Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Điều này gây ra khủng hoảng nhập cư và giảm chất lượng giáo dục, khiến các quốc gia phải hành động cứng rắn.

“Vỡ mộng” du học

Muhammad Ihsan, quốc tịch Pakistan, tin rằng thị thực (visa) du học Australia là tấm vé đến với nền giáo dục đẳng cấp thế giới, sau đó là một công việc có thu nhập ổn định với 6 con số.

Đây cũng là lời quảng cáo của một đại lý giáo dục, tổ chức trung gian giữa sinh viên quốc tế và các cơ sở giáo dục Australia. Nghe theo lời giới thiệu hấp dẫn, Muhammd đã trả trước hơn 100 nghìn USD cho đại lý trên để “đặt chỗ” tại một trường đại học Australia. Nhưng năm 2013, khi đến quốc gia này, chàng trai “vỡ mộng”.

Tôi thậm chí không thể nghĩ nó là một khóa học vì nó chẳng có tác dụng. Các giảng viên dạy chương trình thạc sĩ nhưng tôi không thể nghe ra ngôn ngữ của họ. Tất cả chỉ là giả”, Muhammad Ihsan nói và cho hay không thể liên lạc với đại lý du học sau khi đến Australia.

Muhammad đăng ký chương trình thạc sĩ ngành Công nghệ sinh học và Tin sinh học tại một trường đại học ở thành phố Melbourne, Australia. Trong khoảng 90 sinh viên nhập học năm đó, chỉ có hai người quốc tịch Australia. Đa số là sinh viên Ấn Độ. Lớp học vắng vẻ, thưa thớt. Giáo viên gần như không thể nói tiếng Anh. Muhammad tin rằng bạn cùng lớp được nhận vào học mà không cần chứng chỉ hay bằng cấp.

Hơn một thập kỷ sau khi đến Australia, Muhammad hiện lái xe công nghệ và làm thêm ngắn hạn tại thành phố Launceston, bang Tasmania. Anh hy vọng sẽ được cấp thường trú nhân.

Muhammad nằm trong số lượng đông đảo sinh viên quốc tế bị cuốn vào trò lừa đảo của các đại lý du học Australia. Bên cạnh những trung tâm du học chất lượng, có rất nhiều đại lý làm việc thiếu uy tín.

Họ được các cơ sở giáo dục tư nhân hoặc cơ sở giáo dục kém chất lượng trả những khoản tiền kếch xù để lôi kéo sinh viên quốc tế vào các chương trình học không đạt tiêu chuẩn.

Lừa đảo nhắm vào sinh viên quốc tế là vấn nạn của hệ thống giáo dục nói riêng và Australia nói chung. Trong một cuộc điều tra của quốc hội về lĩnh vực sinh viên quốc tế năm 2023, ông Phil Honeywood - Giám đốc điều hành Hiệp hội Giáo dục Quốc tế Australia, nhận định hệ thống giáo dục nước này đã trở thành “kế hoạch Ponzi”, nghĩa là gian lận đầu tư.

Theo đó, các đại lý giáo dục trong và ngoài nước được các tổ chức giáo dục tư nhân trả tới 50% hoa hồng để lôi kéo sinh viên Nam Á vào các khóa học kém chất lượng, không phù hợp với tài chính hoặc năng lực của họ. Trong khi đó các cơ sở giáo dục công lập trả cho các đại lý khoảng 15% hoa hồng để thu hút tuyển sinh.

Những đại lý sẽ quảng cáo về cơ sở giáo dục với nội dung như chương trình học đạt chuẩn, cơ sở vật chất hiện đại, đặc biệt là đảm bảo việc làm toàn thời gian và con đường dẫn đến thường trú nhân. Họ cũng đưa ra những ưu đãi hấp dẫn như tặng máy tính xách tay, giảm giá khóa học và những lời hứa hão huyền về cơ hội sau tốt nghiệp để lừa phỉnh sinh viên quốc tế.

Sinh viên cần cẩn trọng khi đăng ký du học.

Sinh viên cần cẩn trọng khi đăng ký du học.

Biện pháp mạnh mẽ

Hồi năm 2012, Chính phủ Australia đã cố gắng giải quyết các đại lý du học bằng cách yêu cầu họ đăng ký thông tin hợp tác với các cơ sở giáo dục. Điều này nhằm tăng tính hợp pháp hóa và kiểm soát số lượng đại lý, hoạt động hợp tác với trường học. Tuy nhiên, họ vẫn có cách để thoát khỏi vòng kiểm soát trên.

Trên thực tế, hình thức lừa đảo du học chưa dừng lại ở đây. Các đại lý có thể mang danh nghĩa tư vấn du học để lừa thanh thiếu niên đến học tại Australia nhưng thực chất là lao động tay chân. Hoặc họ giả danh tư vấn du học để đưa lao động nhập cư trái phép vào Australia, gây khủng hoảng nhập cư.

Nhiều đại lý bán các dịch vụ hỗ trợ người di cư có thị thực du lịch chuyển sang thị thực sinh viên khi đến Australia. Lý do nhiều người lợi dụng thị thực sinh viên là vì theo luật pháp sở tại, sinh viên quốc tế có thể được cấp thị thực việc làm sau khi tốt nghiệp. Lợi dụng thị thực này, người nhập cư trái phép có hy vọng lấy được quyền thường trú nhân.

Vì tình trạng lừa đảo diễn ra tràn lan, từ tháng 3/2024, Australia có động thái siết thị thực du học. Nước này sẽ yêu cầu cao hơn về trình độ tiếng Anh đối với những người nộp đơn xin thị thực học tập đại học và sau đại học.

Trước kia, nếu muốn đến Australia học ngôn ngữ, ứng viên chỉ cần làm bài kiểm tra. Nhưng kể từ sau thông báo này, ứng viên phải có chứng chỉ IELTS 5.0. Bên cạnh đó, du học sinh sẽ phải làm bài kiểm tra mới có tên The Genuine Student Test (Bài kiểm tra xác thực sinh viên – GST), thay thế cho bản tường trình xin nhập cảnh tạm thời (GTE). Bài kiểm tra này nhằm phân loại những ứng viên đến Australia để học tập và những người “mượn cớ” du học để ở lại làm việc.

Với trường hợp thứ 2, Chính phủ Australia sẽ mạnh tay từ chối phê duyệt thị thực. Bộ Nội vụ cũng cảnh báo rằng các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sẽ bị dừng tuyển sinh quốc tế nếu vi phạm. Ngoài ra, chính phủ sẽ tăng cường điều kiện phê duyệt thị thực với những sinh viên muốn kéo dài thời gian lưu trú.

Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, việc siết thị thực có thể làm giảm số lượng sinh viên quốc tế đến Australia nhưng không làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giáo dục. Vì những chính sách trên chỉ nhắm vào những trường hợp gian lận thị thực du học nên với những trường đại học tốp đầu, việc tuyển sinh quốc tế gần như không bị ảnh hưởng.

Chỉ những trường tư thục như đại học, cao đẳng, dạy nghề là bị ảnh hưởng nhiều nhất khi số lượng sinh viên quốc tế giảm. Dù vậy, chiến lược này gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng Australia sẽ hành động cứng rắn để ngăn chặn tình trạng bóc lột sinh viên và bảo vệ danh tiếng là hệ thống giáo dục quốc tế chất lượng cao.

Lừa đảo du học làm giảm chất lượng giáo dục quốc tế.

Lừa đảo du học làm giảm chất lượng giáo dục quốc tế.

Vấn nạn chung

Lợi dụng các khóa học để lừa đảo bóc lột sức lao động của sinh viên cũng là tình trạng nổi cộm gần đây tại Indonesia. Hồi cuối năm 2023, cảnh sát Indonesia phát hiện gần 2 nghìn sinh viên nước này bị lừa đóng tiền cho chương trình thực tập 3 tháng tại Đức do công ty tuyển dụng hai bên tổ chức.

Họ quảng cáo chương trình thực tập, có tên gọi là Ferienjobs (công việc thời vụ), nằm trong chương trình MBKM (hỗ trợ sinh viên Indonesia có nhu cầu học tập trao đổi tại nước ngoài) của Bộ Giáo dục Indonesia nhằm tăng cường kết nối các chương trình đại học và nhu cầu doanh nghiệp nước ngoài. Nó bao gồm những công việc nhẹ nhàng, dễ làm mà lương cao.

Bộ Giáo dục Indonesia khẳng định Ferienjobs không thuộc MBKM. Ngược lại, sinh viên Indonesia tham gia chương trình này tại Đức phải làm những công việc tay chân nặng nhọc, không liên quan đến ngành học và được trả lương bèo bọt.

Sinh viên thậm chí còn mắc nợ công ty trung gian vì bị tính vé máy bay và chỗ ở đắt đỏ tại Đức. Nhiều sinh viên mắc bẫy thuộc gia đình khó khăn, nghe lời quảng cáo công việc mang lại thu nhập ổn định nên đã vay mượn khắp nơi để đăng ký. Họ không dám báo với người thân mà phải cắn răng làm những công việc bị bóc lột sức lao động để bù tiền.

Câu chuyện tương tự đang xảy ra tại nhiều quốc gia nổi tiếng về du học như Canada, Vương quốc Anh, Mỹ... Các tổ chức lừa đảo thường nhắm đến những người thuộc tầng lớp lao động trẻ, có học thức, mong muốn tìm kiếm cơ hội học tập quốc tế tại châu Á, châu Phi.

Với con đường học tập và nhập cư vạch ra trước mặt, các đại lý có thể dễ dàng thuyết phục nhóm sinh viên này đăng ký và nộp tiền. Đến khi họ nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề thì đã không còn đường quay lại, buộc phải làm những công việc tay chân, bị ngược đãi.

Du học sinh thuê phải chỗ ở kém chất lượng.

Du học sinh thuê phải chỗ ở kém chất lượng.

Tìm hướng giải quyết

Bên cạnh đó, hình thức lừa đảo nhà cho thuê cũng trở nên phổ biến ở các quốc gia đối mặt với khủng hoảng nhà ở như Australia, Hà Lan... Sinh viên quốc tế thường tìm nhà cho thuê trước khi du học nên hầu hết mọi giao dịch đều qua hình thức trực tuyến.

Họ dễ dàng bị lôi kéo vào những quảng cáo nhà ở đẹp, giá rẻ, gần trường học... nhưng thực chất đó là những căn nhà kém chất lượng, chật ních người bị lừa đảo.

Nằm trong mục tiêu giải quyết khủng hoảng nhà ở, Hà Lan đang dần thay thế các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh bằng tiếng Hà Lan. Với chính sách trên, nước này không chỉ kiểm soát được tình trạng nhập cư, mà còn chọn lọc được những sinh viên tài năng, có mục tiêu làm việc lâu dài.

Nhìn chung, lừa đảo du học là vấn nạn của hầu hết các quốc gia du học phổ biến trên thế giới với muôn hình vạn trạng. Sau dịch Covid-19, các quốc gia mong muốn tăng số lượng sinh viên quốc tế đã nghiêm túc nhìn nhận và nhận ra các dịch vụ lừa đảo sẽ khiến mục tiêu này thiếu tính bền vững. Du học sinh có thể đến ồ ạt nhưng kéo theo đó là khủng hoảng nhập cư, nhập cư trái phép và chất lượng giáo dục không được đảm bảo.

Vì vậy, các giải pháp hiện nay của chính phủ các nước được nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế tán thành. Bên cạnh hành động của các nước, sinh viên quốc tế được khuyến nghị không nên tin vào những lời quảng cáo, mời chào của các đại lý du học. Thay vào đó, họ cần tìm hiểu kỹ thông tin về đại lý, trường theo học, ngành học, mục tiêu học tập và nghề nghiệp.

Với sự phát triển của ChatGPT khiến việc lừa đảo trở nên dễ dàng hơn, sinh viên quốc tế càng cần chú ý an toàn và bảo vệ bản thân, gia đình khỏi “cơn ác mộng” du học.

Những hành động mới đây của Chính phủ Australia đều nhằm kiểm soát số lượng người nhập cư và vấn đề nhà ở. Bộ trưởng Nội vụ Clare O’Neil cho biết: Quy định mới sẽ tiếp tục kéo mức nhập cư xuống, thể hiện cam kết của chính phủ trong việc khắc phục những tồn tại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ