TPHCM cần thêm hàng nghìn giáo viên khi trở lại học trực tiếp

GD&TĐ - TPHCM đang lên kế hoạch cho học sinh đi học tập trung vào trung tuần tháng 12.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM) tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mũi 1.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM) tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mũi 1.

Điều này đồng nghĩa với việc ngành GD phải tiến hành tuyển dụng bổ sung GV thay thế người đã mất vì Covid cũng như tách lớp để phòng chống Covid. Tuy nhiên, sau vài lần tạm hoãn, đến nay, Sở GD&ĐT vẫn chưa có thông báo mới.

Cần nhiều giáo viên bổ sung khi tách lớp

Sở GD&ĐT TPHCM đang trong quá trình khởi động trở lại việc tuyển viên chức cho năm học 2021 - 2022. Theo thông báo của Sở có 1.339 ứng viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển vòng 1 của kỳ tuyển dụng viên chức năm học 2021 - 2022. Trong đó có 1.299 ứng viên dự tuyển vị trí giáo viên, 40 ứng viên dự tuyển vị trí nhân viên. Việc “thông báo triệu tập thí sinh được tham dự vòng 1” sẽ được ban hành khi kỳ tuyển dụng viên chức tiếp tục tổ chức.

Trước đó, hồi tháng 9, Sở GD&ĐT TPHCM phát đi thông báo tạm hoãn tổ chức kỳ tuyển dụng viên chức tại các đơn vị trực thuộc Sở năm học 2021 - 2022, do giãn cách xã hội. Sở GD&ĐT TPHCM đề nghị người tham gia dự tuyển viên chức thường xuyên vào website http://tuyendung.hcm.edu.vn/ để xem các thông báo mới nhất liên quan đến kỳ tuyển dụng viên chức năm học 2021 - 2022.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TPHCM) - cho biết: Năm học 2021 - 2022, nhà trường có nhu cầu tuyển dụng một số giáo viên và đã lập danh sách chuyển về Sở. Sắp tới nếu cho học sinh đi học trực tiếp, các trường sẽ bị động trong vấn đề nhân sự do phải tách đôi để đảm bảo về phòng chống dịch Covid-19 nên rất cần thêm nguồn giáo viên bổ sung. Còn nếu một giáo viên dạy hai lớp, trường cũng gặp khó khăn trong kinh phí trả tiền giờ phụ trội cho giáo viên.

“Hiện TP chưa công bố số lượng giáo viên tử vong do Covid-19 nhưng đã công bố số lượng giáo viên thiếu khoảng trên dưới 5 nghìn người. Những lớp trên 40 học sinh phải tách đôi để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Lớp tách đôi thì biên chế giáo viên sẽ tăng lên gấp đôi. Nếu chúng ta chưa tuyển được giáo viên kịp thời thì đội ngũ hiện tại phải dạy gấp đôi, kinh phí không có để trả tiền phụ trội. Hơn nữa, dạy nhiều quá thầy cô cũng đuối…”, thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.

THCS khó tuyển giáo viên âm nhạc, mỹ thuật

Giữa tháng 11, huyện Bình Chánh (TPHCM) đã tuyển xong 583 viên chức, trong đó có hơn 400 giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và dạy nghề. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Châu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh, hồ sơ ứng tuyển giáo viên năm nay không có ứng viên cho vị trí giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, giáo viên công nghệ thuộc bậc THCS. Trong khi nhu cầu tuyển dụng cho các vị trí này trên 20 người.

Theo ông Dương Văn Dân - Trưởng phòng GD&ĐT Quận 8 (TPHCM), các trường trên địa bàn đã xây dựng, triển khai kế hoạch mở cửa trường học trên cơ sở kế hoạch của UBND quận. Đồng thời, phòng GD&ĐT đề xuất cấp bù kinh phí cho nhà trường do những phát sinh từ dịch Covid-19 như chi phí trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, thiếu nhân sự, chi phí phát sinh trong việc chia nhỏ lớp nhằm tận dụng tối đa “khoảng thời gian vàng” để dạy và học trực tiếp, đảm bảo kinh phí hoạt động cho các cơ sở giáo dục, chế độ chính sách hỗ trợ khác…

“Quận 8 dự kiến tuyển dụng 272 viên chức, trong đó 250 giáo viên và 22 nhân viên. Theo quyết đinh ngày 20/4/2021 của UBND quận về việc phân bổ chỉ tiêu biên chế khối giáo dục và đào tạo trong năm 2021 là 2.621 chỉ tiêu. Tuy nhiên, qua rà soát 53 trường công lập trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý của UBND quận hiện chỉ mới có 2.147 cán bộ - GV - nhân viên thuộc diện biên chế đang làm việc…”, ông Dương Văn Dân cho biết.

Thầy Phó Trọng Huy - Hiệu trưởng Trường THCS Tùng Thiện Vương (Quận 8, TPHCM) - cho hay: Trường đang thiếu giáo viên mỹ thuật nhưng nhiều năm liền không tuyển được vị trí giáo viên này. “Nhà trường xử lý bằng việc thỉnh giảng thêm giáo viên”, thầy Huy chia sẻ.

Trong khi đó, theo TS  Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM (HCMUE), HCMUE chưa có mã ngành đào tạo giáo viên mỹ thuật, âm nhạc, công nghệ cho bậc THCS. Do đó, để phục vụ việc giảng dạy, có thể các trường THCS tuyển từ trường đào tạo đặc thù và thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

“Nếu trường có 50 lớp, khi học sinh đi học trở lại thì tách đôi thành 100 lớp, trong khi kinh phí trường chỉ được cho 50 lớp, đồng thời 1 tiết trội chi phí trả bằng 3 tiết thường, như vậy thành ra 300 lớp. Hiện nay, các trường chưa được phân cấp về tuyển viên chức nên vẫn chờ bổ sung nhân sự từ kỳ tuyển viên chức của Sở phân về. Tôi nghĩ TP phải tuyển gấp hoặc giao quyền về cho các trường tự tuyển, để chủ động về nguồn lực…”. - Thầy Huỳnh Thanh Phú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ