Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.

Robot chơi piano của nhóm sinh viên.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Trong ba tháng nghiên cứu, nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.

Robot chơi đàn như nghệ sĩ

Giáo dục 4.0 đánh giá chất lượng của sinh viên không chỉ kiến thức, kỹ năng, thái độ, mà còn là kinh nghiệm thực tế thông qua việc tham gia các dự án và hoạt động thực tiễn.

Nghiên cứu khoa học là công cụ quan trọng hỗ trợ định hướng cho công tác đổi mới giáo dục và tăng cơ hội ứng dụng kiến thức vào trong đời sống. Thời gian qua, đã có nhiều cá nhân/nhóm sinh viên ở nhiều trường đại học của Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất ra nhiều sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo mang tính thực tiễn cao là robot chơi đàn piano.

Đây là robot được chế tạo bởi nhóm sinh viên năm nhất của ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo, Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Piano là một nhạc cụ phức tạp, đòi hỏi người chơi nhiều kỹ năng và quá trình luyện tập lâu dài, nhưng với sản phẩm robot này, mọi thứ thật dễ dàng. Chỉ sau vài thao tác đơn giản của sinh viên trên máy tính, 10 ngón tay của robot bắt đầu lướt trên phím đàn, chơi thành thục rất nhiều bản nhạc.

Sinh viên Minh Thuận, thành viên nhóm cho biết, tại triển lãm thuộc khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm ngoái, robot diện bộ vest với tác phong như một nghệ sĩ thực thụ ngồi trước đàn, trở thành tâm điểm của buổi triển lãm. Người máy có màn chơi nhạc điêu luyện, trình diễn những bản nhạc phức tạp. Cùng với việc đánh đàn, robot còn tương tác với khách tham quan, nghiêng đầu, mỉm cười, vẫy tay...

Nhóm sinh viên mất nhiều thời gian để nghiên cứu, xây dựng và huấn luyện kỹ năng cho sản phẩm. Để có thể chơi đàn, robot kết hợp giữa cơ điện tử, truyền thông và lập trình để tạo ra một sản phẩm sáng tạo.

“Máy móc không chỉ là các linh kiện lắp ráp vào nhau, thực hiện các thao tác thô sơ, mà còn có thể trở thành nghệ sĩ đích thực. Robot đánh đàn là minh chứng rõ ràng cho sự sáng tạo, khả năng ứng dụng cao của công nghệ trong lĩnh vực nghệ thuật - giáo dục”, đại diện nhóm nhấn mạnh.

Anh Khoa, sinh viên năm thứ nhất, ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo của Trường Đại học Kinh tế TPHCM giải thích đây là một sản phẩm của trí tuệ nhân tạo. “Con AI này có thể điều khiển robot chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau, ứng dụng (app) càng hoàn chỉnh thì nó chơi càng mượt mà, không khác gì một nghệ sĩ. Nhóm sinh viên tụi em đang cố gắng hoàn thiện nó”, Khoa chia sẻ.

Mong mọi người yêu thích âm nhạc hơn

Sinh viên Minh Thuận chia sẻ, đối với những người muốn học piano, một robot chơi được nhạc cụ này có thể là một giải pháp hữu hiệu giúp mọi người tiếp cận và học hỏi một cách dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, việc tận dụng robot như là một biện pháp thư giãn hoặc là thương mại cũng là một trong những yếu tố có thể góp phần nên tính phổ biến của robot.

Robot có thể thực hiện nhiều bài chơi nhạc đa dạng, đáp ứng được nhiều nhu cầu trình diễn. Robot có thể thực hiện nhiều thao tác đánh phím đàn khác nhau với độ chính xác và tốc độ cao nhờ vào cơ cấu sử dụng ray trượt. Robot dễ dàng lắp ghép và có tính linh hoạt cao; dễ dàng di chuyển và sử dụng tại nhiều môi trường khác nhau.

Tuy nhiên, robot cũng có điểm yếu là cần đến không gian hoạt động rộng lớn để có thể bố trí vị trí tay, ảnh hưởng bởi tiếng ồn trong quá trình chạy các ngón tay trên ray trượt...

PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh, Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác, Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho biết, trong Viện, có hàng chục sản phẩm AI do sinh viên năm thứ nhất làm ra.

Công nghệ thay đổi từng ngày, từng giờ, đặc biệt là những công nghệ hiện đại như AI, robot, Blockchain, IoT… Trước đây, sinh viên phải học đến năm thứ ba, thứ tư mới tạo được máy tự động, nay thì sinh viên năm thứ nhất đã tạo được máy tự động dễ dàng. Điều này cho thấy sự phát triển như vũ bão của AI.

Sản phẩm robot chơi piano của nhóm sinh viên thể hiện rõ khả năng ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn một cách đầy sáng tạo. Tuy nhiên, robot của các bạn sinh viên chế tạo mới ở quy mô tự động hóa tương đối nhỏ, cần thời gian nghiên cứu sâu hơn vào các hệ thống robot lớn, phức tạp. Về lâu dài, các sản phẩm robot do các bạn sinh viên tạo ra, hoàn toàn có thể ứng dụng vào thực tế và có khả năng thương mại hóa.

Cũng với cách tiếp cận này, nhóm sinh viên hy vọng mọi người sẽ yêu thích âm nhạc hơn thông qua cách biểu diễn độc đáo và thú vị. Thời gian tới, nhóm sẽ cải tiến động cơ để robot có thể điều khiển tốt hơn, các ngón tay mềm mại hơn, tạo ra những tác phẩm âm nhạc hay, cuốn hút được người nghe.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.

Đón xem xsmb 30 ngày