Mệnh lệnh từ cuộc sống

GD&TĐ - Cùng với ngành Giáo dục, Sở LĐ,TB&XH TPHCM đề xuất thí điểm dạy trực tiếp tại 5 trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn, bắt đầu từ ngày 13/12.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Điểm đáng chú ý là Sở này đề xuất cho các trường được tổ chức học trực tiếp cả học phần lý thuyết và thực hành cho những học sinh, sinh viên, học viên năm cuối để làm đồ án tốt nghiệp.

Trước đó, thực hiện kế hoạch của UBND TPHCM, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng sẵn sàng các điều kiện và mở cửa dần cho sinh viên năm cuối đến học thực hành, làm đồ án theo các cấp độ dịch. Vấn đề khó nhất trong 7 tháng ròng rã học trực tuyến phòng dịch Covid-19 của khối giáo dục nghề nghiệp là học phần thực hành, đã và đang được dần tháo gỡ.

Thực hành chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong chương trình đào tạo của các trường trung cấp, cao đẳng. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thời gian qua các trường buộc phải đóng cửa, chỉ dạy học trực tuyến. Với tỷ lệ thực hành từ 60 đến 70%, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất khó khăn để đảm bảo hoàn thành chương trình học.

Để học sinh, học viên, sinh viên đảm bảo tiến độ học tập, nhiều trường phải xoay đủ cách trong tổ chức học phần thực hành. Không chỉ đầu tư sản xuất video quay lại quá trình thực hành để học sinh, sinh viên dễ hình dung, đầu tư phần mềm mô phỏng, nhiều trường còn tổ chức học “ba tại chỗ” hay gửi sinh viên đến doanh nghiệp.

Mặc dù rất nỗ lực nhưng đa số trường đều thừa nhận, các giải pháp gỡ khó cho học phần thực hành chỉ mang tính tạm thời. Một số trường do tính đặc thù của ngành học, gần như không thể dạy trực tuyến, buộc phải cho sinh viên nghỉ dài.

Tình trạng này đã làm ảnh hưởng tới kế hoạch hoàn thành các môn học, dẫn đến nhiều sinh viên chậm tiến độ tốt nghiệp. Rất nhiều trường nghề kết hợp với doanh nghiệp để đào tạo nghề cho các tập đoàn, trong đó có tập đoàn nước ngoài chưa thể cung ứng được lao động có tay nghề theo hợp đồng đã ký. Điều này dẫn tới nguy cơ không đáp ứng đủ nguồn cung lao động, đặc biệt trong giai đoạn tái sản xuất.

Không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ, việc học trực tuyến kéo dài còn tác động xấu đến chất lượng đào tạo. Thực tế cho thấy muốn bảo đảm chất lượng, gắn với nhu cầu doanh nghiệp, không thể thực hành từ xa mà phải làm việc với trang thiết bị thực tế. Những ngành học như ô tô, điện tử, cơ điện…, người học phải được thực hành bằng giác quan vật lý nên bắt buộc phải được tiếp xúc với máy móc.

Nhiều hiệu trưởng cho biết chất lượng học trực tuyến cả lý thuyết và thực hành, dù rất nỗ lực, cũng chỉ hiệu quả khoảng 70% so với trực tiếp. Doanh nghiệp sẽ khó hài lòng với chất lượng đào tạo của các trường nếu khi thực làm sinh viên còn quá lúng túng. Đáng chú ý, ở nhiều trường xuất hiện tình trạng sinh viên chán nản, nghỉ học giữa chừng vì học trực tuyến hay nghỉ kéo dài.

Cho đến nay, cả nước bước vào trạng thái bình thường mới. Người trên 18 tuổi - người học của các trường cao đẳng, trung cấp - cơ bản đã tiêm phủ vắc-xin. Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành căn cứ vào Nghị quyết 128 đã có hướng dẫn khá chi tiết cho việc mở cửa trường. Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành cũng khởi động đón học sinh ở cấp lớp nhỏ hơn đi học trở lại.

Vì thế, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở cửa dạy học trực tiếp là yêu cầu cấp thiết, là mệnh lệnh từ cuộc sống. Đó không chỉ vì tiến độ và chất lượng đào tạo của riêng nhà trường, mà còn là yêu cầu của đất nước trong giai đoạn tái sản xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ