Liên kết thu hút nguồn lực để phát triển du lịch Kon Tum

GD&TĐ - Ngày 24/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Kon Tum đã tổ chức Diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng”.

Ký kết thoả thuận hợp tác phát triển du lịch giữa Kon Tum và 5 tỉnh lân cận.
Ký kết thoả thuận hợp tác phát triển du lịch giữa Kon Tum và 5 tỉnh lân cận.

Doanh thu du lịch đạt hơn 200 tỷ/năm

Diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” có sự tham dự của khoảng 500 đại biểu là lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Kon Tum, Tổng cục Du lịch, lãnh đạo một số Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam...

Tại diễn đàn tập trung thảo luận về tiềm năng và triển vọng phát triển du lịch tỉnh Kon Tum. Bên cạnh đó, đưa ra các giải pháp để xây dựng sản phẩm, xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư, tăng cường liên kết, đẩy mạnh thu hút khách tới Kon Tum.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Kon Tum cho rằng, Kon Tum đón tổng lượt khách giai đoạn 2016 - 2020 đạt hơn 1,8 triệu quốc tế và nội địa. Doanh thu du lịch bình quân hàng năm đạt trên 200 tỷ đồng. Hiện tỉnh Kon Tum có 153 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 2.183 phòng. Công suất sử dụng phòng qua các năm tăng đều từ 65 -75%.

Theo ông Bình, Kon Tum xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đến năm 2025, gắn mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững, tạo sinh kế cho người dân cùng với tạo dấu ấn riêng, độc đáo, đặc sắc của du lịch Kon Tum.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, với lịch sử gần 110 năm hình thành, phát triển, các dân tộc tỉnh Kon Tum đã gìn giữ, bảo tồn, phát huy và tạo nên nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Bên cạnh đó, cùng các yếu tố đặc thù về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, hệ thảm thực vật rừng đã tạo cho địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, độc đáo. Trong tiến trình phát triển và hội nhập, tỉnh Kon Tum xác định rõ quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển, trong đó du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo ông Tuấn, sự phát triển của du lịch địa phương còn có những khó khăn như: nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch chưa tương xứng với tiềm năng du lịch hiện có của tỉnh. Bên cạnh đó, việc thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch chưa nhiều, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đa số là doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính, nhân lực thiếu sức cạnh tranh. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu…

Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch phát biểu tại diễn đàn.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch phát biểu tại diễn đàn.

Tại diễn đàn, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng – Tổng cục Du lịch cho biết, Kon Tum đang trong giai đoạn sơ khai của du lịch. Do đó, hạ tầng kết nối còn hạn chế, cơ sở dịch vụ sản phẩm và điểm đến còn đơn sơ. Bên cạnh đó, quy mô kinh tế du lịch còn khiêm tốn.

Mặc dù Kon Tum có nhiều tài nguyên đặc sắc, lợi thế về vị trí, khí hậu... nhưng chưa được khai thác nhiều, như: ngã ba Đông Dương, vườn quốc gia Chư Mom Ray, đặc biệt văn hóa cồng chiêng... Không chỉ vậy, Kon Tum có thế mạnh là trải nghiệm văn hóa dân tộc, du lịch nghỉ dưỡng Măng Đen.... Tuy nhiên kết quả kinh doanh chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh Kon Tum.

Theo ông Siêu, hiện tại du lịch Kon Tum đang đứng thứ 4 của Tây Nguyên sau Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai. Tuy nhiên, du lịch Kon Tum có những thay đổi tích cực với số lượng du khách đến địa phương tăng dần theo từng năm. Hiện nay, khó khăn, thách thức của Kon Tum là hạ tầng kết nối chưa thuận lợi, môi trường, nguồn lực hạn chế.

Ông Siêu cũng định hướng phát triển du lịch Kon Tum theo hướng phát triển sản phẩm trải nghiệm sâm Ngọc Linh, Măng Đen, vườn quốc gia Chư Mom Ray, du lịch tâm linh… Đồng thời, liên kết với các tỉnh khu vực Tây Nguyên để hướng tới hình thành chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng, như: liên kết với Gia Lai khai thác sân bay Pleiku, đầu tư hạ tầng, cơ sở dịch vụ.... Ngoài ra, đẩy mạnh công tác quy hoạch, tạo cơ chế quảng bá thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, luân phiên với Quảng Nam tổ chức Lễ hội sâm Ngọc Linh.

Theo ông Siêu, Kon Tum được đánh giá có nhiều tiềm năng, dư địa và triển vọng phát triển du lịch. Tuy nhiên cần có cơ chế, chính sách phù hợp để tận dụng cơ hội, phát huy liên kết để thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch thành ngành kinh tế động lực quan trong. Từ đó lan toả thúc đẩy các ngành, lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.

Hỗ trợ để phát triển du lịch Kon Tum

Diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” có sự tham dự của khoảng 500 đại biểu.
Diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” có sự tham dự của khoảng 500 đại biểu.

Ông Lê Ngọc Tuấn – chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum chia sẻ, thông qua diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” tỉnh Kon Tum mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với địa phương để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Qua đó, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ kịp thời giải quyết những khó khăn để cùng địa phương khai thác hết tiềm năng, đưa du lịch Kon Tum phát triển một cách bền vững, là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Kết thúc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng có 2 đề nghị và 2 đồng hành với tỉnh Kon Tum để phát triển du lịch.

Theo đó, ông Hùng đề nghị địa phương cần lựa chọn nhà đầu tư xứng tầm và làm mới sản phẩm.

Ông Hùng cho biết sẽ đồng hành, cam kết sử dụng nguồn lực, ưu tiên Kon Tum để phát triển du lịch. Trong đó có gói hỗ trợ để Kon Tum bảo tồn các di tích và phát triển du lịch ở các cộng đồng làng bản.

Ông Hùng cũng mong muốn các doanh nghiệp đồng hành và chia sẻ với địa phương, kết nối, đưa các tuyến du lịch đến nhiều hơn với Kon Tum. Ngoài ra mong muốn doanh nghiệp tận dụng tối đa, khai thác các lợi thế với ngành du lịch Kon Tum.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...