Người mẹ thứ hai của "tổ lái"

(GD&TĐ) - Từ học sinh từng chơi thuốc “lắc”, cuộc sống sa đọa, giờ B đã là sinh viên của Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Tâm sự với tôi, em vẫn còn rùng mình về những ngày đã qua. “Người cứu em chính là cô giáo chủ nhiệm lớp 12 chị ạ” – B bắt đầu những lời giãi bày:

Thích đua xe - bốc đầu hơn thích học

Ngày đầu vào cấp 3 em vẫn là 1 học sinh ngoan, thậm chí còn học giỏi môn Toán, luôn đứng đầu lớp suốt học kì 1 lớp 10. Nhưng, cuộc sống của em đi sang hướng khác khi bắt đầu giao du với những người bạn không tốt. Tính cách tò mò, suy nghĩ chưa chín chắn, em đã bị lôi cuốn theo những tệ nạn mà những người bạn đó làm.

Em bắt đầu xâm nhập vào thế giới đua xe mà khi đó em cho là trò mạo hiểm đầy kì thú. Những bạn thân trong lớp dần biết em sa chân vào con đường nguy hiểm nên khuyên ngăn, nhưng do mù quáng em mặc kệ, vẫn lao theo những cuộc vui mạo hiểm cùng những người bạn "dân tổ". Cuộc đua chỉ diễn ra vào ban đêm nên buổi sáng em rất mệt và hay ngủ gật, học hành tụt dốc.

Thầy cô thấy lực học của em giảm sút, hay ngủ gật nên đã nói chuyện và tạo nhiều cơ hội để em sửa nhưng vô ích. Thậm chí, những lúc bị cô đánh thức trong lớp, em còn nóng giận vặc lại. Chuỗi ngày "đua xe, bốc đầu" tiếp tục diễn ra, đến giữa năm lớp 11 thì em bị bố mẹ bắt gặp khi đang lạng lách đánh võng.

Tìm cân bằng ở… sàn lắc

Bố mẹ em tất nhiên là rất giận và buồn. Em cũng bắt đầu sợ và cố gắng trở về với con người cũ. Thời gian này, cô giáo luôn lắng nghe những tâm sự của em; giúp em học thêm ngoài giờ để lấy lại kiến thức bị hổng; gặp bố mẹ em để trao đổi về cách khuyên răn giúp em tiến bộ. Nhưng khi mất lòng tin với người khác thì khó lấy lại lắm! Bố mẹ không còn coi em như đứa con ngoan nữa và suốt ngày la mắng, buồn chán về em.

Em bắt đầu cảm thấy chán nản và muốn tìm một môi trường nào vui vẻ hơn để đỡ phải suy nghĩ. Bạn bè thấy em trong lớp buồn và không có tâm trí học hành nên vài người đã rủ em lên một quán bar nghe nhạc, uống bia giải khuây.Vui lắm! Nếu chỉ 1 lần và dừng lại ở đó thì cuộc sống em sẽ được cân bằng. Nhưng không, em dần thích môi trường đó và làm quen được với vài người bạn trên quán Bar khá là "dân chơi". Kệ bạn bè khuyên ngăn, em vẫn cứ theo họ để lại được lên Bar. 

Hội này chỉ uống rượu, không bao giờ uống bia. Em không uống được rượu nhưng vì ngại với bạn bè nên cố uống. Tất nhiên là vài lần đầu say khướt, nhưng dần em quen và cũng uống khá hơn. Em bắt đầu hút thuốc và chơi thuốc lắc, hay còn gọi là "kẹo", vì như vậy mới đúng chất "dân chơi" thứ thiệt.

Những buổi học trên lớp, vài lần cô giáo gặng hỏi vì ngửi thấy mùi rượu và khét mùi thuốc lá trên người em. Em nói dối là chơi điện tử ở quán Internet bị ám mùi thuốc và vào quán hát karaoke bị phục vụ làm đổ rượu vào người. Những lí do qua loa đó không đủ để thuyết phục cô giáo em.

Hỏi vài bạn trong lớp, biết em hay lên bar uống rượu và nhảy nhót, cô thương em và không muốn bố mẹ em biết chuyện nên chỉ khuyên bảo em không được đến đó nữa. Em chỉ hứa rồi quên trong chốc lát.

Em bắt đầu thích cô gái trong hội "dân chơi". Say đắm trong tình yêu, việc học của em càng chểnh mảng đến mức khó cứu vãn. Chỉ còn nửa năm sẽ thi ĐH, việc đó cũng không khiến em mảy may quan tâm.

Người mẹ thứ hai

Tình hình quá tồi tệ, cô giáo bắt đầu lo lắng và vào cuộc. Cô dùng đủ mọi cách giúp em thoát ra môi trường đang sa ngã. Cô trao đổi với bố mẹ, bạn bè thân cùng, thậm chí chấp nhận đến tận nhà kèm cặp em học hành với mức thù lao là con số không chỉ vì muốn cứu vãn cuộc sống của em và giúp em thành công. Cô còn kêu gọi vài bạn khá giỏi trong lớp giúp đỡ em những môn em yếu kém. Cô biết cách nói chuyện khiến học sinh cảm thấy gần gũi, được thấu hiểu như một người mẹ.

Từ đó, chuyện gì em cũng kể với cô. Điều gì xấu cô đều khuyên em nên tránh xa và tập trung vào tương lai sắp tới. Sức thuyết phục của cô đạt đến mức em phải xúc động và suy nghĩ rất nhiều.

Dần dần, em tách ra được khỏi lũ bạn "dân chơi" kia và tất nhiên khi đó, người yêu "đá" em không vương vấn. Em buồn nhưng không lâu vì có những người bạn và cô giáo cùng chia sẻ. Nhanh chóng vượt qua nỗi buồn, em tiếp tục tập trung vào học để  thi ĐH.

Cô giáo nghe các bạn trong lớp kể về em, được biết là em có giọng hát khá hay và rất thích hát. Chính cô đã nói với bố mẹ em sau khi cháu thi ĐH nên cho học thêm về âm nhạc để đỡ phí một tài năng. Cuối cùng, không phụ cô, em thi đỗ tốt nghiệp. Kỳ tuyển sinh năm đó, em chỉ đủ điểm vào CĐ nhưng đó là cả sự nỗ lực cố gắng không nhỏ. Biết vậy nên cô giáo thể hiện rõ sự hãnh diện về em. Em rất vui vì điều đó.

Theo học 1 năm Trường CĐ Kinh doanh - Công nghệ nhưng em vẫn đam mê ca hát và quyết định học thêm về Thanh nhạc. Không ngờ, kỳ thi năm 2013 vừa rồi, em đã đỗ vào Trường ĐH Văn hoá nghệ thuật Quân đội. Không thể tả hết bằng lời niềm vui đó. Hiện tại, em vừa đi học, vừa kinh doanh nhỏ để đỡ đần thêm cho cha mẹ.

“Không có cô, không có những người bạn tốt em không thể có ngày hôm nay. Khi có dịp, chắc chắn em sẽ về thăm cô giáo. Em nhớ cô rất nhiều” – B xúc động.

Hiếu Nguyễn (ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.