Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.

Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Ít hơn 40% học sinh sẽ đạt điểm cao ở môn Toán và Tiếng Anh.

Năm 2023, 45% học sinh thi GCSE đạt 5 điểm môn Toán và Tiếng Anh, trên thang điểm 9, và được Bộ Giáo dục (DfE) xếp loại “tốt”. Nhưng nghiên cứu dự đoán tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm xuống dưới 40% vào năm 2030 khi trẻ em 5 tuổi vào thời điểm Covid-19 thi GCSE.

Theo nghiên cứu, việc đóng cửa trường học “sẽ gây tổn hại đáng kể đến kết quả học tập, triển vọng giáo dục của trẻ em bắt đầu đi học vào thời điểm Covid-19”. Nó đồng thời gia tăng khoảng cách giữa trẻ em đến từ gia đình giàu có và khó khăn. Trong tương lai, những tổn thất về học tập sẽ dẫn đến sự suy giảm thành tích GCSE nói chung trong ít nhất 2 thập kỷ và làm gia tăng khoảng cách kinh tế xã hội.

GCSE (General Certificates of Secondary Education) là chứng chỉ giáo dục THPT, bằng cấp học thuật đầu tiên trong hệ thống văn bằng của Anh. Trong 2 năm cuối của chương trình phổ thông, học sinh, từ 14 đến 16 tuổi, phải thi lấy chứng chỉ GCSE để tốt nghiệp.

Nghiên cứu do các học giả tại Đại học Exeter, Đại học Strathclyde và Trường Kinh tế London thực hiện là công trình đầu tiên đánh giá việc đóng cửa trường học thời Covid-19 gây cản trở các kỹ năng xã hội, cảm xúc, học tập của trẻ em như thế nào trong tương lai.

Ông Pepe Di’Iasio, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà lãnh đạo trường học và đại học, đánh giá nghiên cứu là “cảnh báo tàn khốc” về nguy cơ suy thoái giáo dục tại Anh.

“Chính phủ hiện không thể vượt qua thách thức trong và sau đại dịch vì khoản đầu tư vào phục hồi giáo dục không đạt hiệu quả như mong muốn. Do đó, chính phủ hiện tại và tương lai phải đầu tư vào trường học, giáo viên”, ông Pepe nói.

GS Lee Elliot Major, chuyên gia xã hội tại Đại học Exeter và đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Nếu không có những chính sách cân bằng, các thế hệ học sinh Anh sẽ cảm nhận được tác động tiêu cực từ việc đóng cửa trường học do Covid-19 trong thập kỷ tới”.

Các tác giả nghiên cứu khuyến nghị nhiều chính sách chi phí thấp nhằm giúp cải thiện kết quả học tập cho học sinh toàn quốc. Nó bao gồm tuyển sinh viên đại học làm gia sư cho học sinh yếu, kém hay rút ngắn thời gian nghỉ học, dàn đều các ngày nghỉ trong năm để cân bằng lại thời gian năm học.

Còn bà Esme Lillywhite, nhà nghiên cứu tại Đại học Strathclyde, nhận định, so với hầu hết các quốc gia, ứng phó với đại dịch của Anh tập trung nhiều vào việc bắt kịp chương trình học mà ít chú trọng đến các kỹ năng cảm xúc xã hội, ngoại khoá, phục lợi.

“Chính phủ có thể giải quyết bài toán trên bằng cách hợp tác quốc tế để tìm hiểu những phương pháp tiếp cận vấn đề mang lại hiệu quả cao ở các nơi khác”, bà Esme đề xuất.

Trước đó, từ năm 2020, Bộ Giáo dục Anh đã chi gần 5 tỷ bảng Anh cho các sáng kiến phục hồi giáo dục nhằm hỗ trợ hàng triệu học sinh bị tụt hậu. Bộ cũng hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn thông qua phí bảo hiểm dành cho học sinh. Nguồn phí này dự đoán đạt gần 2,9 tỷ bảng Anh vào năm 2024 - 2025.

Theo TG

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.