Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xã Pa Khoá, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ và thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế. Nhờ đó, diện mạo nông thôn mới của xã đã có nhiều thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm.
Phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ
Pa Khóa là xã vùng thấp đặc biệt khó khăn của huyện Sìn Hồ. Đây là xã thuần nông, cách trung tâm huyện khoảng 60km. Pa Khoá có 5 bản, 480 hộ với gần 2.400 nhân khẩu. Địa bàn có 3 dân tộc: Thái, Dao và Mông cùng sinh sống.
Khi áp dụng chuẩn nghèo mới, số hộ nghèo của xã Pa Khóa chiếm gần 70% (năm 2016). Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu, cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai nhiều giải pháp, cách làm dựa trên tình hình thực tiễn của địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Một trong những giải pháp xã lựa chọn là tận dụng sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua nguồn vốn các chương trình: Hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững (Chương trình 30a); Phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135) và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…
Giai đoạn 2016 – 2020, thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, xã Pa Khóa đã được hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, công trình nước sinh hoạt của các thôn, bản đặc biệt khó khăn. Với việc đầu tư xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới, đã góp phần từng bước thay đổi diện mạo nông thôn.
Trên hành trình giảm nghèo bền vững đó, người dân nơi đây đã được hỗ trợ máy móc để hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, người dân còn được hưởng các chương trình mục tiêu, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất, hướng đến phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo.
Diện mạo nông thôn miền núi ở Pa Khóa đã có nhiều đổi khác |
Năm 2008, người dân bản Hồng Quảng 1, xã Pa Khóa, huyện Sìn Hồ đã được di dân lên nơi ở mới để nhường đất xây thuỷ điện Sơn La. Phương thức sản xuất lạc hậu cùng với việc thay đổi nơi ở, địa bàn sản xuất đã khiến người dân “gặp khó” trong phát triển kinh tế.
Đến năm 2016, người dân bản Hồng Quảng 1 vui mừng khi được nhà nước hỗ trợ máy móc để sản xuất. Theo ông Lý A Kính, Bí thư Chi bộ bản cho biết: Thời điểm đó, bản được hỗ trợ 1 máy cày, 1 máy tuốt lúa và 1 máy tẽ ngô để các hộ dân trong bản cùng sử dụng.
“Nhờ có máy móc sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, chúng tôi đã giảm bớt được sức lao động, có nhiều thời gian, làm được nhiều việc hơn, bà con cũng đỡ vất vả. Hiện máy móc vẫn được chúng tôi bảo quản tốt và sử dụng có hiệu quả” – ông Lý A Kính chia sẻ.
Cùng với bản Hồng Quảng 1, 4 bản còn lại của xã Pa Khóa cũng được cấp máy móc để hỗ trợ sản xuất. Mỗi bản đều được cấp máy tuốt lúa, máy cày và máy tẽ ngô. Nhờ đó, đã giải phóng được sức lao động, giảm bớt khó khăn. Qua đó, tăng hiệu quả lao động và sản lượng nông nghiệp.
Được biết, từ năm 2016 tới nay, nhờ Chương trình 30a, xã Pa Khoá được bổ sung hơn 500 triệu đồng để xây dựng công trình nước sinh hoạt, sửa chữa thủy lợi, nhà văn hóa. Cùng với đó, xã còn được hỗ trợ các loại giống lúa, vật nuôi, cây trồng và phân bón.
Bên cạnh đó, địa phương này cũng được bố trí khoảng 400 triệu đồng từ ngân sách Trung ương để sửa chữa thủy lợi, trường học, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo…
Nhiều hộ thoát nghèo nhờ mạnh dạn đầu tư cho mô hình chăn nuôi |
Hướng đến giảm nghèo bền vững
Để giúp người dân xoá đói, giảm nghèo một cách bền vững, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã Pa Khóa đã đồng hành cùng người dân trong phát triển kinh tế. Địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất và đưa cây, con giống mới vào thay thế cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả.
Ông Thần A Kỉn, Chủ tịch UBND xã Pa Khóa cho biết: “Chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền bà con tích cực khai hoang mở rộng diện tích đất nông nghiệp. Cùng với đó, chú trọng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn thông qua ngân hàng Chính sách Xã hội, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát triển kinh tế.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Pa Khóa, xã đã vận động bà con đẩy mạnh phát triển đàn vật nuôi. Trong đó, chú trọng vào chăn nuôi trâu, lợn và thâm canh, tăng vụ, đưa các loại cây giống có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Nhờ đó, xuất hiện nhiều hộ dân thoát nghèo.
“Từ khi có thêm điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư các mô hình phát triển kinh tế mới. Trên địa bàn đã có nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thu nhập 200 – 300 triệu đồng/năm” – ông Thần A Kỉn nói.
Nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của người dân trong phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo xã Pa Khoá đã giảm từ 66,6% (năm 2016) xuống còn 35,7% (năm 2021). Từ đó, bộ mặt nông thôn của xã đã thay đổi rõ rệt. Bà con đã biết khai hoang đất, mở rộng diện tích trồng trọt, chăn nuôi, mang lại thu nhập ổn định, xoá được đói nghèo.
"Ngoài nguồn lực đầu tư của các chương trình, dự án giảm nghèo, địa phương cũng đã phát huy tốt vai trò trong công tác dân vận. Được tuyên truyền, bà con đã chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế. Qua đó, đóng góp rất lớn trong xây dựng nông thôn mới của xã", ông Thần A Kỉn cho biết thêm.