TPHCM: Gỡ “nút thắt” cho việc tuyển dụng viên chức y tế, kế toán trong trường học

GD&TĐ - UBND TPHCM có văn bản giao cho thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND quận/huyện và thành phố Thủ Đức tuyển dụng viên chức thực hiện nhiệm vụ y tế, kế toán trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Hoạt động kế toán tại một cơ sở giáo dục. Ảnh mang tính minh họa.
Hoạt động kế toán tại một cơ sở giáo dục. Ảnh mang tính minh họa.

Phù hợp với quy định hiện hành

Xét đề nghị của Sở GD&ĐT TPHCM, UBND TP chỉ đạo thống nhất cho thủ trưởng sở - ngành, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức tuyển dụng viên chức thực hiện nhiệm vụ y tế, kế toán trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trực thuộc.

UBND TPHCM yêu cầu các sở - ngành, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt, biên chế số lượng người làm việc được giao hằng năm, có trách nhiệm rà soát số người làm việc hiện có và nhu cầu tuyển dụng để quyết định tuyển dụng viên chức làm công tác y tế, kế toán phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Trước đó, từ năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TPHCM đã tạm dừng tuyển viên chức làm công tác y tế, kế toán tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Sau đó, UBND TPHCM có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, xem xét lại việc tạm dừng tuyển dụng viên chức làm công tác y tế, tài chính kế toán tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Đồng thời UBND TPHCM cũng kiến nghị gửi Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận cho TPHCM được tổ chức tuyển dụng viên chức y tế, kế toán theo Thông tư liên tịch số 06 và Thông tư số 16 của Bộ GD&ĐT.

Theo lý giải của UBND TPHCM, việc này khiến các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập phải thực hiện ký hợp đồng lao động thời hạn 1 năm để thực hiện nhiệm vụ y tế, tài chính kế toán, ảnh hưởng đến công tác tài chính của cơ sở giáo dục tại TP. Đồng thời, việc làm này tạo tâm tư, bức xúc đối với trường hợp đang thực hiện ký hợp đồng lao động ở vị trí kế toán phải chấm dứt không được tiếp tục ký hợp đồng lao động.

Theo thời gian, việc thực hiện ký hợp đồng lao động đối với các vị trí việc làm “được xác định là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước đảm bảo toàn bộ hoặc một phần chi thuờng xuyên” không còn phù hợp theo quy định tại Nghị định số 161 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng của một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Cơ sở giáo dục phấn khởi

Theo ông Dương Văn Dân -Trưởng phòng GD&ĐT Quận 8 (TPHCM), đa số trường học trên địa bàn Quận 8 thiếu nhân viên kế toán và y tế. Số đang làm việc ở các trường hầu hết theo diện hợp đồng. Phòng GD&ĐT đã nhiều lần kiến nghị lên Sở GD&ĐT xin tuyển nhân viên kế toán, y tế.

Nói về vị trí công việc y tế, kế toán trong trường học, cô Lý Thị Mỹ Phượng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 12, TPHCM) - cho rằng, đây là hai vị trí làm việc phải có trong một đơn vị như trường học. Việc không công nhận viên chức tức là vị trí việc làm đó không có và không cần có là điều bất cập trong công tác tổ chức nhân sự. Không công nhận buộc trường phải hợp đồng, nếu không ai chuyển lương, chăm trẻ khi xảy ra tai nạn, dịch bệnh...

Tương tự, cô Lê Thị Thanh Phương - Hiệu trưởng Trường Mầm non 9 (Quận 4, TPHCM) - cũng cho rằng: Không cho phép tuyển dụng viên chức vào 2 vị trí này đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các trường.

“Nhiệm vụ y tế và kế toán đòi hỏi phải có bằng cấp nhưng mức lương ký hợp đồng của nhà trường thấp nên không thể thuê mướn được. Vì vậy với chức danh y tế với những trường mầm non hạng 2 thường giao cho giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế và Chữ thập đỏ.

Mặc dù có sự hỗ trợ của ban giám hiệu nhưng công việc cũng như hồ sơ sổ sách rất nhiều, tạo ra áp lực cho giáo viên. Đặc biệt dịch bệnh, công tác y tế học đường càng quan trọng. Do đó, việc UBND TP cho tuyển dụng viên chức 2 vị trí này, theo tôi là chủ trương phù hợp, đảm bảo hoạt động của nhà trường được tốt hơn”, cô Lê Thị Thanh Phương nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ