Kon Tum: Nỗ lực giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới

GD&TĐ - Với sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền tỉnh Kon Tum, tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương đã giảm đáng kể. Qua đó, người dân đã bớt đi nhiều khó khăn, ổn định phát triển kinh tế.

Cuộc sống của người dân làng Kon Pring (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) ngày một ổn định hơn.
Cuộc sống của người dân làng Kon Pring (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) ngày một ổn định hơn.

Thu nhập bình quân hộ nghèo đạt 122%

Địa bàn tỉnh Kon Tum có hơn 560.000 người dân, tuy nhiên, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Trong thời gian qua, Ban chỉ đạo các CTMTQG các cấp đã chủ động chỉ đạo triển khai các hoạt động hiệu quả.

Việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân khu vực nông thôn được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng sống. Kinh tế, xã hội ở vùng sâu, vùng xa đã có bước phát triển. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần.

Vào cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của Kon Tum là 26,11%, đến cuối năm 2019, chỉ còn 13,62%, đạt 104% so với mục tiêu Đề án giảm nghèo. Theo đó, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,12%/năm. Trong 4 năm, tổng số hộ dân thoát nghèo là 20.901 hộ.

Đối với hộ nghèo là DTTS, cuối năm 2015 chiếm tỷ lệ 46,57%, tuy nhiên đến cuối năm 2019, giảm xuống còn 24,93%. Bình quân tỷ lệ hộ nghèo DTTS trên địa bàn tỉnh giảm 5,41%/năm.

Từ năm 2016-2019 đã có 18.791 hộ DTTS thoát nghèo, đạt 133,6% so với mục tiêu Đề án giảm nghèo. Cũng trong 4 năm qua, tỉnh Kon Tum đã có 10.934 hộ dân thoát cận nghèo, giảm từ 6,64% vào cuối năm 2015 còn 6,36% vào cuối năm 2019.

Qua 5 năm thực hiện, thu nhập bình quân của hộ nghèo là 644.000 đồng/người/tháng, đạt 122% so với mục tiêu tăng thu nhập bình quân hàng năm của hộ nghèo theo Đề án giảm nghèo. Bên cạnh đó, 100% xã có trạm y tế, có đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh. Đồng thời 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 89% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Không chỉ vậy, 100% các huyện, thành phố có mạng lưới trường mầm non, phổ thông. Có 178 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, 89% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm trên địa bàn.

Những tuyến đường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 98%. Tỷ lệ kilomet đường thôn xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải đạt 57%.

Cũng tính đến tháng 3/2020, toàn tỉnh đã có 24 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí. Dự kiến cuối năm 2020 có thêm 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3-4% giai đoạn 2021-2015

Kon Tum: Nỗ lực giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới ảnh 1

Trong quá trình thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỉnh Kon Tum đã đầu tư 714 công trình giao thông, thủy lợi, điện, giáo dục… cho các xã đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, tiến hành duy tu 430 công trình giao thông, thủy lợi, điện, văn hóa, giáo dục, nước sinh hoạt...

Ngoài ra, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã ĐBKK, các thôn ĐBKK cho khoảng 8.090 hô ̣thuộc diện nghèo, cân nghèo, mới thoát nghèo. Các địa phương cũng lồng ghép các nguồn lực thực hiện hỗ trợ xây nhà ở cho 3.272 hộ nghèo với tổng kinh phí 94,8 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi, giải ngân được 4.095 tỷ đồng với 128.526 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Nguồn vốn tín dụng đã thu hút, tạo việc làm mới cho 9.215 lượt lao động. Thông qua các nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đồng thời góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh - chính trị.

Giai đoạn 2016-2020, thông qua hoạt động an sinh xã hội, từ thiện, Ủy ban MTTQVN tỉnh, các tổ chức Hội đã huy động được số tiền hơn 134 tỷ đồng. Theo đó, mỗi năm có khoảng hơn 47.000 lượt người nghèo được hỗ trợ, giảm bớt khó khăn.

Đặc biệt, tỉnh Kon Tum có 2 hộ gia đình tại huyện Sa Thầy và Đăk Glei được Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khen thưởng là hộ nghèo tiêu biểu vươn lên thoát nghèo.

Để thực hiện có hiệu quả CTMTQG giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kon Tum chú trọng nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Bên cạnh đó, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh bình quân từ 3-4%/năm. Riêng các huyện nghèo giảm từ 6-8%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động nghèo. Theo đó, tạo việc làm gắn với thu nhập, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo đến cuối năm 2025 tăng gấp 2 lần so với năm 2021.

“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ