Chuẩn quốc gia về chữ nổi Braille cho người khuyết tật quy định về hệ thống kí hiệu và quy tắc đọc, viết tiếng Việt bằng chữ nổi Braille cho người khuyết tật nhìn dùng để đọc, viết.
Cấu trúc của hệ thống kí hiệu chữ nổi Braille tiếng Việt gồm 6 phần:
Phần 1. Kí hiệu Braille chữ cái và các kí hiệu dùng trong trình bày văn bản, cụ thể:
Kí hiệu chữ cái và dấu thanh: bảng chữ cái tiếng Việt (29 kí hiệu tương đương với 29 chữ cái); bảng chữ cái tiếng Việt mở rộng (32 kí hiệu tương đương với 32 chữ cái) và dấu thanh (5 kí hiệu tương đương với 5 dấu thanh);
Những kí hiệu trình bày trong văn bản: 52 kí hiệu Braille và 10 quy tắc trình bày trong văn bản, gồm: quy tắc viết chữ, quy tắc đặt dấu thanh, quy tắc viết hoa, quy tắc viết các dấu câu, quy tắc viết các dấu ngoặc, quy tắc viết tắt, quy tắc viết tiếng nước ngoài, quy tắc trình bày văn bản, quy tắc trình bày thơ và quy tắc viết các dấu ghi chú.
Phần 2. Kí hiệu Braille Toán học, gồm:
Số học và đại số: 153 kí hiệu Braille và 13 quy tắc viết về: số tự nhiên; số thứ tự; số La Mã; dấu phép tính và dấu quan hệ phép tính; đơn vị đo đại lượng; dấu ngoặc; số thập phân, phần trăm; phân số và hỗn số; lũy thừa; căn thức; dùng chữ thay số; số âm; dấu báo mũi tên, tập hợp; đạo hàm, giới hạn, Logarit, tích phân; phương trình và hệ phương trình;
Hình học: 58 kí hiệu Braille và 16 quy tắc viết về: hình tam giác, đa giác và hình tròn; điểm, đường thẳng; các đường xung quanh, đường parabol, hyperbol, elip,…; hình không gian và các đơn vị đo trong hình học;
Lượng giác: 8 kí hiệu Braille và 1 quy tắc viết;
Kí hiệu chữ cái Hy Lạp: 24 kí hiệu Braille.
Phần 3. Kí hiệu Braille Vật lí, gồm:
Các hằng số và đơn vị: 35 kí hiệu Braille và 11 quy tắc viết về: hằng số vật lí và hệ đơn vị SI;
Cơ học: 42 kí hiệu Braille và 6 quy tắc viết về: động học; động lực học chất điểm; lực và hợp lực; áp suất, áp lực; công và công suất; dao động và sóng cơ học;
Nhiệt học: 13 kí hiệu Braille và 1 quy tắc viết;
Điện: 67 kí hiệu Braille và 1 quy tắc viết về: tĩnh điện; điện trường; nguồn điện và dòng điện; từ trường; dao động điện và dòng điện xoay chiều;
Quang hình học: 24 kí hiệu Braille;
Sóng ánh sáng và lượng tử ánh sáng: 12 kí hiệu Braille;
Vật lí hạt nhân: 17 kí hiệu Braille.
Phần 4. Kí hiệu Braille Hóa học, gồm 129 kí hiệu Braille và 17 quy tắc về: các kí hiệu chung, kí hiệu các nguyên tố hóa học và hóa hữu cơ.
Phần 5. Kí hiệu Braille Sinh học, gồm 31 kí hiệu Braille; quy tắc viết các kí hiệu Braille Sinh học được sử dụng như trong quy định kí hiệu Braille tiếng Việt và kí hiệu Braille Hóa học.
Phần 6. Kí hiệu Braille Âm nhạc, gồm: Nốt và giá trị nốt: 52 kí hiệu Braille và 3 quy tắc viết về: nốt, giá trị nốt và các dấu báo khác;
Dấu lặng: 4 kí hiệu Braille và 4 quy tắc viết;
Dấu hóa và loại nhịp điệu: 20 kí hiệu Braille và 7 quy tắc viết về: dấu hóa bất thường, dấu hóa mặc định và loại nhịp điệu;
Gạch nhịp và lặp lại: 10 kí hiệu Braille;
Nhóm tiết tấu: 5 kí hiệu Braille;
Hợp âm: 18 kí hiệu Braille và 1 quy tắc viết;
Dấu luyến và dấu nối: 24 kí hiệu Braille;
Kí hiệu óc-ta: 9 kí hiệu Braille và 4 quy tắc viết;
Kí hiệu khóa: 15 kí hiệu Braille và 1 quy tắc viết.
Dự thảo cũng đưa ra một số lưu ý khi sử dụng hệ thống kí hiệu và các quy tắc viết chứ nổi Braille Tiếng Việt.
Theo đó, trong mỗi bảng kí hiệu có các nội dung: số thứ tự, tên kí hiệu (thuật ngữ/ khái niệm), cách viết kí hiệu phổ thông và cách viết kí hiệu Braille, gồm: mô tả vị trí chấm nổi trên từng ô Braille và minh họa cách thể hiện chấm nổi trên ô Braille. Nếu kí hiệu/ thuật ngữ/ khái niệm được trình bày bằng nhiều ô Braille thì trong phần mô tả vị trí chấm nổi, mỗi ô Braille được ngăn cách bằng dấu phẩy, ô Braille trống được thay thế bằng dấu “-“.
Các kí hiệu và quy tắc viết được sử dụng chung trong khoa học tự nhiên (toán học, vật lí, hóa học, sinh học) được trình bày trong phần kí hiệu Braille Toán học.
Trong quy tắc viết có các quy tắc hướng dẫn cho từng trường hợp cụ thể và đặc biệt.