(GD&TĐ) - Dự thảo Luật GD ĐH đã được thông qua tại Phiên họp chuyên đề của Chính phủ ngày 15/9 và chuẩn bị trình Quốc Hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2011. Để thông tin rộng rãi tới bạn đọc về mục tiêu của dự thảo Luật, Báo GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn với GS.TSKH. Bùi Văn Ga, Thứ Trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Trưởng Ban thường trực Ban soạn thảo Luật GD ĐH.
PV: Thưa Thứ trưởng, mục tiêu cơ bản của dự thảo Luật GD ĐH là gì?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga |
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Mục tiêu cơ bản của dự thảo Luật GD ĐH là tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động GD ĐH nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay và chuẩn bị nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức trong giai đoạn tiếp theo. Có thể nói nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân là mục tiêu xuyên suốt của bản dự thảo Luật GD ĐH.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng như ngày nay, GD ĐH phải đào tạo những con người có kiến thức sâu rộng, kỹ năng thực hành thành thạo, có tư duy độc lập, năng động, sáng tạo, để có thể nhanh chóng thích nghi với mọi điều kiện, môi trường công tác và yêu cầu của nhà tuyển dụng. Vì vậy nâng cao khả năng tư duy và năng lực sáng tạo, tự học tập, nghiên cứu của SV là yêu cầu hàng đầu. Trong điều 4 của dự thảo Luật đã nhấn mạnh đến một trong những mục tiêu cơ bản của GD ĐH là: “năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học công nghệ” cũng như “khả năng sáng tạo” của SV để “thích nghi với môi trường làm việc”.
PV: Để đào tạo được đội ngũ cán bộ theo mục tiêu trên thì suất đầu tư cho mỗi SV phải đủ lớn trong khi suất đầu tư của nước ta hiện nay còn quá thấp so với các nước phát triển. Dự thảo Luật lần này giải quyết bài toán suất đầu tư và chất lượng như thế nào?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Để đáp ứng mục tiêu cơ bản của GD ĐH là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, một mặt, cơ sở GD ĐH phải chủ động, sáng tạo trong đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy và phát triển nghiên cứu khoa học, ứng dụng, gắn đào tạo với sử dụng, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và mặt khác, cơ sở vật chất, thiết bị, giáo trình, tài liệu,… phục vụ đào tạo cần phải được tăng cường đầu tư đúng mức, có chiều sâu.
Trong điều kiện hiện nay, chúng ta chưa đủ điều kiện đầu tư đồng loạt cho tất cả các trường, các ngành, các lĩnh vực để thực hiện mục tiêu đào tạo này. Vì vậy, Nhà nước cần tập trung nguồn lực đầu tư một số trường ĐH trọng điểm, ĐH xuất sắc. Các trường trong hệ thống chủ động chọn những ngành có thế mạnh, có đủ điều kiện để phát triển thành các chương trình chất lượng cao, các chương trình tiên tiến. Để hỗ trợ cho các trường phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, đặc biệt các ngành mũi nhọn mà nước ta chưa có nhiều kinh nghiệm, Chính phủ có chính sách phù hợp nhằm giúp các trường phát triển hoạt động hợp tác quốc tế, quy định chính sách đầu tư, chế độ đãi ngộ nhằm thu hút các nhà khoa học quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho các trường ĐH Việt Nam (điều 40).
Các chương trình chất lượng cao theo chuẩn mực quốc tế như trên cần có suất đầu tư lớn mà nếu chỉ dựa vào các qui định về mức thu học phí của các trường công lập như hiện nay chúng ta khó có thể thực hiện được. Vì vậy, trên cơ sở Nghị Quyết số 50 ngày 19/6/2010 của Quốc Hội khóa 12, dự thảo Luật GD ĐH đã quy định cho phép các cơ sở GD ĐH công lập được xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao với mức thu học phí tương ứng để đảm bảo mức chất lượng đã cam kết (điều 63).
Như vậy với quy định của dự thảo Luật GD ĐH, các trường không còn bị rào cản về kinh phí đầu tư cho mỗi SV để nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường chủ động xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng tương ứng với các trường ĐH của các nước phát triển và công khai chi phí đào tạo. Chi phí phụ trội của các chương trình này một phần được nhà nước hỗ trợ thông qua đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ, một phần khác do người học chi trả thông qua học phí. SV trả học phí cao để theo học các chương trình chất lượng cao, đó là sự đầu tư tốt cho tương lai.
(ảnh minh họa: Internet) |
PV: Thưa Thứ trưởng, mối quan hệ giữa qui mô và chất lượng đào tạo là bài toán khó giải mà các quốc gia đang phát triển thường phải đối mặt. Trong dự thảo Luật GD ĐH bài toán này được giải như thế nào?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Chất luợng GD ĐH là một phổ rộng trong một hệ thống đa dạng các trường ĐH bao gồm các ĐH nghiên cứu, các ĐH đa ngành hướng về kỹ thuật ứng dụng và các trường cao đẳng đào tạo kỹ thuật viên. Sự phân tầng ĐH như vậy để đảm bảo hài hòa cơ cấu nhân lực hoạt động trong mọi ngành kinh tế. Nó cũng giúp cho người sử dụng lao động dễ dàng chọn được nhân sự theo nhu cầu của mình. Đồng thời nó cũng giúp cho các trường ĐH khẳng định được thương hiệu theo mục tiêu đào tạo đã chọn. Khi đó việc đánh giá chất lượng SV dựa trên sự so sánh chất lượng của nhóm trường cùng mục tiêu đào tạo. Không thể đánh giá chính xác chất lượng SV tốt nghiệp ở trường ĐH nghiên cứu khi giao những việc mang tính ứng dụng hay ngược lại, không thể đánh giá đúng chất lượng SV tốt nghiệp trường ĐH ứng dụng khi giao công việc chuyên sâu về nghiên cứu cơ bản.
Nếu như Luật GD khẳng định giá trị pháp lý của bằng ĐH là như nhau, không phân biệt loại hình trường và phương thức đào tạo thì trong dự thảo Luật GD ĐH, giá trị của văn bằng được cụ thể hóa thông qua chất lượng của cơ sở đào tạo. Dự thảo Luật cho phép các cơ sở GD ĐH được in ấn phôi văn bằng, cấp văn bằng GD ĐH cho người học, chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo và giá trị văn bằng (điều 32). Như vậy, chất lượng đào tạo gắn liền với tên tuổi của nhà trường thể hiện qua văn bằng cấp cho SV tốt nghiệp. Xã hội và nhà sử dụng lao động đánh giá chất lượng đào tạo của nhà trường thông qua chất lượng SV tốt nghiệp với văn bằng do trường cấp. Bộ GD&ĐT quy định những điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng tối thiểu của các cấp học.
Song song với việc phân tầng hệ thống các trường ĐH, nhà nước khuyến khích xã hội hóa GD để nhanh chóng mở rộng qui mô đào tạo, phục vụ nhu cầu học tập của người dân (điều 10) thông qua việc cho phép thành lập các trường ĐH tư thục và trường ĐH có vốn đầu tư nước ngoài. Dù là loại hình trường nào đi nữa, các cơ sở GD ĐH đều bình đẳng trong hoạt động chuyên môn. Đầu tư cho ĐH là loại hình đầu tư đặc thù, mang tính lâu dài, đem lại lợi ích cho xã hội, cho công đồng. Vì vậy dự thảo Luật đưa ra những điều khoản một mặt, đảm bảo quyền lợi của người học và mặt khác, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư để khuyến khích tập thể, cá nhân đầu tư cho GD. Theo đó, Nhà nước miễn thuế đối với những khoản kinh phí mà nhà trường dùng để tái đầu tư phát triển GD. Ngược lại phần lợi nhuận phân chia cho người góp vốn sẽ phải chịu thuế theo qui định của Pháp luật về thuế (điều 64). Như vậy trường hoạt động “vì lợi nhuận” hay “không vì lợi nhuận” phụ thuộc vào thực tế cơ cấu chi tiêu tài chính hằng năm của nhà trường chứ không phải dựa vào “tuyên bố” của nhà đầu tư. Nguyên tắc “hậu kiểm” này đảm bảo sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà đầu tư cho GD, giúp cho chủ trương xã hội hóa GD ĐH đi theo đúng quy định của Luật GD.
PV: Như vậy có thể thấy được quyết tâm của ban soạn thảo Luật GD ĐH về kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố hoạt động của các trường, trong đó quyền tự chủ của nhà trường có ý nghĩa quan trọng. Dự thảo Luật có đề ra những cơ chế, chính sách nhằm tăng cường quyền tự chủ cho các trường không?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo của trường ĐH là cạnh tranh lành mạnh. Các điều kiện đảm bảo chất lượng của các chương trình đào tạo cần được kiểm định và đánh giá bởi một tổ chức kiểm định chất lượng GD ĐH độc lập. Các cơ sở GD ĐH có trách nhiệm xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm chất lượng GD ĐH và công bố công khai các kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng đào tạo để cho người học biết và giám sát những cam kết đảm bảo chất lượng của nhà trường.
Để các cơ sở GD ĐH cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo, việc tăng cường quyền tự chủ cho các trường có ý nghĩa quan trọng. Trong bối cảnh hệ thống GD ĐH của nước ta hiện nay chưa đồng đều, có những trường đã có bề dày kinh nghiệm lâu năm nhưng có những trường mới được thành lập; có những trường có đội ngũ mạnh và kinh nghiệm quản lý tốt nhưng có những trường đội ngũ cán bộ giảng dạy còn mỏng và quản lý chưa vững vàng. Vì vậy việc giao quyền tự chủ cho các trường trước mắt cần theo năng lực quản lý thực tế của từng trường. Trong thực tế các ĐH Quốc gia, các ĐH vùng, các trường ĐH trọng điểm đã được giao quyền tự chủ rất cao. Và mới đây Bộ GD&ĐT cũng đã thí điểm giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao với những cơ chế đặc thù cho Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Số lượng các trường được giao quyền tự chủ sẽ tăng dần theo năng lực quản lý và chất lượng đào tạo của họ. Điều 26 của dự thảo Luật nhấn mạnh “cơ sở GD ĐH được giao quyền tự chủ tương ứng với vị trí, vai trò, nhiệm vụ của cơ sở GD ĐH trong hệ thống GD quốc dân với điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ, với cam kết trách nhiệm khi thực hiện tự chủ và với kết quả kiểm định chất lượng của cơ sở GD đại học”.
Quyền tự chủ của cơ sở GD ĐH thể hiện trên nhiều mặt hoạt động. Ngoài các quyền tự chủ về tổ chức nhân sự, tài chính, đào tạo, nghiên cứu khoa học… dự thảo Luật GD ĐH còn nhấn mạnh đến tự chủ trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh (điều 28). Theo đó, cơ sở GD ĐH tự chủ, tự chịu trách nhiệm xác định chỉ tiêu tuyển sinh, công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh đồng thời với các điều kiện bảo đảm chất lượng GD ĐH. Cơ sở GD ĐH tổ chức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh theo các phương thức do Bộ GD&ĐT qui định. Cùng với những qui định này trong dự thảo Luật GD ĐH, các thông tư mới đây của Bộ GD&ĐT cũng cho phép các trường được tự chủ trong mở ngành đào tạo hệ cao đẳng nếu ngành đó đã được phép đào tạo ở bậc ĐH. Điều này sẽ giúp cho các trường chủ động trong kế hoạch đào tạo, có thể điều chỉnh công tác tuyển sinh theo tình hình thực tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Việc giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GD ĐH là không đồng loạt, mà có lộ trình, đồng thời nếu cơ sở GD ĐH không còn đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ hoặc có hành vi vi phạm trong các hoạt động theo các quyền đã giao thì các quyền đã được giao bị thu hồi.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
PV