Đà Nẵng đón trẻ mầm non đến trường: Phụ huynh “nghe ngóng” - trường học gấp rút chuẩn bị

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Đà Nẵng vừa có văn bản hướng dẫn việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Một giờ hoạt động kỹ năng theo chuyên đề của trẻ lớp bé, Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Một giờ hoạt động kỹ năng theo chuyên đề của trẻ lớp bé, Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Theo đó, thời gian được phép tổ chức dạy học trực tiếp bắt đầu từ ngày 21/2. UBND các quận, huyện sẽ quyết định thời gian nhận trẻ của từng trường dựa trên kết quả kiểm tra thực tế. 

Trường tư thiếu hụt giáo viên

Bà Trần Uyên Miêng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Selfwing V - Kids (quận Thanh Khê, TP Đa Nẵng) - cho biết: “Để một trường mầm non hoạt động đón trẻ trở lại, các trường phải giải quyết rất nhiều việc: Vệ sinh, khử trùng phòng ốc, khử khuẩn đồ chơi, dụng cụ bán trú; triệu tập giáo viên, xây dựng và tập huấn cho giáo viên phương án phòng, chống dịch….”. Theo cô Miêng, hiện đa số giáo viên đang ở ngoài thành phố Đà Nẵng. Nhà trường sẽ phải tập trung giáo viên, tổ chức test nhanh rồi mới xây dựng được phương án tổ chức dạy - học.

Dự kiến, các trường mầm non công lập trên địa bàn quận Hải Châu sẽ đón trẻ trở lại trường chậm một tuần so với mốc thời gian quy định của Sở GD&ĐT Đà Nẵng. Bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu - cho hay: “Việc mở cửa của các trường công lập không phụ thuộc vào kết quả khảo sát bao nhiêu phần trăm phụ huynh đồng ý cho trẻ đi học trở lại. Các trường có hơn một tuần để chuẩn bị các điều kiện, rà soát lại cơ sở vật chất, bổ sung vật tư y tế, hoàn chỉnh phương án phòng, chống dịch… UBND quận sẽ tổ chức kiểm tra thực tế, nếu đáp ứng được các điều kiện đảm bảo cho công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ và các yêu cầu phòng chống dịch thì mở cửa đón trẻ”.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thảo – chủ nhóm lớp độc lập tư thục Hoa Sen (quận Sơn Trà), do quy mô nhỏ nên việc chuẩn bị các điều kiện để hoạt động trở lại không mất quá nhiều thời gian. Qua khảo sát nhu cầu của phụ huynh, có khoảng 50% đồng ý cho con đến trường trở lại. Với số lượng như vậy, nhà trường thuận lợi cho việc giãn cách, số trẻ/lớp sẽ không quá đông. Nhóm lớp độc lập tư thục Hoa Sen sẽ đón trẻ theo đúng mốc thời gian cho phép của Sở GD&ĐT Đà Nẵng.

Song song với kế hoạch rà soát cơ sở vật chất và xây dựng phương án phòng chống dịch khi đón trẻ trở lại, các trường mầm non tư thục đang đứng trước nỗi lo thiếu giáo viên.

Bà Lê Phạm Hồng Điệp – Giám đốc điều hành Trường Mầm non Nốt nhạc xanh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) - chia sẻ: “Do thời gian đóng cửa trường để phòng, chống dịch quá dài, đa phần giáo viên đã về quê. Qua nắm bắt ban đầu có khoảng 60% giáo viên cho biết sẽ quay trở lại trường dạy học. Chắc chắn những tuần đầu tiên, không thể đạt con số lý tưởng 100% trẻ ra lớp nên việc thiếu giáo viên sẽ chưa căng thẳng. Nhưng về lâu dài, các trường tư đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên có kinh nghiệm”.

Có cùng nhận định, bà Trần Uyên Miêng thông tin: “Ngoài một bộ phận giáo viên mầm non đã tìm được việc làm ổn định thì một số giáo viên trường tư chuyển sang trường công lập dạy học vì đã trúng tuyển trong kỳ thi tuyển dụng viên chức”. Như Trường Mầm non Selfwing V – Kids hiện thiếu 6 giáo viên so với trước thời điểm đóng cửa trường.

Các trường mầm non bắt đầu rà soát các điều kiện để đón trẻ trở lại trường.
Các trường mầm non bắt đầu rà soát các điều kiện để đón trẻ trở lại trường. 

Phụ huynh vẫn còn phân vân

Sau khi có thông tin mở cửa trường mầm non, anh Hoàng Thịnh (trú đường Nguyễn Tri Phương, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) quyết định cho con trở lại trường. “Nguồn lây của các con là từ người lớn. Các con ở nhà nhưng bố mẹ vẫn phải đi làm, hàng quán vẫn mở cửa thì đến trường hay ở nhà, nguy cơ nhiễm bệnh cho trẻ là như nhau. Hai đứa con tôi đều nhiễm Covid từ nguồn lây của bố mẹ. Khi chúng tôi vẫn đang phải tiếp tục điều trị thì kết quả test của con đã âm tính”. Anh Thịnh kể, trong hơn nửa năm phải ở nhà, con trai 4 tuổi của anh có vẻ rụt rè hơn trong giao tiếp, sợ người lạ và phát âm một số từ còn ngọng và rất khó sửa cho bé.

Chị Hồ Bích Vân (trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) quyết định trong thời gian này vẫn cho con tiếp tục ở nhà. “Tôi biết để trẻ ở nhà trong một thời gian dài, tách khỏi môi trường lớp học sẽ bị thiệt thòi. Con tôi năm tới sẽ vào lớp Một. Giai đoạn tiền học đường để chuẩn bị tâm lý – kỹ năng cho trẻ 5 tuổi thích nghi với trường tiểu học là quan trọng. Thế nhưng, số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày của Đà Nẵng vẫn còn cao. Vì vậy, trẻ đến trường cũng khó mà tránh được việc bị bệnh hoặc lây nhiễm”, chị Vân lo lắng.

Trong thời gian này, phụ huynh phải giúp trẻ chuẩn bị tâm lý và thể chất cho việc sẵn sàng trở lại trường. Nhấn mạnh điều này, bà Trần Uyên Miêng lưu ý: “Cha mẹ có thể cho con xem lại ảnh, clip về các hoạt động trước đây của con và các bạn ở trường. Mỗi ngày nên dành một lượng thời gian nhất định trò chuyện với con để trẻ dần thích nghi với việc sắp đi học trở lại. Vì trẻ đã ở nhà trong thời gian dài, lại sinh hoạt chủ yếu ở trong không gian của gia đình nên việc đến trường trở lại sẽ gặp khó khăn hơn so với lần đầu tiên đi học của con. Cha mẹ do vậy cần phải có sự kiên trì”.

Ngoài ra, cũng theo chia sẻ của Hiệu trưởng Trường Mầm non Selfwing V – Kids, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho trẻ, phụ huynh nên tập cho con một số kỹ năng tự phục vụ bản thân như rửa tay sạch sẽ trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, biết sử dụng các đồ dùng cá nhân như cốc uống nước, khăn…. “Cô giáo sẽ hỗ trợ cho các bé tại lớp nhưng phụ huynh cùng tham gia hình thành kỹ năng cho trẻ sẽ hiệu quả hơn. Phụ huynh cũng nên tập cho con sinh hoạt theo lịch sinh hoạt của trường. Thay vì cho con ngủ nướng thì đánh thức trẻ dậy vào đúng giờ đi học….” – bà Miêng khuyến cáo.

Bà Lê Phạm Hồng Điệp – Giám đốc điều hành Trường Mầm non Nốt nhạc xanh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) - bày tỏ: Ngoài nỗi lo thiếu giáo viên, việc huy động trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp của các trường mầm non cũng sẽ gặp một số khó khăn. Do các trường mầm non phải tạm đóng cửa một thời gian khá dài, để đáp ứng nhu cầu trông giữ trẻ, đã xuất hiện nhiều nhóm trẻ tự phát có quy mô nhỏ từ khoảng 2 - 4 trẻ, do các giáo viên mầm non nhận trông giữ. Tâm lý của một bộ phận phụ huynh vẫn có sự lo lắng khi trẻ đến trường trở lại, số lượng trẻ/lớp đông thì nguy cơ lây nhiễm cao. Vì vậy, những nhóm lớp tự phát trong các khu dân cư sẽ được duy trì mà rất khó để quản lý. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.