Người dân Đăk Ui thoát nghèo nhờ các mô hình phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mong muốn người dân thay đổi nhận thức, vươn lên thoát nghèo các cấp chính quyền Kon Tum triển khai nhiều mô hình, phổ biến kĩ thuật tiên tiến.

Chị Y Huế đến thăm mô hình “Làng Phụ nữ DTTS Nông thôn mới" của nhà chị Y Quyết.
Chị Y Huế đến thăm mô hình “Làng Phụ nữ DTTS Nông thôn mới" của nhà chị Y Quyết.

Đổi thay ở làng quê

Để từng bước thay đổi cuộc sống, phát triển kinh tế nhằm vươn lên thoát nghèo, những năm qua người dân xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà, Kon Tum) đã triển khai nhiều mô hình với cách làm sáng tạo. Những mô hình hay, hiệu quả người dân lại chia sẻ với nhau nên đời sống của bà con từng bước đổi thay, vươn lên thoát khỏi khó khăn, thiếu thốn.

Vui mừng trước những đổi thay tích cực của người dân, chị Y Huế - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã cho hay, các mô hình mà địa phương triển khai đều hướng đến thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con nhằm nâng cao thu nhập, giúp người dân có cuộc sống ổn định hơn.

Theo chị Y Huế, nhiều mô hình sau khi triển khai đã mang lại hiệu quả cao. Từ đó, người dân chia sẻ, lan toả để giúp nhau cùng phát triển, như: mô hình “Tiết kiệm”, “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, “Nhóm cha mẹ có con từ 0 – 8 tuổi”, Cuộc vận động “5 không 3 sạch”...

“Bên cạnh việc đẩy mạnh các mô hình để phát triển kinh tế, những năm qua chúng tôi còn chú trọng vận động người dân trở thành hội viên. Tại đây các chị em có thể chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để cuộc sống bớt khó khăn hơn. Đến nay toàn xã đã có 946 hội viên được kết nạp/1.522 phụ nữ”, chị Y Huế chia sẻ.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã cũng chia sẻ, một trong những mô hình hiệu quả nhất tại địa phương chính là “Làng Phụ nữ dân tộc thiểu số Nông thôn mới” tại thôn Kon Năng Treang. Hiện tại mô hình có 62 thành viên tham gia với mục đích giúp hội viên phát huy năng lực, trách nhiệm của bản thân trong phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù chỉ mới triển khai từ tháng 5/2022 tuy nhiên hiện nay những hội viên tham gia mô hình đều đã có sự thay đổi tích cực trong lối sống, suy nghĩ và cách làm. Dần dần chú trọng việc áp dụng khoa học, kĩ thuật vào cuộc sống nhằm phát triển kinh tế.

Trước kia, cuộc sống của gia đình chị Y Quyết (36 tuổi) chỉ quanh quẩn với mảnh vườn nhỏ và căn nhà lụp xụp. Vợ chồng chị Y Quyết là hộ nghèo tại địa phương. Sau khi sinh người con đầu lòng, cuộc sống gia đình anh chị đã khó khăn lại càng thiếu thốn hơn. Mặc dù làm quần quật ngày này qua tháng nọ nhưng chẳng dư giả đồng nào.

Thế nhưng từ khi được chính quyền địa phương, các cấp hội, đoàn thể vận động gia đình chị Y Quyết đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng chính sách để trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, vợ chồng chị cũng chăm chỉ tham gia các lớp tập huấn để nâng cao tay nghề, kỹ thuật. Từ khi được vận động tham gia mô hình “Làng Phụ nữ DTTS Nông thôn mới”, chị Y Quyết trở thành một trong những hội viên tích cực, xây dựng hàng rào cổng ngõ xanh sạch đẹp. Đồng thời trồng vườn rau sạch để tạo mỹ quan, bảo vệ đất và nâng cao thu nhập cho bản thân. Đặc biệt hơn cả, kinh tế dần ổn định nên qua xem xét chính quyền địa phương cho rằng gia đình chị Y Quyết gần đủ điều kiện thoát nghèo.

Áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất

Chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm và áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất.
Chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm và áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất.

Tương tự, tại thôn Wang Hra (xã Đăk Ui) vùng đất trước đây còn nhiều khó khăn, đến nay đã đông đúc và nhộp nhịp hơn. Chiều buông, sau khi kết thúc ngày lên nương người dân tranh thủ nghe cán bộ tuyên truyền về các chính sách, cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới.

Theo anh A Quang – Bí thư chi bộ thôn Wang Hra, hàng quý địa phương vẫn tổ chức các buổi tuyên truyền thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với việc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng nhờ việc tuyên truyền, sâu sát đến người dân đã có những sự thay đổi tích cực.

Ông A Quang cho hay, như trước đây 100% người dân làm nông nghiệp với kỹ thuật lạc hậu. Thế nhưng giờ đây bà con đã biết áp dụng khoa học, kĩ thuật vào sản xuất nên đời sống ngày càng đủ đầy hơn. Hiện tại thôn chỉ còn gần 8% hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt gần 20 triệu đồng/người/năm.

Thời gian qua, sau khi được các cấp chính quyền tuyên truyền, phổ biến các loại cây trồng phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng địa phương anh A Hiệp đăng kí trồng 1ha mắc ca thông qua chương trình khuyến nông hỗ trợ cây giống, phân bón.

Trong thời gian đợi cây mắc ca cho thu hoạch, anh A Hiệp vẫn tiếp tục trồng và chăm sóc 2ha mì, 1ha cà phê, 3 sào ruộng và chăn nuôi bò, dê để duy trì cuộc sống.

Ông Trần Đình Trình, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ui - cho biết, hiện tại, xã đã đạt 14/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Còn 5 tiêu chí chưa đạt là về thu nhập, hộ nghèo, quy hoạch, trường học và nhà ở. Chính vì vậy, xã đang từng bước và tích cực triển khai lồng ghép các nguồn lực, tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức bà con để vươn lên thoát nghèo. Đồng thời khuyến khích các mô hình nhằm tạo ra được nhiều giá trị cho cộng đồng, để nhanh chóng hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt.

Cũng theo ông Trình, để phát triển kinh tế, đan xen làm đẹp cho làng quê, người dân đã biết tận dụng đất trống quanh nhà để trồng rau, hoa, các loại cây ăn trái. Hiện tại xã có trên 90% đường nội thôn, liên thôn được cứng hóa. Bên cạnh đó, 100% các hộ sử dụng điện an toàn. Ngoài ra, hệ thống kênh mương nội đồng đạt chuẩn đảm bảo cung cấp nước cho các diện tích cây trồng... Hiện tại, địa phương chỉ còn 8,6% hộ nghèo theo chuẩn đa chiều mới giai đoạn 2021-2025, thu nhập bình quân trên 34 triệu đồng/người/năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ