Hấp dẫn từ những câu hỏi lạ
Từ thực tế giảng dạy, cô Nguyễn Thị Huệ (Trường THPT Hoằng Hóa 4, Thanh Hóa) cho rằng, khắc phục tình trạng này, có thể sử dụng phương pháp nâng cao chất lượng của giờ dạy - học bằng cách tăng cường hình thức hỏi đáp, đàm thoại giữa giáo viên và học sinh, rèn cho học sinh bản lĩnh tự tin, khả năng diễn đạt một vấn đề trước tập thể.
Muốn thực hiện điều đó, theo cô Huệ, đòi hỏi giáo viên phải xây dựng được hệ thống câu hỏi phù hợp với yêu cầu bài học, hấp dẫn, sát đối tượng, xác định được vai trò, chức năng của từng câu hỏi, mục đích hỏi, các yếu tố kết nối các câu hỏi, thứ tự hỏi.
Giáo viên cũng cần dự kiến các phương án trả lời của học sinh để có thể chủ động thay đổi hình thức, cách thức, mức độ hỏi, có thể dẫn dắt qua các câu hỏi phụ tránh đơn điệu, nhàm chán, nặng nề, bế tắc, tạo hứng thú học tập của học sinh và tăng hấp dẫn cho giờ học.
“Để có được những giờ dạy - học Văn có hiệu quả, tôi thường phải đầu tư thời gian, công sức cho việc tìm hiểu, xây dựng hệ thống câu hỏi đàm thoại.
Thường tôi phải chuẩn bị hệ thống câu hỏi cho một bài giảng trước đó một tuần thông qua đọc sách, thu thập tư liệu trên Internet, tiếp thu từ đồng nghiệp, kết hợp với tư duy khoa học của bản thân.
Để hướng dẫn học sinh chuẩn bị soạn bài ở nhà, ngoài hệ thống câu hỏi trong sách giáo khoa, tôi thường hướng dẫn các em đọc tài liệu tham khảo có đề cập đến nội dung các câu hỏi sẽ sử dụng trong bài giảng.
Tôi tuyệt đối không tung hệ thống câu hỏi trước để học sinh chuẩn bị, vì như thế vô hình trung sẽ tạo sự đơn điệu của giờ học khi các em đã chuẩn bị sẵn, đứng lên đọc như một cái máy” - cô Huệ chia sẻ.
Tạo bầu không khí văn chương
Để có những câu hỏi tạo được không khí văn chương, cô Huệ cho rằng, những câu hỏi này phải luôn luôn phải chứa đựng tính phức tạp, đôi khi có dạng mâu thuẫn, làm cho học sinh không dễ trả lời (trên nền nội dung của tác phẩm, cần tìm ra những ý ngầm của tác phẩm đó).
Câu hỏi phải làm nhiệm vụ thu hút, lôi cuốn học sinh, phải đáp ứng nhu cầu và có khả năng xâu chuỗi các phạm vi hiểu biết của các em, đồng thời phải tương ứng với bản chất của văn chương, với lôgic khoa học về văn học.
Đồng thời, phải có khả năng bao quát không chỉ những sự kiện cụ thể mà còn bao quát một hệ thống các dữ liệu.
Ví dụ, trong bài giảng Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu), khi dạy phần “Hai phát hiện của người nghệ sĩ nhiếp ảnh”, giáo viên cần sử dụng những câu hỏi sau để đưa học sinh đi từ đơn giản đến phức tạp, đến tình huống có vấn đề, tạo sự bùng nổ để đốt lên không khí văn chương trong giờ học.
Cụ thể, câu hỏi 1: Phát hiện thứ nhất của người nghệ sĩ nhiếp ảnh tại vùng biển nọ là “một cảnh đắt trời cho”. Anh (chị) hiểu một “cảnh đắt trời cho” ở đây nghĩa là thế nào? Và vì sao người nghệ sĩ lại gọi cái cảnh tượng ấy như vậy?
Câu hỏi 2: Cảm nhận của người nghệ sĩ khi được chiêm ngưỡng “bức ảnh nghệ thuật của tạo hóa” là thế nào? Vì sao trong lúc cảm nhận vẻ đẹp của bức tranh, anh lại nghĩ đến lời đúc kết của một ai đó “bản thân cái đẹp chính là đạo đức”?
Câu hỏi 3: “Bản thân cái đẹp chính là đạo đức”, suy nghĩ của nghệ sĩ Phùng giúp anh (chị) liên tưởng tới quan niệm nghệ thuật của những ai trong trào lưu Văn học lãng mạn Việt Nam 1930 – 1945.
Câu hỏi 4: Tuy nhiên ngay khi tâm hồn đang bay bổng trong những xúc cảm thẩm mĩ, đang tận hưởng cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn thì người nghệ sĩ nhiếp ảnh đã kinh ngạc phát hiện ra điều gì tiếp theo ngay sau bức tranh? Vì sao anh lại kinh ngạc đến mức như vậy ?
Câu hỏi 5: Qua hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng, Nguyễn Minh Châu muốn người đọc nhận thức gì về cuộc đời?
Câu hỏi 6: (Câu hỏi nêu tình huống có vấn đề) Giả sử có ai đó muốn can thiệp vào tác phẩm của nhà văn bằng cách đảo vị trí hai phát hiện này, tức là để cho người nghệ sĩ chứng kiến bi kịch của gia đình hàng chài hôm trước rồi sáng hôm sau mới phát hiện vẻ đpẹ của cảnh biển mờ sương.
Theo anh (chị), điều đó có được không? Vì sao? Từ đó anh (chị) hãy đọc ra ý tưởng nghệ thuật của nhà văn về cách nhìn nhận và đánh giá con người vào mọi sự vật, hiện tượng trong đời sống.
Bầu không khí văn chương, theo cô Huệ, đôi khi hình thành ngay cả ở dạng những câu hỏi cắt nghĩa một khái niệm, một tiêu đề của tác phẩm hay khi cả giáo viên và học sinh khám phá ra tính mâu thuẫn của ấn tượng ban đầu.