Đi thi trong giá lạnh
Thiên văn và Vật lý thiên văn là lĩnh vực hoàn toàn mới và khó đối với các giáo viên và học sinh Việt Nam, vì không nằm trong chương trình giáo dục phổ thông. Việc tuyển chọn, xây dựng đội tuyển chủ yếu dựa vào các học sinh chuyên Vật lý và các học sinh say mê, yêu thích bộ môn này. Quá trình bồi dưỡng, huấn luyện đội tuyển hoàn toàn dựa vào sự tìm tòi, khám phá kiến thức bộ môn của thầy và trò.
Trần Xuân Tùng tại lễ trao giải |
Thầy Phạm Ngọc Diệp, chuyên gia đến từ Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam kể lại quãng đường 3 năm để vươn đến thành công của các học sinh Việt Nam. Năm đầu, đội rất vất vả vì cả thầy và trò đều thiếu kinh nghiệm. Các em vất vả chạy đi chạy lại chỗ này, chỗ nọ để học, nhiều khi phải cầm theo cơm hộp, tranh thủ ăn lúc nghỉ. Vượt bao khó khăn các em đã rất ấn tượng đoạt 1 Huy chương Bạc và 4 giải Khuyến khích cho lần đầu tiên tham gia một kỳ thi như vậy.
Năm thứ hai, thành phần đội tuyển chủ yếu là thành viên đội năm trước (4/5 em), việc đào tạo cũng chưa đạt hiệu quả cao. Những kiến thức không mới và cũng chưa có phương pháp phù hợp. Tuy vậy, với sự nỗ lực của các em, thành tích năm thứ 2 của đội Việt Nam cao hơn năm trước với 2 Huy chương Bạc và 2 giải Khuyến khích.
Năm nay, dưới sự hướng dẫn của thầy Lê Mạnh Cường, giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, công tác tập huấn đã có nhiều thuận lợi hơn. Các công đoạn đã bắt đầu đi vào quỹ đạo từ sưu tầm tài liệu, việc dạy học, học hỏi kinh nghiệm của các anh đi trước... Đội tuyển năm nay đã xuất sắc đoạt 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng, tốt nhất trong 3 lần tham dự của Việt Nam.
|
Về hành trình của đoàn tại cuộc thi năm nay, cô trưởng đoàn Bùi Thị Minh Nga kể lại: Thời tiết Bắc Kinh trong 10 ngày đều rất lạnh với cái rét 2 độ C. Khi tới sân bay Bắc Kinh thì gặp trục trặc là phía bạn không đón và dẫn đường. Sau đó, đoàn đã nhận được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, được di chuyển đến ở trong Đại sứ quán.
Tiếp sau, đoàn đến nơi tập kết và bắt đầu từ ngày thứ 3, các thầy cô chia tay học sinh. Học sinh thì di chuyển về Duyên Thanh, địa điểm cách Bắc Kinh 100 km. Còn các thầy cô ở lại tham gia vào hội đồng phản biện, thảo luận đề và dịch đề cho các học sinh của mình.
Có thể hình dung về đoàn Vật lý thiên văn như các sĩ tử trong tác phẩm “Lều chõng” của nhà văn Ngô Tất Tố. Học sinh đi thi xách ba lô trên lưng, có kèm theo thức ăn, chai nước. Rồi khi các em thi quan sát ngoài trời, Ban giám khảo ngồi trên một chiếc chòi cao ra đề...
Chiếc Huy chương Vàng quý giá
Cô Nga kể lại: Cuộc thi năm nay có nhiều đội rất mạnh với nền khoa học thiên văn rất phát triển như Nga, Iran, Trung Quốc. Đề thi do các nhà thiên văn Trung Quốc ra thường rất khó, khó hơn hẳn mọi năm. Thêm vào đó là phía bạn bảo vệ quan điểm khi ra đề nên việc thay đổi đề theo ý của các đoàn là khá ít. Để có được thành công, những tấm huy chương của học sinh có đóng góp không nhỏ của các thầy cô giáo phản biện đề, bảo vệ lời giải của các em.
Như Trần Xuân Tùng đã có bài giải hay hơn đáp án của Ban tổ chức nhưng lại không được công nhận, không được tính điểm vì không đúng so với đáp án. Đến lúc đó, các thầy cô trong đoàn đã trao đổi lại với Ban giám khảo thì họ đã chấp nhận bài như thế là xuất sắc.
Hay bài thi của Lê Trần Đạo, do giải tắt, giải nhanh ra được đáp án nhưng Ban giám khảo lại cho rằng, quy trình giải không đúng nên không cho điểm. Do đó, các thầy cô lại phải giải thích để lấy lại điểm cho học sinh của mình.
|
Ban giám khảo và hội đồng phản biện gồm những giáo sư đầu ngành về thiên văn học, vật lý thiên văn của các nước rất mạnh về môn khoa học này. Trong khi đó đoàn Việt Nam chỉ là các giáo viên dạy cấp 3 và chuyên viên của Sở. Do đó, việc tranh luận để giành điểm cho học sinh của mình cũng là một thành tích rất đáng tự hào.
Người mang về vinh quang cho đoàn học sinh Việt Nam là Trần Xuân Tùng - học sinh lớp 12 Lý 1 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Trần Xuân Tùng chia sẻ, từ nhỏ em đã thích nghiên cứu, tìm tòi những sách vở liên quan đến thiên văn học. Bản thân em cũng rất thích môn Vật lý. Khi nhà trường có đợt thi tuyển môn Thiên văn học và Vật lý thiên văn để đại diện Việt Nam dự thi quốc tế, cậu mạnh dạn đăng ký tham gia và được lựa chọn vào đội tuyển.
Chia sẻ về lý do thích môn học được cho là khô khan này, Tùng bảo ngành này đa phần là những câu hỏi mở nên người học tập và nghiên cứu có thể thỏa sức sáng tạo. Còn gì hứng thú bằng việc lúc nào trong tâm trí cũng có những điều tò mò cần giải đáp. Chính sự kích thích ấy đã giúp Tùng ngày càng yêu ngành học này hơn. Trong quá trình học tập và nghiên cứu, Tùng luôn được các thầy cô đánh giá thông minh, ham học hỏi và tập trung cao độ.
Giây phút biết mình chính thức giành được tấm HCV đầu tiên cho ngành Thiên văn học và Vật lý thiên văn Việt Nam, Tùng vui sướng tột cùng. Đây chính là món quà vô giá đền đáp cho công lao của các thầy cô trong đoàn, cho gia đình đã luôn bên cạnh động viên, chia sẻ với Tùng, cho những tháng ngày nghiên cứu, thi cử xa nhà.