Nâng cao hợp tác giáo dục Việt Nam - Campuchia

GD&TĐ - Sáng nay (30/10), tại Trường ĐH Trà Vinh diễn ra Hội nghị tổng kết hợp tác giáo dục Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2011 - 2015.

Nâng cao hợp tác giáo dục Việt Nam - Campuchia

Đến dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga; ông Lê Hồng Liêm - Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia khu vực phía Nam; lãnh đạo tỉnh Trà Vinh và đại diện lãnh đạo các trường ĐH, CĐ, các Sở GD&ĐT.

Đào tạo lưu học sinh có nhiều khởi sắc

Năm 2015, Chính phủ Việt Nam cấp cho Chính phủ Campuchia 1.045 suất học bổng dài hạn và ngắn hạn các chuyên ngành kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, quốc phòng, an ninh…
Hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Campuchia được triển khai trên cơ sở biên bản thỏa thuận tại các kỳ họp hằng năm của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và Nghị định thư về hợp tác giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011 - 2015 giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Vương quốc Campuchia.

Theo báo cáo của Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT, sau 5 năm thực hiện, công tác đào tạo lưu học sinh có nhiều khởi sắc, đến nay số lưu học sinh Campuchia theo diện học bổng thường xuyên có mặt tại Việt Nam hằng năm khoảng 600 người. Trong đó tiếp nhận mới 110 suất học bổng hệ ĐH, sau ĐH cho cán bộ, SV Campuchia theo học các chuyên ngành kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Số lưu học sinh tự túc hằng năm tiếp nhận khoảng 200 người, chủ yếu đăng ký học ngành y và tập trung tại một số tỉnh biên giới.

Hiện có khoảng 3.000 lưu học sinh Campuchia đang theo học tại các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam diện Hiệp định và diện tự túc, trong đó số SV học sau ĐH chiếm khoảng 20 - 25%. Các chuyên ngành thu hút nhiều SV Campuchia là y, dược, nông nghiệp, kinh tế, kiến trúc, kỹ thuật - công nghệ…

Về tình hình lưu học sinh Việt Nam tại Campuchia, theo diện Hiệp định, hằng năm Chính phủ Hoàng gia Campuchia cấp 15 suất học bổng cho cán bộ, SV Việt Nam theo học tại các trường ĐH của Campuchia bậc ĐH. Ngoài ra Campuchia cũng cấp cho Việt Nam 20 học bổng ngắn hạn học tiếng Khmer trong vòng 2 năm tại Campuchia. Hiện có khoảng 200 SV Việt Nam đang học tập tại Campuchia.

Nghị định thư về hợp tác GD&ĐT giai đoạn 2011 - 2015 đã được hai phía triển khai nghiêm túc theo tinh thần đã thỏa thuận. Chất lượng đào tạo được quan tâm. Công tác quản lý lưu học sinh trong các cơ sở đào tạo đảm bảo tốt, an toàn. Công tác quản lý lưu học sinh Campuchia tại Việt Nam được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành các cơ sở GD của Việt Nam và sự quan tâm của Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam. 

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các cơ sở GD đều có ý thức trách nhiệm cao trong việc từng bước nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh…

Chung tay tăng cường hiệu quả hợp tác

Theo đánh giá của các đại biểu, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn một số khó khăn trong đào tạo lưu học sinh Campuchia như chế độ học bổng của lưu học sinh diện Hiệp định còn khá khiêm tốn so với nhu cầu sinh hoạt và học tập của lưu học sinh Lào và Campuchia.

Điều kiện sinh hoạt và học tập ở một số cơ sở đào tạo còn khó khăn, đặc biệt là chỗ ở cho lưu học sinh còn chật chội, thiếu thốn. SV Campuchia chưa được học tiếng Việt như một môn ngoại ngữ trong suốt quá trình học ĐH tại Việt Nam. Việc trao đổi đoàn công tác cấp Bộ còn ít nên công tác triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác còn hạn chế. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý với các cơ sở đào tạo chưa được chặt chẽ…

Tại hội nghị, các đại biểu đề xuất một số biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác như: Bộ GD&ĐT cần chủ động hơn nữa trong việc trao đổi các đoàn lãnh đạo cấp cao hằng năm, nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác. Cần trao đổi thống nhất trong việc tiếp tục ký Nghị định thư về hợp tác GD giai đoạn 2016 - 2020 và tiếp tục xây dựng và ký kết các kế hoạch hợp tác hằng năm giữa hai bộ.

Tạo điều kiện để tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là ở khu vực các tỉnh biên giới hai nước. Khuyến khích đa dạng hóa các phương thức hợp tác đào tạo. Khuyến khích các cơ sở đào tạo thu hút lưu học sinh Campuchia sang học ĐH và sau ĐH bằng tiếng nước ngoài (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp).

Về thời gian học tiếng Khmer, đối với lưu học sinh Việt Nam đi học nên có 2 khóa học riêng: từ 3 - 6 tháng cho người đã biết tiếng Khmer đi học nâng cao (10 - 15 học bổng) và khóa 2 năm cho người chưa biết tiếng Khmer (10 - 15 học bổng).

Về phía Campuchia, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao sớm lập kế hoạch tuyển sinh và phối hợp với Bộ GD&ĐT Việt Nam tổ chức thi tuyển đầu vào cho lưu học sinh học ĐH. Những thay đổi chuyên ngành và chuyển trường của lưu học sinh phải do Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia quyết định (thông qua kênh ngoại giao) để tránh tình trạng mất cân đối về đào tạo nguồn nhân lực cho phía Campuchia.

Phía Campuchia ưu tiên dành nhiều suất học bổng sau ĐH các ngành nghề mà Việt Nam có thế mạnh như Nông - Lâm nghiệp, Thủy sản, Y, Dược, Công nghệ thông tin và dành một số học bổng cho con em Việt kiều đang sinh sống tại Campuchia…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đánh giá cao hợp tác giáo dục Việt Nam - Campuchia trong thời gian qua, đây là mối quan hệ tốt đẹp và có truyền thống lâu đời, đồng thời nhấn mạnh:

Từ khi có hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Campuchia, Bộ GD&ĐT đã nghiêm túc triển khai, qua đó công tác quản lý lưu học sinh Campuchia được đảm bảo tốt. Các cơ sở có tiếp nhận lưu học sinh Campuchia đã nỗ lực đào tạo và tạo điều kiện sinh hoạt, ăn, ở. Từ đó đã góp phần thúc đẩy hợp tác đào tạo giữa Việt Nam và Campuchia đạt được những kết quả khả quan. Sự thành công đó có sự phối hợp, nỗ lực của Bộ GD&ĐT cùng các bộ, ngành liên quan và các cơ sở giáo dục có tiếp nhận lưu học sinh…

Việc hợp tác đào tạo giữa Việt Nam và Campuchia mang ý nghĩa lớn, giúp nước bạn Campuchia phát triển kinh tế, xã hội và qua đó còn tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị, bền vững giữa hai nước… Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu các ý kiến đề xuất để có giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giáo dục đào tạo Việt Nam - Campuchia trong thời gian tới.

Nâng cao hợp tác giáo dục Việt Nam - Campuchia ảnh 1Nâng cao hợp tác giáo dục Việt Nam - Campuchia ảnh 2Nâng cao hợp tác giáo dục Việt Nam - Campuchia ảnh 3Nâng cao hợp tác giáo dục Việt Nam - Campuchia ảnh 4Nâng cao hợp tác giáo dục Việt Nam - Campuchia ảnh 5

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.