Có hơn 150 loại đau đầu khác nhau. Một số loại phổ biến nhất bao gồm đau nửa đầu, đau đầu kiểu căng thẳng, đau đầu từng cơn, đau đầu xoang và đau đầu do hypnic. Các chuyên gia đã liệt kê 3 kiểu đau đầu thường gặp.
Chứng đau nửa đầu
Đau đầu kèm theo chứng đau nửa đầu thường đi cùng cơn đau nhói dữ dội ở một bên đầu. Một người bị đau nửa đầu có thể nhạy cảm hơn với ánh sáng, âm thanh và mùi. Triệu chứng buồn nôn và nôn cũng thường gặp ở những bệnh nhân này.
Khoảng 25% số người bị chứng đau nửa đầu trải qua cảm giác khó chịu trước hoặc trong khi đau đầu. Đây là những rối loạn thị giác và cảm giác thường kéo dài 5 - 60 phút. Khi đó, người bệnh có thể nhìn thấy những đường ngoằn ngoèo, ánh đèn nhấp nháy hoặc đốm sáng, mất thị lực một phần, tê liệt, ngứa ran, yếu cơ hoặc khó nói.
Cần lưu ý rằng, các triệu chứng báo trước cũng có thể là dấu hiệu của đột quỵ hoặc viêm màng não. Bất cứ ai gặp phải những triệu chứng này lần đầu tiên nên được đưa tới cơ sở chăm sóc y tế ngay lập tức.
Chứng đau nửa đầu có xu hướng tái phát. Mỗi đợt có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Đối với nhiều người, đau nửa đầu là tình trạng xuất hiện thường xuyên trong suốt cuộc đời. Các chuyên gia y tế hiện vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân chính xác của chứng đau nửa đầu.
Tuy nhiên, tình trạng này thường xuất hiện do di truyền trong gia đình và phổ biến hơn ở những người mắc một số bệnh lý từ trước, chẳng hạn như trầm cảm và động kinh.
Ngoài ra, tác nhân gây đau nửa đầu có thể bao gồm: Sự lo lắng, gián đoạn giấc ngủ, thay đổi nội tiết tố, bỏ bữa, mất nước, một số thực phẩm và thuốc, đèn sáng và tiếng ồn lớn. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, tần suất xảy ra và liệu người bệnh có cảm thấy buồn nôn hay không.
Các lựa chọn điều trị bao gồm: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen, naproxen, aspirin, acetaminophen, triptans; thuốc chống nôn, chẳng hạn như metoclopramide, để kiểm soát buồn nôn và nôn. Người bệnh cũng có thể được điều trị bằng các kỹ thuật kích thích thần kinh, như kích thích từ trường xuyên sọ (TMS).
Một người cũng có thể giảm bớt cơn đau nửa đầu bằng cách nghỉ ngơi ở một nơi yên tĩnh, đặt một túi nước đá hoặc một miếng vải lạnh lên trán, uống đủ nước.
Những người bị chứng đau nửa đầu mãn tính nên trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe về cách điều trị phòng ngừa. Một người có thể được chẩn đoán mắc chứng đau nửa đầu mãn tính nếu một bị cơn đau nửa đầu kéo dài hơn 15 ngày mỗi tháng hoặc các triệu chứng xảy ra ít nhất 8 ngày/tháng trong liên tục 3 tháng.
Để phòng ngừa chứng đau nửa đầu, người bệnh có thể dùng topiramate (Topamax), propranolol, amitriptylin. Ngoài ra, các lựa chọn khác cần xem xét là thay đổi chế độ ăn uống, kiểm soát căng thẳng và châm cứu.
Đau đầu từng cơn là những đợt đau đầu dữ dội và thường xuyên tái phát. |
Đau đầu do căng thẳng
Đau đầu do căng thẳng ảnh hưởng đến hầu hết mọi người vào một thời điểm nào đó và là loại đau đầu nguyên phát phổ biến nhất. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khoảng 78% người lớn sẽ bị đau đầu do căng thẳng vào một thời điểm nào đó.
Chúng biểu hiện như một cơn đau âm ỉ, liên tục ở cả hai bên đầu. Các triệu chứng khác có thể bao gồm: Đau ở mặt, đầu, cổ và vai; cảm giác áp lực đằng sau mắt; nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh. Những cơn đau đầu này có thể kéo dài từ 30 phút đến vài ngày.
Nguyên nhân chính xác của chứng đau đầu do căng thẳng vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, căng thẳng, lo lắng và trầm cảm là những nguyên nhân phổ biến. Các tác nhân tiềm năng khác có thể là do mất nước, tiếng ồn lớn, ít vận động, giấc ngủ không đủ chất lượng, bỏ bữa, mỏi mắt…
Để điều trị tình trạng đau nửa đầu do căng thẳng, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) như ibuprofen, acetaminophen và aspirin. Phương pháp này thường rất hiệu quả trong việc ngăn chặn hoặc giảm đau. Những người bị đau đầu hơn 15 ngày/tháng nên tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe vì điều này có thể là dấu hiệu của chứng đau đầu mãn tính.
Ngoài ra, việc thay đổi lối sống và một số phương pháp điều trị có thể giúp ngăn ngừa chứng đau đầu do căng thẳng. Các biện pháp đó có thể bao gồm: Ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên và kéo dài, cải thiện tư thế ngồi và đứng, kiểm tra mắt, quản lý căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm, châm cứu.
Đau đầu từng cơn
Đau đầu từng cơn là những đợt đau dữ dội và thường xuyên tái phát. Tình trạng này có khả năng ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn 6 lần so với nữ giới. Những người bị đau đầu từng cơn mô tả cảm giác đau rát hoặc đau nhức dữ dội phía sau hoặc xung quanh một mắt. Các triệu chứng khác có thể bao gồm: Chảy nước mắt, mí mắt bị sưng, bị tắc hoặc chảy nước mũi, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh, bồn chồn hoặc kích động.
Đau đầu từng cơn thường xuất hiện đột ngột, không có triệu chứng báo trước và kéo dài từ 15 phút đến 3 giờ. Mọi người có thể trải qua tới 8 lần đau đầu từng cơn mỗi ngày.
Những cơn đau như vậy có xu hướng xảy ra theo đợt hằng ngày và có thể tồn tại trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Tình trạng đau đầu cũng có xu hướng xảy ra vào những thời điểm cố định, thường là vài giờ sau khi một người chìm vào giấc ngủ vào ban đêm.
Bất kỳ ai gặp phải những triệu chứng này cũng nên tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Nguyên nhân gây đau đầu từng cơn vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, tình trạng này có nhiều khả năng xảy ra chủ yếu ở những người hút thuốc. Các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh nên tránh uống rượu trong thời gian bị đau đầu từng cơn.
Việc điều trị nhằm giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất của các đợt đau đầu. Tuỳ từng trường hợp, người bệnh sẽ được can thiệp liệu pháp oxy, hoặc sumatriptan, verapamil, steroid, melatonin, liti.
Ngoài ra, phương pháp kích thích não sâu và kích thích dây thần kinh phế vị cũng cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc điều trị tình trạng đau đầu từng cơn không đáp ứng với thuốc.
Mặc dù nhức đầu đôi khi có thể gây đau đớn và suy nhược, nhưng một người có thể điều trị hầu hết các cơn đau này bằng những loại thuốc giảm đau đơn giản. Tuy nhiên, các cơn đau lặp đi lặp lại hoặc một số loại đau đầu nhất định có thể là dấu hiệu về nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn.