Nuôi tình yêu nghề bằng sáng kiến kinh nghiệm hay

GD&TĐ - Năm 2016, tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành Địa lý của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trần Thị Minh Trang được nhận về Trường THCS Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Được giao dạy môn Địa lý từ lớp 6 đến lớp 9, với tất cả tình yêu nghề, cô giáo đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm để dạy học tốt môn Địa lý. Chỉ sau 3 năm vào nghề, lớp cô dạy đã có 2 học sinh được giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh.  

Cô giáo Trần Thị Minh Trang trong giờ Địa lý cho học sinh lớp 9
Cô giáo Trần Thị Minh Trang trong giờ Địa lý cho học sinh lớp 9

Với tất cả tình yêu nghề

Khi được hỏi về tình yêu nghề và nỗ lực cống hiến, cô Trang nhỏ nhẹ: “Em không dám nghĩ gì to tát thế đâu ạ. Bản thân chỉ là luôn có ý thức, nghiêm túc thực hiện đúng quy chế chuyên môn của ngành, nội quy của cơ quan, có ý thức trách nhiệm cao trong công việc được giao.

Đối với nghề giáo, học hỏi người đi trước là điều rất cần thiết, em thường xuyên dự giờ đồng nghiệp. Đặc biệt trong các hội giảng, thao giảng, đây là thời điểm rất đáng quý vì các giáo viên sẽ trình bày những kinh nghiệm hay nhất mà họ thực hiện trên lớp hàng ngày nên em lắng nghe, ghi chép và học hỏi được nhiều điều”.

Từ kinh nghiệm đúc rút được ở đồng nghiệp và tinh thần đam mê học hỏi mở mang kiến thức mới, cô giáo Trần Thị Minh Trang đã mạnh dạn thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học sinh làm trung tâm và đã đạt kết quả cao.

Chỉ sau 3 năm vào nghề, cô giáo Trang tham gia cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên, được đánh giá cao ở cấp huyện và cấp tỉnh. Cô cũng đạt giải Nhì cấp quốc gia cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học. Cô cũng có thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa lý cấp huyện có 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 1 giải Khuyến khích và cấp tỉnh với 3 giải Nhì.

Nổi bật trong các sáng kiến kinh nghiệm của cô giáo Trần Thị Minh Trang được đồng nghiệp đánh giá cao có đề tài Dạy học theo chủ đề tích hợp “Ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường biển đối với đời sống con người nói chung và địa phương Hải Lý nói riêng”.

Đề tài này đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra Quyết định công nhận số 1860/QĐ - BGDĐT ngày 25/5/2017. Hiệu quả áp dụng sáng kiến là hình thành và phát triển được năng lực cho học sinh đặc biệt là năng lực tổng hợp, vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. Phạm vi và ảnh hưởng của sáng kiến không chỉ ở Trường THCS Hải Lý mà còn lan tỏa đến các trường THCS ven biển.

Sáng kiến kinh nghiệm

Một buổi ngoại khóa sân trường cùng các em học sinh
Một buổi ngoại khóa sân trường cùng các em học sinh

Cô Trang tâm sự: “Làm giáo viên ai cũng muốn dạy tốt, có học sinh giỏi. Thế hệ em may mắn hơn là được cập nhật nhiều kiến thức mới, đưa công nghệ thông tin áp dụng vào giờ học nên thuận lợi hơn rất nhiều. Mình đưa ra sáng kiến thực hiện nhưng phải tính đến khả năng vận dụng, đặc biệt là vận dụng kiến thức các môn học.

Sáng kiến của em hướng đến phù hợp cho các môn Ngữ văn, Giáo dục công dân, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Mĩ thuật, Công nghệ… giúp học sinh hiểu về môi trường, thực trạng ô nhiễm, nguyên nhân, hậu quả và biện pháp bảo vệ môi trường, tài nguyên biển quê hương. Cách thức tổ chức thực hiện là trải nghiệm thực tế theo các nhóm nên rất hấp dẫn học sinh”.

Nói về việc sử dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học theo chuyên đề, cô Trang cho rằng: Giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn, đánh giá, học sinh hoạt động theo nhóm, cùng các hoạt động trải nghiệm, các nhóm báo cáo kết quả nhiệm vụ được giao, đánh giá bổ sung, nhằm hoàn thiện hơn bản báo cáo của nhóm khác, đồng thời xây dựng nội dung của thảo luận.

Trong đó, chú trọng sự phát triển khả năng giải quyết vấn đề, khả năng giao tiếp, đồng thời vận dụng các quan điểm, phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực. Cùng với đó là, việc thực hiện kiểm tra đánh giá học sinh qua báo cáo của các nhóm và qua bài kiểm tra trước và sau khi thực hiện sáng kiến.

Xác định nghề dạy học là phải vừa lắng nghe những kinh nghiệm hay, nhưng cũng nên sẻ chia những gì mình có cho đồng nghiệp, cô giáo Trần Thị Minh Trang cũng đưa ra nhận định của mình để đồng nghiệp cùng trao đổi.

Cô cho rằng: Đối với học sinh, qua chuyên đề dạy học theo chủ đề tích hợp, học sinh cần phải đạt được đầy đủ các mục tiêu về kiến thức, kĩ năng, thái độ, đặc biệt là định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh thông qua 3 nội dung của việc hoàn thành bản báo cáo ở nhà, trình bày bản báo cáo các nhóm và hoạt động tương tác giữa các nhóm với nhau.

Khi thực hiện tốt các nội dung này các em sẽ hướng đến đạt được mục đích: Yêu gia đình, quê hương, đất nước; nhân ái, khoan dung mong muốn tham gia các hoạt động xã hội vì con người; Trung thực, tự trọng, có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng và môi trường tự nhiên.

Nhận xét về giáo viên của mình, thầy Nguyễn Hải Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng: “Khi chúng ta đang phấn đấu xây dựng trường học hạnh phúc thì vai trò của người giáo viên rất quan trọng.

Việc các thầy cô đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng dạy - học cũng đồng nghĩa với việc lôi cuốn, hấp dẫn học sinh trong học tập. Khi các em tìm thấy niềm vui trong học tập, hăng say học và có kết quả tốt, các em sẽ cảm nhận được hạnh phúc trong ngôi trường mến yêu của mình. Cô giáo Trần Thị Minh Trang đã làm tốt điều đó!”.

Sáng kiến “Sử dụng Sơ đồ tư duy trong dạy học Địa lý lớp 9” của cô giáo Trang được đánh giá cao về hiệu quả áp dụng sáng kiến, bắt buộc 100% học sinh đều phải tư duy. Chỉ trong một tờ giấy các em có thể trình bày nội dung của bài học, phát huy tốt vai trò người học làm trung tâm, đề cao tính tự giác, tích cực, độc lập, sáng tạo của người học. Kết quả, đối với giáo viên sản phẩm tạo ra dưới dạng hình ảnh có thể tái sử dụng qua nhiều năm làm tư liệu giảng dạy và học tập. Ngoài ra nếu có sự hỗ trợ của cơ sở vật chất từ nhà trường bằng máy chiếu thì việc sử dụng sơ đồ tư duy sẽ tiết kiệm được rất nhiều cả về thời gian, kinh tế. Còn đối với học sinh, sơ đồ tư duy giúp việc trình bày linh hoạt nhưng lại rất quy củ, kiến thức ăn sâu vào trí nhớ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.