Rèn văn minh thanh lịch từ dạy học Văn

GD&TĐ - Trong quá trình dạy học, cô Lê Thị Thương - Giáo viên Trường THPT Ba Vì (Hà Nội) đã khéo léo lồng ghép giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch - một yêu cầu dạy học của Ngành Giáo dục Thủ đô - trong giảng dạy môn Ngữ văn.

Rèn văn minh thanh lịch từ dạy học Văn

Nhấn mạnh giáo dục nếp sống văn hóa thanh lịch, văn minh của người Hà Nội không phải là một bộ môn riêng biệt mà chỉ là cách tiếp cận bộ môn, cô Lê Thị Thương lưu ý, chỉ tích hợp với những bài có nội dung thật sự liên quan đến nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.

Đồng thời, phải đảm bảo đặc trưng của môn học, không biến giờ học Ngữ văn thành giờ học giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh. Bên cạnh đó, phải đảm bảo kiến thức cơ bản, tính logic của nội dung bài học, không làm quá tải lượng kiến thức và tăng thời gian của bài học...

Có thể tích hợp nội dung giáo dục nếp sống văn hóa thanh lịch, văn minh của người Hà Nội ở mức độ toàn phần. Theo đó, mục tiêu và nội dung của bài học phù hợp hoàn toàn với mục tiêu và nội dung của giáo dục nếp sống văn hóa thanh lịch, văn minh của người Hà Nội .

Mức độ bộ phận: Chỉ có một phần bài học có mục tiêu và nội dung giáo dục liên quan và mức độ liên hệ: Có điều kiện liên hệ một cách logic, trực tiếp như đi tham quan lễ hội hoặc viện bảo tàng dân tộc học.

Khảo sát nội dung chương trình Ngữ văn lớp 12, cô Thương cho rằng, có 2 bài học có thể tích hợp được nội dung này; đó là: “Một người Hà Nội” (Nguyễn Khải), “Mùa lá rụng trong vườn” (Ma Văn Kháng).

Với bài “Mùa lá rụng trong vườn”, ngoài cung cấp cho học sinh kiến thức của bài học, cô Lê Thị Thương đã lồng ghép giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh để học sinh hiểu rừ hơn về ngày tết cổ truyền của dân tộc nói chung của người Hà Nội nói riêng.

Với những nét độc đáo trong sắm mâm ngũ quả ngày tết, làm bữa cơm tất niên để cúng tổ tiên. Và thấy được nét đẹp đó của người Hà Nội đang thay đổi theo nền kinh tế thị trường như thế nào, nhằm giúp học sinh ý thức hơn trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa đó .

Bài “Một người Hà Nội”, có thể vận dụng kiến thức trong nội dung bài học để liên hệ thực tế có liên quan đến nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội thông qua nhân vật cô Hiền.

Cụ thể, hướng dẫn học sinh tìm hiểu vẻ đẹp và phẩm chất của nhân vật cô Hiền và cách nhân nhận của cụ về góc độ văn hoá của Hà Nội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và khi đất nước hòa bình.

Trong lời vào bài, cho học sinh xem một đoạn clip về văn hóa, phong tục nếp sống của người Hà Nội. Trong quá trình tìm hiểu vẻ đẹp của Hà Nội ở góc độ thiên nhiên, cho học sinh xem một số hình ảnh về phố cổ Hà Nội.

Khi tìm hiểu vẻ đẹp của cô Hiền và phẩm chất của người Hà Nội, học sinh sẽ được xem clip về cách ứng xử văn hóa, các lễ hội của người Hà Nội và một số thông tin mang tính thời sự về những nét đẹp đó và đang bị mai một do nếp sống xô bồ của thị trường…

Cô Thương cho biết, khi dạy những bài này, nên sử dụng giáo án điện tử, bởi sẽ rất thuận lợi khi cung cấp hình ảnh, clip về hiện trạng nếp sống thanh lịch,văn minh của người Hà Nội hiện nay, giúp học sinh tiếp xúc bài học và nội dung lồng ghép một cách sinh động, trực quan.

“Việc giáo dục ý thức trách nhiệm bảo vệ nếp sống thanh lịch, văn minh của Hà Nội cho học sinh không phải là một sớm, một chiều, không phải chỉ dừng lại ở một cấp học. 

Do đó người giáo viên cần kiên trì phối hợp với các chương trình tuyên truyền, giáo dục cộng đồng; phối hợp một cách đồng bộ để thực hiện nội dung giáo dục này có hiệu quả hơn” - cô Thương nhấn mạnh thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ