Hội Phụ nữ vùng cao nỗ lực giúp nhau giảm nghèo

GD&TĐ - Hội phụ nữ xã Mường Trai đẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Mô hình nuôi cá lồng đã và đang mang lại nguồn thu nhập cao cho hội viên phụ nữ.
Mô hình nuôi cá lồng đã và đang mang lại nguồn thu nhập cao cho hội viên phụ nữ.

Đi lên từ nghèo khó...

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Hội phụ nữ xã Mường Trai (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vươn lên trong cuộc sống, tích cực tăng gia lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm tốt. Hàng chục hội viên đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Bà Cầm Thị Minh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mường Trai cho biết: “Toàn xã có 10 chi hội, với 339 hội viên. Hầu hết hội viên đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, cuộc sống của chị em còn nhiều khó khăn. Nắm bắt được tình hình trên, chúng tôi đã xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, bởi kinh tế gia đình có ổn định thì cuộc sống của hội viên mới khá lên và có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn”.

Để giúp hội viên vượt qua khó khăn và ổn định cuộc sống, Hội phụ nữ xã phát động phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”…

Chị Lường Thị Hương, bản Khâu Ban thoát nghèo nhờ phát triển chăn nuôi.
Chị Lường Thị Hương, bản Khâu Ban thoát nghèo nhờ phát triển chăn nuôi.

Hội cũng vận động chị em tích cực lao động sản xuất, thâm canh tăng vụ. Khuyến khích hội viên chọn những mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao. Cùng với đó là việc tuyên truyền và hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng.

Từ những việc làm thực tế đó, trên địa bàn xã ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm tốt do hội viên phụ nữ làm chủ hộ. Có thể kể đến như: Mô hình nuôi cá lồng, nuôi bò, dê, lợn… Từ những mô hình này, nhiều hội viên đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Trước đây, chị em phụ nữ nơi đây chủ yếu trồng ngô, sắn để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, thời gian gần đây 2 loại mặt hàng này đã mất giá. Tiền bán không đủ chi phí đầu tư khiến cho nhiều người gặp khó khăn. Từ đó, Hội đã vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Cùng với đó, Hội đã tuyên truyền bà con chăn nuôi bò, dê sinh sản, lợn thịt và nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà. Hiện, phụ nữ Mường Trai đã tham gia 22 mô hình sản xuất, trong đó hiệu quả nhất là mô hình nuôi cá lồng và bò sinh sản. Nhờ vậy, mà đời sống của nhiều chị em từng bước được nâng lên. Nhiều hội viên đã vươn lên thoát nghèo.

“Để giúp chị em có vốn phát triển sản xuất, chúng tôi đã vận động các hội viên quyên góp quỹ tiết kiệm. Từ nguồn quỹ đã tạo điều kiện cho họ tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay, quỹ tiết kiệm được gần 100 triệu đồng, cho gần 40 hội viên vay. Bên cạnh đó, chúng tôi đã lồng ghép các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: Chương trình 30a, 135; hỗ trợ cây, con giống như: Cây xoài, nhãn, bò, dê sinh sản… cho các gia đình hội viên nghèo có điều kiện sản xuất, nâng cao đời sống”, bà Minh thông tin.

Chị Lò Thị Hoa đã thành công với mô hình trồng Mít Thái trên đất dốc, mỗi năm thu lãi hơn 120 triệu đồng.
Chị Lò Thị Hoa đã thành công với mô hình trồng Mít Thái trên đất dốc,
mỗi năm thu lãi hơn 120 triệu đồng.

Từng bước vươn lên...

Do đất sản xuất ít, nhiều năm qua gia đình chị Lường Thị Hương ở bản Khâu Ban luôn gặp khó khăn, thiếu thốn. Dù hai vợ chồng chăm chỉ, cố gắng lao động nhưng cũng chỉ đủ ăn, nhiều năm thuộc diện hộ nghèo. Qua tìm hiểu hoàn cảnh gia đình chị, năm 2015, Hội Phụ nữ xã đã vận động các tổ chức xã hội mua hỗ trợ gia đình một con bò sinh sản. Đồng thời, giúp gia đình chị tiếp cận nguồn vốn vay, mua thêm 2 con bò giống. Đến nay gia đình chị đã có tổng cộng 5 con.

“Nhờ sự giúp đỡ của Hội, giờ đây gia đình tôi đã thoát nghèo. Để tăng thêm nguồn thu cho gia đình, tôi đã chuyển toàn bộ diện tích nương sang trồng cây ăn quả. Vì vậy, thu nhập mỗi năm đều tăng lên, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Năm vừa qua, tôi đã xây được ngôi nhà kiên cố, mua 1 xe tải cho chồng đi chở hàng thuê. Cuộc sống giờ không còn thiếu thốn như trước kia nữa”, chị Hương nói.

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi của gia đình chị Lò Thị Xuân ở bản Bó Ban. Trước đây, kinh tế của gia đình chị gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn và kiến thức. Được sự giúp đỡ của Hội phụ nữ xã, chị được tham gia các lớp chuyển giao tiến bộ Khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi. Có kiến thức, gia đình chị mạnh dạn đầu tư vào mô hình nuôi cá lồng và làm trang trại. Trang trại của gia đình hiện có hàng chục con lợn và 200 con gà. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm chị thu lãi trên 100 triệu đồng.

Chị Xuân chia sẻ: “Từ khi Hội tư vấn nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện và chăn nuôi, thu nhập của gia đình tôi cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, sắn như trước đây. Giờ đây tôi đã thoát được nghèo và trả được hết nợ”.

Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình ở Mường Trai những năm qua, đã góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy khả năng sáng tạo của chị em hội viên phụ nữ trong phát triển sản xuất. Qua đó, giúp nhiều hội viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.