Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông

GD&TĐ - Đây là chủ đề Hội thảo được Bộ GD&ĐT tổ chức hôm nay (10/4) tại Hà Nội nhằm nghiên cứu cơ sở lý luận và xây dựng kế hoạch triển khai việc đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực người học với cách thức xây dựng đề thi/kiểm tra và đáp án theo hướng mở; tích hợp kiến thức liên môn; giải quyết vấn đề thực tiễn.

Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển dự và phát biểu khai mạc Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các Vụ chức năng (Bộ GD&ĐT), đại diện các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, các nhà khoa học, giảng viên chuyên nghiên cứu về giảng dạy, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Đây là Hội thảo nối tiếp Hội thảo quốc gia về dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông Việt Nam tổ chức tại Huế tháng 1/2013, triển khai nhiệm vụ đổi mới dạy học bộ môn Ngữ văn trong bối cảnh mới.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội thảo 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Nghị quyết T.Ư 8 (Khóa XI) đã xác định đổi mới kiểm tra, đánh giá là 1 trong 9 giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện GD – ĐT. Ngành Giáo dục xác định đổi mới kiểm tra đánh giá là khâu đột phá, là “mở lối vào” cho đổi mới giáo dục đào tạo bởi nó có tác động đến toàn hệ thống, có thể thực hiện ngay và không tốn kém nhiều. 

Với riêng môn Ngữ văn, những năm nay đã có nhiều cố gắng. Có thể nói đến việc ra đề mở, học sinh đỡ phải học thuộc, phát huy được năng lực, trí tuệ, tình cảm, đạo đức của học sinh, gắn với thực tiễn cuộc sống.

Nhưng nhìn một cách tổng quát và qua phản ảnh từ những người trực tiếp giảng dạy, hiện nhiều học sinh vẫn phải học theo bài văn mẫu, dùng văn mẫu viết văn thật để trả bài cho thầy cô; nhiều ý kiến nói rằng vẫn dạy theo cách cũ, đánh giá theo kiểu cũ; về đề thi môn Ngữ văn, thời gian qua, đã có một số đề mở, nhưng cũng có ý kiến cho rằng chưa thực sự “mở”; đề “mở” nhưng đáp án vẫn “đóng”.

“Hướng đổi mới thi tốt nghiệp tới, Bộ GD&ĐT đang dần xóa bỏ quan niệm thi môn này, thi môn kia, chuyển từ các môn thi sang bài thi. Trong bài thi đó không chỉ đụng chạm kiến thức của một môn, một lĩnh vực mà đánh giá năng lực tổng hợp, vận dụng năng lực tích hợp để giải quyết vấn đề” – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết.

Thứ trưởng giao nhiệm vụ: Hội thảo cần xác định định hướng mới trong đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn như thế nào? Hình hài,  ý tưởng ra sao và trước mắt năm nay làm tới đâu. Những cái mới đó, phải được tiếp tục cho đến năm sau.

Thống nhất đổi mới ra đề kiểm tra, đề thi theo hướng mở, tích hợp các phân môn trong môn Ngữ văn và tích hợp liên môn

Tổng kết từ Ban tổ chức, Hội thảo đã nhận được nhiều báo cáo tham luận của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các thầy cô giáo trong cả nước với trách nhiệm khoa học và nghề nghiệp rất cao.

Nội dung các báo cáo cho thấy việc kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn ở nhà trường phổ thông hiện chưa phát huy được năng lực của học sinh do còn thiên về kiểm tra việc ghi nhớ máy móc, tái hiện, làm theo, chép lại,… học tác phẩm nào thì đúng tác phẩm đó, chưa đánh giá đúng sự vận dụng kiến thức, chưa chú trọng việc đánh giá thường xuyên trên lớp học và sử dụng kết quả đánh giá để điều chỉnh nội dung phương pháp dạy học.

Các báo cáo đều bàn đến các năng lực Ngữ văn của học sinh và đề xuất kiểm tra đánh giá phải phát huy được những năng lực này và đều đề xuất việc ra đề kiểm tra, đề thi theo hướng mở, tích hợp các phân môn trong môn Ngữ văn và tích hợp liên môn, gắn với các vấn đề cuộc sống.

Chi tiết các báo cáo tham luận tại Hội thảo xem TẠI ĐÂY
Nhiều báo cáo cho rằng nên sử dụng câu hỏi trắc nghiệm kết hợp với câu hỏi tự luận để đánh giá năng lực Ngữ văn của học sinh, thay vì chỉ sử dụng câu hỏi tự luận như hiện nay. Về câu hỏi trắc nghiệm nên vận dụng cách làm của PISA.

Tuy nhiên, cách hiểu về năng lực Ngữ văn của học sinh trong các báo cáo còn nhiều điểm khác biệt. Có báo cáo quan niệm rộng, đầy đủ: Năng lực Ngữ văn bao gồm năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết) và năng lực Văn học (tiếp nhận, cảm thụ văn học và sáng tác văn học). Có báo cáo quan niệm hẹp, chưa đầy đủ: Chỉ bao gồm năng lực văn học.

Cách hiểu về đề mở và đáp án hướng dẫn chấm mở chưa thống nhất, nhiều báo cáo còn chưa hiểu đúng về đề mở, đáp án hướng dẫn chấm mở. Đặc biệt có báo cáo đã nêu được những đề mở rất hay, nhưng đáp án/hướng dẫn chấm lại không mở (vẫn nêu hệ thống ý mà học sinh cần phải trình bày và biểu điểm cụ thể cho từng ý).

Bên cạnh đó, ít có báo cáo đề cập đến tính phân hóa trong đề thi, đề kiểm tra.

Ít có báo cáo đề cập đến việc đa dạng hóa các hình thức đánh giá (như: phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học và đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy và tự đánh giá của người học, đánh giá của nhà trường và đánh giá của gia đình, của xã hội).

Đây chính là những vấn đề sẽ được bàn sâu trong Hội thảo hôm nay.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cùng lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) lắng nghe ý kiến của các đại biểu
 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cùng lãnh đạo Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) lắng nghe ý kiến của các đại biểu

Những ý kiến tâm huyết 

Tại hội thảo, các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với chủ trương của Bộ GD&ĐT đổi mới cách ra đề theo hướng đánh giá năng lực. Nhiều ý kiến cho rằng, năng lực về Văn, Tiếng Việt không nên cố định vào những tác phẩm đã học trong sách giáo khoa mà có thể dẫn từ nguồn khác với yêu cầu đảm bảo tính tương đương, không quá xa lạ với học sinh.

TS Trần Văn Toàn - ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng nếu đã đổi mới khâu ra đề, cần có những đổi mới trong  yêu cầu, cách chấm. Có thể năm đầu tiên sẽ kết quả sẽ không cao, nhưng khẳng định đây là hướng đi đúng, cần kiên định làm để học sinh có thể phát huy được năng lực, sở trường của mình, nâng cao chất lượng học tập môn Ngữ văn trong trường phổ thông.

PGS Bùi Mạnh Nhị phát biểu tại Hội thảo 

PGS. TS Bùi Mạnh Nhị - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại Hội thảo với tư cách là một phụ huynh, có con đang học phổ thông. Ông cho rằng trong đổi mới ra đề thi môn Ngữ văn, cần thay đổi quan niệm thế nào là bám chương trình, bám sách giáo khoa? Quan trọng nhất là cho học sinh cách làm bài, cách suy nghĩ chứ không phải làm theo văn mẫu.

Trong thực tế, khi có đề Văn mở, học sinh rất say mê hứng thú tìm tài liệu để làm bài. Tuy nhiên, một số đề thi ví dụ trong hội thảo, dù rất hay nhưng dường như quá sức với học sinh.

Có đại biểu nêu đề xuất  các nhân vật trong các tác phẩm có số phận, có kết cấu, nên chăng nội dung đề thi cho phép tái tạo nhân vật theo tư duy của học sinh? Ví dụ: Nếu Chí Phèo không gặp Thị Nở, câu chuyện sẽ tiếp diễn như thế nào?

Cô Phạm Thị Huệ - Sở GD&ĐT Nam Định – nêu hai băn khoăn trong việc đổi mới kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn: Thứ nhất, việc chuẩn bị kỹ năng làm bài cho học sinh khi thời gian làm bài môn thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT giảm đi. Thứ hai, hình dung của giáo viên về tỷ lệ điểm của phần đọc hiểu và phần làm văn trong đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn là bao nhiêu? Liệu phần đọc hiểu ra theo hướng tích hợp hay là những câu hỏi rời rạc?

Đưa ra những đề xuất cụ thể về đề thi tốt nghiệp THPT, bà Nguyễn Thị Hường - Sở GD&ĐT Lào Cai cho rằng cách hỏi nên phù hợp với học sinh đại trà; phần đọc hiểu nên để 30% - 40% tổng điểm. Với phần làm văn đề xuất có thể vận dụng dạng đề nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học và chỉ nên để một câu để học sinh có thời gian nghiên cứu, thể hiện suy nghĩ của mình làm bài một cách tốt nhất. 

Cô Triệu Thị Huệ - Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM) ủng hộ cách chia thang điểm theo 2 phần, trong đó phần đọc hiểu 5 điểm.  

Từ thực trạng Giáo dục Hải Duơng, dù đã có những chỉ đạo sát sao về đổi mới kiểm tra, đánh giá nhưng bản thân các thầy cô giáo - kể cả những người có năng lực - vẫn chưa dám ghi nhận những sáng tạo của học trò, cho các em điểm cao, bà Nguyễn Thị Thu Thanh - đại diện Sở GD&ĐT Hải Dương - đề nghị: Đổi mới có nhiều yếu tố, nhưng việc cần làm ngay là thay đổi nhận thức của các thầy cô giáo trong biên soạn đề theo hướng mở, chấm mở và trân trọng những cái mới của học sinh.

Trước một số ý kiến băn khoăn về việc giảm thời gian làm bài thi môn Ngữ văn và sự đổi mới cần có thời gian, lộ trình để học sinh, giáo viên chuẩn bị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Đã từ lâu, Bộ GD&ĐT không có cấu trúc đề thi mà nói đến ma trận đề thi.

Không nói đến cấu trúc đề thi nhưng Bộ có nói về hình thức ra đề. Theo đó, có một phần đọc hiểu, theo cách đưa ra một văn bản, sau đó dựa vào văn bản đó để hỏi, hỏi như thế nào thì vận dụng cách đánh giá của PISA; cùng đó là một bài viết.

Thứ trưởng khẳng định: Chúng ta đã dạy học theo cách mới nhưng chưa được nhiều vì vẫn kiểm tra theo cách cũ; giáo viên chưa làm quen với ra đề mở, hướng dẫn chấm mở. Nên chăng năm nay chúng ta có sự thay đổi mạnh mẽ hơn các năm trước, phải quyết tâm thay đổi mạnh hơn.

“Trước hai mục tiêu, một là giáo dục hướng tới phát triển năng lực người học, hai là cân đối với điều kiện dạy học cụ thể, tôi cho rằng, ưu tiên hướng tới điều thứ nhất - tức chất lượng dạy học và mục tiêu giáo dục.” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.

Hệ thống phòng không Patriot.

Nhận thêm Patriot để chặn Oreshnik?

GD&TĐ - Đức cùng Đan Mạch đã cung cấp cho Ukraine thêm 15 xe tăng Leopard, gửi một hệ thống IRIS-T SLS, một IRIS-T SLM và tăng cường Patriot.

Rashford công khai đòi rời Man Utd

Rashford công khai đòi rời Man Utd

GD&TĐ - Marcus Rashford tuyên bố "sẵn sàng cho thử thách mới" sau khi bị gạch tên khỏi trận Man Utd thắng Man City 2-1 ở vòng 16 Ngoại hạng Anh.