Mở cửa trường mầm non: Có trẻ sẽ có giáo viên

GD&TĐ - Sau một tuần Đà Nẵng mở cửa trường mầm non, số trẻ đến trường đã tăng dần.

Trường Mầm non Cẩm Nhung (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) thực hiện phân luồng khi đón, trả trẻ.
Trường Mầm non Cẩm Nhung (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) thực hiện phân luồng khi đón, trả trẻ.

Bên cạnh siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chính việc chủ động tuyên truyền cách xử lý khi có ca F0 khiến phụ huynh yên tâm hơn khi gửi con. Các trường mầm non đồng thời có nhiều biện pháp tăng sức đề kháng và thể lực cho trẻ thông qua thực đơn và các trò chơi vận động. 

Niêm yết danh sách trẻ đến trường

Đầu tháng 3, các trường mầm non của quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) bắt đầu mở cửa đón trẻ sau khi được kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất cũng như yêu cầu phòng, chống dịch. Các trường mầm non đều tổ chức test nhanh Covid-19 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trước khi trẻ trở lại trường. Trong quá trình đi kiểm tra thực tế tại các trường, phòng GD&ĐT quận đã lưu ý cần phải lấy mẫu xét nghiệm nguồn nước, vệ sinh đường ống, bể chứa nước… trước khi trẻ trở lại trường.

Tất cả đồ dùng, đồ chơi của trẻ được Trường Mầm non Bình Minh giặt rửa, phơi nắng, sát khuẩn diệt vi khuẩn nấm mốc. Trong quá trình trẻ ở trường, các lớp được xông tinh dầu tỏi, sả thường xuyên. Nhà trường đã tổ chức khảo sát ý kiến và lên danh sách trẻ đến trường theo nguyện vọng đăng ký của phụ huynh.

Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để tránh bị động trong việc chuẩn bị thực phẩm, phương án đón trẻ cũng như phòng, chống dịch trong ngày đầu trẻ đến trường, nhà trường chỉ nhận những trẻ có trong danh sách đã đăng ký trước đó. Chúng tôi luôn xác định an toàn của trẻ là trên hết nên công tác phòng, chống dịch, bảo đảm sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ rất quan trọng”.

Trường Mầm non Hoàng Yến (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã có một tuần hoạt động trở lại. Theo cô Nguyễn Thị Minh Thành, Hiệu trưởng nhà trường, số trẻ ra lớp tăng đáng kể sau một tuần mở cửa. Nhà trường tạo nhóm tuyên truyền công tác chuẩn bị cho trẻ đến trường cũng như cách xử lý khi lớp xuất hiện ca F0 để phụ huynh nắm rõ. Những hình ảnh hoạt động tại lớp của trẻ thường xuyên được gửi vào nhóm lớp cho phụ huynh theo dõi.

Số trẻ ra lớp của toàn quận dao động từ 500 – 700 trẻ. Số trẻ mới ra lớp tăng cho dù có lớp buộc phải cho trẻ nghỉ vì F0. Ông Võ Trung Minh – Trưởng phòng GD&ĐT quận Sơn Trà cho hay: Với bậc học mầm non, trẻ đến trường dựa trên đăng ký tự nguyện của phụ huynh. Vì vậy, thực tế một tuần mở cửa trường mầm non cho thấy, phụ huynh có nhu cầu cho trẻ đến trường. Khi có ca nhiễm trong lớp, phụ huynh đồng tình với phương án xử lý của nhà trường.

Trong tập huấn, các trường mầm non đều nhắc nhở giáo viên chủ động thực hiện mô hình lớp học bong bóng, không sang các lớp khác khi không có nhiệm vụ cần thiết. “Quan điểm của các trường học là khi có F0 thì xác định F1 ở phạm vi hẹp, không có quá nhiều F1 không cần thiết. Vì vậy, những tình huống như nghe thông tin lớp bên cạnh có ca F0 mà giáo viên “chạy” sang hỏi thăm cũng được các trường đưa ra ví dụ để nhắc nhở, rút kinh nghiệm” – ông Minh thông tin.

Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tập huấn cho giáo viên về phương án phòng, chống dịch Covid-19 khi trẻ đi học trở lại.
Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tập huấn cho giáo viên về phương án phòng, chống dịch Covid-19 khi trẻ đi học trở lại.

Giáo viên sẵn sàng đứng lớp dù có 1 - 2 trò

Trong xây dựng thực đơn, Trường Mầm non Hoàng Yến chú ý cân đối rau xanh và đạm cho trẻ để đảm bảo các bữa ăn ở trường đầy đủ chất dinh dưỡng. “Tâm lý chung trẻ không thích ăn rau xanh. Vì vậy, trong chế biến, bộ phận cấp dưỡng phải làm sao tăng sự hấp dẫn, ngon miệng để kích thích trẻ ăn khi chế biến những món ăn có rau xanh, củ quả” – cô Thành chia sẻ. Ngoài tăng sức đề kháng của trẻ thông qua điều chỉnh thực đơn các bữa ăn, nhà trường còn tăng cường các trò chơi vận động phù hợp với không gian lớp học để cải thiện thể chất cho trẻ.

Sau một tuần đón trẻ trở lại, cô Trần Uyên Miêng – Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Selfwing V - Kids (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Có một số tình huống mà nhà trường phải xây dựng được phương án dự phòng để tránh bị động. Chẳng hạn như có giáo viên đứng lớp là F0, trường phải phân công giáo viên thay thế để tránh việc dồn, ghép lớp. Chính vì vậy, hiện có những lớp chỉ 2 - 3 trẻ nhưng chúng tôi vẫn bố trí đủ số giáo viên theo đúng với biên chế lớp bình thường trước đây chứ không rút bớt người”.

Với các trường mầm non công lập, việc mở cửa trường học để đón trẻ đến trường không gặp nhiều rào cản. Tuy nhiên, với các trường tư thục, bài toán cân đối thu – chi khi số trẻ đến trường còn rất khiêm tốn, chưa kể là sự biến động sĩ số hàng ngày do xuất hiện các ca F0. Thế nhưng, hầu hết các trường mầm non tư thục ở Đà Nẵng đều quyết tâm mở cửa trở lại sau gần 10 tháng buộc phải dừng hoạt động. Chỉ tính riêng quận Sơn Trà, đến ngày 1/3 đã có 22/24 trường tư thục mở cửa trường đón trẻ. Tuần đầu tiên, 19 trường hoạt động trở lại cho dù có một số trường có nhiều F0 nên tạm dừng vài ngày.

Cơ sở vật chất của các trường tư thục đều được đầu tư quy mô, giáo viên vẫn có mong muốn được trở lại đúng nghề. “Quan trọng hơn, việc mở cửa trường học cũng là một cách để giữ thương hiệu mà các trường đã gây dựng lâu nay. Vì vậy, phụ huynh cứ yên tâm, dù trường công hay trường tư thì cứ có trẻ là có giáo viên”, ông Võ Trung Minh thông tin. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ