày càng trồi ngược lên, phải phẫu thuật để tháo bỏ. Bác sĩ bảo, nếu còn phát triển nữa, thì vẫn phải tiếp tục phẫu thuật. Bây giờ, tháng nào Thắm cũng phải dùng một đơn thuốc với số tiền 6 triệu đồng. Ngoài ra, cứ 3 tháng một lần ra Hà Nội đi tiêm, mỗi lần hơn 3 triệu đồng tiền thuốc. Nếu không uống thuốc, thì bệnh tình ngày càng phát triển” - mẹ Thắm lo lắng.

Nghe tôi hỏi, với số tiền 6 triệu đồng mỗi tháng để mua thuốc cho Thắm, liệu gia đình có cáng đáng nổi không. Chị Tình bảo: Không bao giờ dám lấy đủ đơn thuốc, mà chỉ mua nửa thôi. Thù lao của chị mỗi tháng quét dọn lá cây ở sân trường, được 2,5 triệu đồng, mỗi tháng Thắm được hưởng phụ cấp 540.000 đồng và chị được 270.000 đồng chế độ chăm sóc người tàn tật đặc biệt. Còn lại bao nhiêu, trông chờ vào bố của Thắm đi làm phụ hồ.

Nhiều người đến thăm, động viên và hứa sẽ hỗ trợ một số dụng cụ như, máy chiếu, máy trợ giảng... để Thắm có điều kiện thuận lợi dạy học tại nhà. Thế nhưng, muốn có một cái phòng để làm lớp học, thì phải xây dựng lên. “Vợ chồng tôi đang bàn tính vay mượn, rồi xây một cái phòng cấp bốn khoảng chục mét vuông, đóng vài chiếc bàn ghế làm chỗ cho Thắm dạy học, nhưng chưa thể thực hiện vì khó khăn quá. Vừa rồi, tôi lại bị ung thư tuyến giáp, phải đi phẫu thuật, xạ trị… nên mọi dự tính cho con đành tạm dừng lại”, chị Tình bùi ngùi chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.