Dạy Văn học nước ngoài: Trở ngại và giải pháp

GD&TĐ - Việc dạy học văn học nước ngoài ở trường tiểu học vẫn còn bị xem nhẹ do tâm lý coi trọng tiếng Việt, chưa gắn kết nội dung dạy học với giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống và giáo dục thẩm mỹ.

Dạy Văn học nước ngoài: Trở ngại và giải pháp

Thụ động trong dạy học

Để thấy được tình hình dạy học Văn học nước ngoài ở bậc tiểu học hiện nay, TS Nguyễn Thị Thu Thủy (Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh) và nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát ý kiến của cả giáo viên và học sinh tại một số trường công lập ở TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương

Kết quả khảo sát, có tới 72,72% giáo viên thường xuyên sử dụng sách giáo viên làm nguồn tham khảo chính, trong khi đó có hơn 80% giáo viên không bao giờ sử dụng các tài liệu nước ngoài cũng như những sách về tác giả và tác phẩm Văn học nước ngoài để tham khảo.

Điều này cho thấy phần đông giáo viên ít quan tâm đến sách báo, tài liệu mở rộng, nguồn có thể cung cấp phương pháp dạy học mới, tích cực và sáng tạo hơn.

Chỉ có 16,36% giáo viên thường xuyên tổ chức các hoạt động học tập trong các tiết dạy; 32,72% hiếm khi hoặc không bao giờ tổ chức các hoạt động cho học sinh. 

Điều đó chứng tỏ việc dạy học các tiết học hiện nay còn khá thụ động và chưa thực sự giúp học sinh tự sản sinh ra kiến thức cho bản thân...

Khảo sát của TS Nguyễn Thị Thu Thủy cũng cho thấy rõ, hiện nay, việc dạy học Văn học nước ngoài ở tiểu học gặp nhiều khó khăn. Giáo viên là người nhìn thấy rõ ràng nhất những khó khăn này.

Đa số giáo viên cho rằng học sinh thường khó phát âm, khó viết và khó nhớ tên nhân vật nước ngoài. Bên cạnh đó, những địa danh, địa điểm trong tác phẩm rất xa lạ với học sinh, không tạo được sự hứng thú ở các em.

Đặc biệt, những trường ở nông thôn, việc tìm tài liệu về Văn học nước ngoài gặp nhiều khó khăn do địa bàn xa nhà sách và điều kiện vật chất không cho phép.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của người giảng dạy Văn học nước ngoài là nguồn tài liệu tham khảo. 96% giáo viên được khảo sát cho rằng, việc thiếu sách về tác giả, tác phẩm nước ngoài là rào cản lớn nhất trong việc dạy mảng văn học này.

Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng rất quan trọng đến việc dạy và học.

“Ở tiểu học, tình hình dạy Văn học nước ngoài hiện nay còn nhiều bất cập. Các Sở GD&ĐT từ lâu chưa có kế hoạch chỉ đạo cho việc dạy học mảng Văn học nước ngoài và coi đó như những bài tập đọc khác.

Bộ GD&ĐT đã có những văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình, sách giáo khoa và chỉ đạo dạy học phù hợp với đối tượng học sinh ở các vùng miền khác nhau.

Tuy nhiên, không ít giáo viên vẫn lúng túng khi vận dụng chương trình, sách giáo khoa để dạy cho các đối tượng học sinh khác nhau” - TS Nguyễn Thị Thu Thủy nhận định.

Giáo viên quyết định sức hấp dẫn môn học

Bộ tài liệu Hướng dẫn thực hiện Chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học ở tiểu học do Bộ GD&ĐT biên soạn hiện là giải pháp cơ bản đảm bảo cho việc dạy học ở tiểu học đạt mục tiêu đề ra, góp phần khắc phục tình trạng “quá tải” trong giảng dạy, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học.

Tài liệu này được soạn theo kế hoạch dạy học qui định và dựa theo các bài học trong sách giáo khoa đang được sử dụng trong các trường tiểu học trên toàn quốc.

Tài liệu đề cập tới nội dung yêu cầu cần đạt. Đây là các yêu cầu cơ bản, tối thiểu mà tất cả học sinh cần phải đạt được sau học nhằm đảm bảo cho mọi đối tượng học sinh đều đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng của các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

Mục ghi chú đề cập những ý cụ thể nhằm làm rõ mức độ cần đạt hoặc phạm vi mở rộng, phát triển đối với tất cả các môn học.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Thu Thủy, trên thực tế, Hướng dẫn chuẩn kiến thức và kỹ năng chỉ là con đường cơ bản để tiếp cận với tác phẩm văn học.

Sự hiểu biết, khả năng cảm thụ văn học của giáo viên mới là chiếc cầu nối liền giữa học sinh với tác phẩm văn học, tạo nên quá trình cảm thụ văn học đi từ tác phẩm đến học sinh và tác động tích cự trở lại đối với nhân cách, tâm hồn của chính các em.

Cũng theo TS Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên nên có tài liệu tham khảo tập hợp những câu chuyện hay nhất về mảng Văn học nước ngoài. Ngoài dạy trên lớp, giáo viên nên mở rộng kiến thức cho học sinh bằng các giờ ngoại khóa, xem phim, đọc truyện…

“Tiếp nhận và cảm thụ Văn học nước ngoài là một quá trình liên tục và lâu dài, thậm chí còn rất gian khổ. Điều đó, đòi hỏi người giáo viên tiểu học không chỉ đọc được nhiều tác phẩm văn học, biết và suy ngẫm về cuộc đời của các tác gia văn học mà còn phải rung động thực sự trước các tác phẩm văn học. Có như vậy, họ mới là những kỹ sư tâm hồn thắp sáng trái tim và trí tuệ của tuổi thơ”                                                                                                 TS Nguyễn Thị Thu Thủy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.