Sân khấu hóa tác phẩm văn học: Từ lý thuyết đến thực tiễn

GD&TĐ - Hoạt động “sân khấu hóa các tác phẩm văn học” sẽ đưa tác phẩm/ trích đoạn văn chương đến gần hơn học sinh...

Tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố được học sinh hóa thân vào các nhân vật. Ảnh: ITN
Tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố được học sinh hóa thân vào các nhân vật. Ảnh: ITN

Với phương châm tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy Ngữ văn gắn với nhu cầu của học sinh, hoạt động “sân khấu hóa các tác phẩm văn học” sẽ đưa tác phẩm/ trích đoạn văn chương đến gần hơn học sinh; tạo ra sân chơi bổ ích và làm cho giờ học Ngữ văn hấp dẫn, ý nghĩa hơn.

Sân khấu hóa tác phẩm văn học

Hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học là chuyên đề học tập thứ 2 trong 3 chuyên đề Ngữ văn 10 của cả 3 bộ sách giáo khoa với khoảng 15 tiết. Sân khấu hóa tác phẩm văn học đã quen thuộc với người Việt hàng trăm năm nay, như các tiểu phẩm hội diễn văn nghệ nhà trường và quần chúng. Tuổi thơ tôi háo hức xem chèo, kịch, xem chiếu bóng (chiếu phim) rồi hóa thân thành nhân vật trong trò chơi con trẻ, cảm nhận theo những thần tượng văn học và lịch sử.

Sân khấu hóa văn học, lịch sử là hoạt động tiếp nhận đặc biệt mà người xem, người diễn phải đọc tác phẩm, hiểu câu chữ, ý tưởng tác giả và tìm tòi cách thể hiện vai diễn thành công. Sự đón nhận của giới trẻ gen Z hào hứng, chờ xem hoặc diễn xuất trong các trường phổ thông mấy năm nay cho thấy phương pháp ngoại khóa này đúng hướng và phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội hiện đại.

Khi các phương tiện nghe nhìn, kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo AI đang lấn lướt văn hóa đọc, sứ mệnh của văn chương (nhận thức, thẩm mỹ, giáo dục và giải trí) rõ ràng cần được khơi dậy và tổ chức thực hiện hiệu quả từ các nhà trường. Văn chương phải trở lại vai trò trợ thủ đắc lực và thanh cao để qua những hình tượng văn học giúp trẻ hiểu về con người, cách làm người và cách làm người có ích.

Sân khấu hóa tác phẩm văn học và lịch sử sẽ chuyển dịch ngôn ngữ văn học tư duy sang ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu trực quan. Hình tượng văn học biến đổi trở nên gần gũi hơn với đối tượng thưởng thức. Quá trình sân khấu hóa tạo cho tác phẩm một sức sống, sự biểu đạt mới, có thể không giống tưởng tượng khi ta đọc tác phẩm.

Sự hư cấu kịch bản (hình thức chuyển thể từ tác phẩm) hay tôn trọng nguyên tác đều tạo nên những cách hiểu linh hoạt và tùy thuộc vào óc thẩm mỹ, năng lực tư duy, nhu cầu và thời đại của người xem. Nhiều trường phổ thông đã đầu tư, dàn dựng và biểu diễn như báo cáo, hội thi hoặc ngoại khóa đầu tuần, được giáo viên và học sinh, công luận và báo chí khen ngợi. Những điểm tích cực đạt được chính là tâm huyết, công sức của thầy, cô giáo Ngữ văn và học sinh cả nước.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Cần sự linh hoạt

Từ thực tế nhà trường và chia sẻ của thầy cô Ngữ văn cho thấy, để làm sân khấu hóa tác phẩm văn học, còn nhiều trăn trở và thách thức. Sân khấu hóa nơi làm rầm rộ, nơi lại chưa lần nào; thầy cô người hiểu, người chưa... Nhà trường, gia đình và học sinh vẫn ưu tiên học và thi. Cùng đó, biên chế năm học không đổi, áp lực học chưa giảm, quỹ thời gian luyện tập, biểu diễn và kinh phí eo hẹp. Và công luận nói chung, giáo giới nói riêng vẫn hiểu sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử chỉ là hoạt động, nội dung kém quan trọng nên chưa mặn mà.

Chia sẻ của giáo viên Ngữ văn Trường THPT Tam Dương và Trường THPT Phạm Công Bình (Vĩnh Phúc) cho thấy thực trạng: Điều kiện sân khấu, phòng bộ môn thiếu. Hầu hết trường học hai ca nên việc luyện tập, biểu diễn khó thu xếp thời gian.

Các yếu tố kỹ thuật, ánh sáng, âm thanh, phục trang, đạo cụ… hậu kỳ phải thuê hoàn toàn. Đồng phục học sinh, hóa trang, đạo cụ tự làm, diễn trong 1 tiết chào cờ thì khó đạt yêu cầu, còn thuê tiền triệu thầy trò tự lo, nguồn tài trợ, đóng góp cũng có giới hạn. Do đó, không thể đòi hỏi sự đầu tư hay hiệu quả cao từ hoạt động này.

Cùng đó, phần lớn kịch bản lấy Internet, rồi thêm bớt và làm theo. Học sinh/giáo viên tự viết kịch bản rất hiếm và chịu áp lực đúng sai. Xu hướng hài kịch được ưa dùng hơn là khám phá giá trị của văn chương.

Ở chiều ngược lại, dù là nội dung học tự chọn của tổ hợp môn Khoa học xã hội, nhiều năm qua, các nhà trường, thầy cô Ngữ văn đã bằng những cách thức khác nhau, nỗ lực thực hiện sân khấu hóa hiệu quả. Thầy Dương Khánh Toàn - Trường THPT Nguyễn Thị Giang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) chia sẻ thông tin và cho hay: “Tôi và học trò linh hoạt trong cách làm. Các em được lập nhóm tự tập luyện, quay clip, chiếu trên lớp hay đẩy lên fanpege. Học sinh hứng thú, giảm áp lực, hiểu bài và có thể xem lại…”.

Hay ở các trường tư thục, trường chuyên… nhờ năng lực của trò tốt, nguồn tài trợ và điều kiện hậu trường, kỹ thuật thuận lợi nên hoạt động sân khấu hóa tác phẩm làm khá rầm rộ và thành công, đem lại hiệu ứng tích cực.

Điều này cho thấy: Yếu tố quyết định là sự quan tâm, đầu tư cán bộ quản lý, giáo viên; phụ huynh và học sinh hiểu và ủng hộ nên dù mới và khó cũng ra sức thực hành.

Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy Ngữ văn, tôi cho rằng, thầy cô có thể chọn phân cảnh, một hình thức, thể loại phù hợp điều kiện để dẫn dắt học trò. Nguồn kịch bản dồi dào và sự hào hứng, tiềm năng của trò là thuận lợi lớn để có những sản phẩm hữu ích.

Với phương châm tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy Ngữ văn gắn với nhu cầu của học sinh, các buổi ngoại khóa “sân khấu hóa các tác phẩm văn học” sẽ đưa tác phẩm/ trích đoạn văn chương đến gần hơn với người học và tạo ra sân chơi bổ ích và làm cho giờ học Ngữ văn hấp dẫn, ý nghĩa hơn. Hy vọng khi Chương trình GDPT 2018 phủ khắp các khối lớp, hoạt động trải nghiệm sẽ thành nhu cầu thiết thực và được học sinh tất cả vùng miền thực hiện thành công, hiệu quả.

Nhiệm vụ chính của trò là học tập để phát triển toàn diện, trong đó, sân khấu hóa là một nội dung trải nghiệm quan trọng và thích hợp. Chương trình GDPT 2018 từng bước giảm bớt áp lực học và thi, đẩy mạnh hướng nghiệp và chọn nghề, nhất là khi trang thiết bị, cơ sở vật chất được đầu tư để đáp ứng nhu cầu. Đó sẽ là tiền đề thuận lợi cho hoạt động trải nghiệm và sân khấu hóa phát huy tác dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ