Ngày càng khó tuyển sinh
Cảnh báo hiện tượng khó tuyển sinh của ngành Ngữ văn, TS Phạm Ngọc Hiển - Khoa xã hội,Trường ĐH Sài Gòn - cho biết: Ở nhiều trường, các khoa Văn, Sử, Địa nhập lại thành khoa Xã hội nhưng chỉ tồn tại trên giấy tờ vì không có sinh viên. Số lượng sinh viên khoa Ngữ văn các trường dân lập phía Nam như ĐH Văn Hiến, ĐH Bình Dương ngày càng ít.
Ngay cả ở những trường ĐH công lập lớn, số lượng thí sinh đăng ký vào ngành Ngữ văn cũng ít dần, tỷ lệ chọi giảm, nhiều giảng viên cũng than phiền chất lượng đầu vào ngày càng kém. Nhiều học sinh giỏi Văn cấp tỉnh, cấp quốc gia đã không vào học ngành Ngữ văn mà chọn các ngành thời thượng như Ngoại thương, Tài chính Ngân hàng, Luật.
Tình trạng ngày càng ít thí sinh vào học ngành Ngữ văn đã khiến cho nhiều trường ĐH phải thay đổi lại mục tiêu đào tạo và tên gọi của ngành.
Một số trường đổi tên Khoa Ngữ văn, nhập nhiều ngành lại thành: “Khoa Xã hội và Nhân văn”, “Khoa Sư phạm Khoa học Xã hội”, “Khoa Ngữ văn và Truyền thông”...
Một số trường giữ nguyên tên gọi Ngữ văn nhưng chương trình đào tạo có thay đổi.
Ở Trường ĐH Văn Hiến, Khoa Ngữ văn thiên về đào tạo ngành Văn học nhưng những năm gần đây, Khoa đã giảm bớt những kiến thức hàn lâm và định hướng cho sinh viên học thêm các bộ môn sư phạm, báo chí xuất bản, hành chính văn phòng. Năm cuối có thực tập hẳn hoi để sinh viên có thể thành thạo công việc sau khi ra trường và có nhiều hướng chọn nghề.
Điều đó cho thấy rằng, nhiều Khoa Ngữ văn đang có những động thái thay hình đổi dạng để thích nghi với thời đại mới.
Có nhiều lý do để sinh viên vào ngành Ngữ văn ngày càng ít, trong đó có lý do quan trọng, theo TS Phạm Ngọc Hiển là học ngành này khó xin việc làm:
“Xin làm giáo viên dạy Ngữ văn thì không còn chỗ, các cơ quan báo chí xuất bản thì ít mà người chen chúc thì đông. Nhiều người cảm thấy thất vọng, bế tắc khi không xin được một việc làm đúng như chuyên môn. Thấy đàn anh, đàn chị thất nghiệp thì đàn em cũng không dại gì vào học ngành Văn”.
Thay đổi cái nhìn về môn Văn, người học Văn
Khó khăn này, TS Phạm Ngọc Hiển cho rằng xuất phát từ mục tiêu dạy học Văn cổ lỗ vẫn còn tồn tại dai dẳng đến bây giờ.
Nhiều người quan niệm rằng, sinh viên ngành Văn chỉ học ba thứ thơ văn vớ vẩn của những nhà thơ nghèo, mộng mị hão huyền. Mà thời bây giờ, không có công ty nào tuyển dụng những sinh viên giỏi thơ phú. Không có cơ quan nào chiêu mộ những nàng và chàng nghiện đọc tiểu thuyết.
Các cơ quan nhà nước lẫn công ty tư nhân chỉ tuyển những người biết soạn thảo các loại văn bản một cách thành thạo, có khả năng giao tiếp tốt, có tài PR, diễn thuyết quảng cáo sản phẩm để tăng lợi nhuận cho công ty.
Tuy nhiên, trên thực tế, đây cũng là chuyên môn của sinh viên Ngữ văn.
“Bất cứ một cơ quan, công ty nào có bộ phận văn phòng và truyền thông quảng cáo cũng đều cần cử nhân Ngữ văn. Nghĩa là học ngành Ngữ văn sẽ không lo thất nghiệp” - TS Phạm Ngọc Hiển khẳng đinh.
Nhưng, vấn đề là các trường ĐH phải đào tạo sao cho sinh viên Ngữ văn của mình thích ứng nhu cầu của thời đại công nghiệp. Giảm bớt những kiến thức lạc hậu và xa rời thực tế, đưa môn Văn xích lại gần với đời sống văn nghệ thực tại. Tăng cường thời lượng cho ngôn ngữ học ứng dụng.
Khoa Ngữ văn phải gắn kết với các cơ quan, xí nghiệp, công ty văn hóa, hội văn nghệ, báo chí xuất bản, trường học, coi như đó là môi trường thực nghiệm và sử dụng sản phẩm đào tạo.
Thời bao cấp đã qua rồi, không có trường nào còn ngồi chờ sự phân bổ sinh viên của Bộ và không còn sinh viên nào ỷ lại, thụ động ngồi chờ các công ty gọi đi làm.
Mỗi trường ĐH phải tự lo đầu ra cho sản phẩm của mình, sẵn sàng tham gia vào môi trường cạnh tranh giáo dục lành mạnh và tự khẳng định thương hiệu của mình vì sự tồn tại của trường và của ngành Ngữ văn.
TS Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh: Mục tiêu học tập ngành Ngữ văn trong thời đại mới không phải là học “biết để chơi” mà là “biết để làm”.
Môn Ngữ văn không chỉ là môn “bồi dưỡng tâm hồn” mà quan trọng hơn là môn “công cụ” để học sinh có thể vận dụng những kiến thức và kỹ năng đã học ứng dụng vào trong cuộc sống và công việc. Quá trình dạy Ngữ văn phải hướng tới lợi ích của người học.
Chỉ khi nào người học hứng thú và thấy được lợi ích thiết thực của môn học thì mục tiêu dạy học Ngữ văn của các nhà giáo dục vạch ra mới đạt hiệu quả như mong muốn.