Giáo dục Hà Nội: Đột phá & thành công trong hội nhập quốc tế

GD&TĐ - Trong xu thế hội nhập, hợp tác, giao lưu quốc tế là hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động GD - ĐT theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Nhấn mạnh việc luôn chủ động, sáng tạo trong hội nhập quốc tế là điểm nhấn của giáo dục Thủ đô trong năm vừa qua, TS Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - khẳng định, kết quả đạt được từ những hoạt động này thực sự góp phần làm nên sự khác biệt của giáo dục Hà Nội.  

Giáo dục Hà Nội: Đột phá & thành công  trong hội nhập quốc tế

Mô hình giáo dục song bằng đầu tiên

Theo TS Chử Xuân Dũng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của GD-ĐT Thủ đô là nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, góp phần phát triển đất nước thông qua đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, công dân quốc tế, đáp ứng yêu cầu xã hội theo chuẩn quốc tế. Sở GD&ĐT Hà Nội luôn tích cực chỉ đạo các nhà trường đổi mới phương pháp dạy học, tạo môi trường học tập, sinh hoạt ngoại khoá bằng ngoại ngữ với nhiều cải tiến về hình thức cũng như nội dung.

“Hiện tại, rất nhiều trường phổ thông từ tiểu học đến THPT ngoài công lập trên địa bàn thành phố thực hiện theo mô hình trường quốc tế, trường có yếu tố nước ngoài, đã và đang triển khai thực hiện giảng dạy chương trình và các chứng chỉ quốc tế” – TS Chử Xuân Dũng cho hay.

Đặc biệt, lần đầu tiên tại Việt Nam, Hà Nội triển khai thí điểm đào tạo chương trình song bằng (Tú tài THPT quốc gia Việt Nam và Tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A level) tại trường THPT Chu Văn An, tạo tiền đề đẩy mạnh hội nhập và quốc tế hóa chuẩn đào tạo THPT của thành phố. Đây có thể nói là bước đột phá trong hội nhập quốc tế năm 2017 của giáo dục Hà Nội.

“Với định hướng và sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GD&ĐT và UBND thành phố Hà Nội, mô hình đào tạo mang nhiều tính ưu việt này được đánh giá cao và sẽ tiếp tục được nghiên cứu và mở rộng triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những năm tới đây” – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định.

Thành tích xuất sắc trong các kỳ Olympic quốc tế

Luôn là địa phương đi đầu tham gia các “sân chơi” trí tuệ khu vực và quốc tế, trong năm vừa qua, học sinh Hà Nội đã mang vinh quang về cho Tổ quốc với nhiều giải thưởng lớn với tổng số 138 huy chương (39 huy chương vàng, 42 huy chương bạc, 44 huy chương đồng, 13 bằng khen). Đây là thành tích tốt nhất từ trước đến nay của các đoàn học sinh giỏi Thủ đô, dẫn đầu cả nước, được Bộ GD&ĐT, lãnh đạo thành phố Hà Nội và xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

Đặc biệt, tại kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế lần thứ 14 dành cho học sinh lứa tuổi dưới 13 tổ chức tại Singapore, lần đầu tiên Hà Nội có học sinh giành huy chương vàng ở môn Khoa học, bước đầu khẳng định khả năng nghiên cứu khoa học của học sinh phổ thông Hà Nội.

Năm 2017 là lần hai đoàn học sinh Hà Nội được Bộ GD&ĐT lựa chọn đại diện cho học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý Thiên văn. Đây là bộ môn khoa học mới mẻ, chưa được dạy trong chương trình phổ thông Việt Nam, nhưng với sự nỗ lực tìm tòi, say mê nghiên cứu khoa học của thầy và trò, đoàn học sinh Hà Nội đã xuất sắc giành 2 huy chương bạc và 2 bằng khen.

Thành tích này đánh dấu sự trưởng thành trong nghiên cứu về lĩnh vực Thiên văn học, Vật lý thiên văn, Vũ trụ, thúc đẩy niềm đam mê nghiên cứu, học tập của học sinh trong lĩnh vực này trong thời gian tới.

Cũng phải nhắc tới việc Sở GD&ĐT Hà Nội được cho phép tổ chức kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng (HOMC) có sự tham gia của học sinh quốc tế và đăng cai tổ chức kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế dành cho học sinh dưới 13 tuổi (IMSO) lần thứ 16 tại Hà Nội.

Theo TS Chử Xuân Dũng, điều này là sự ghi nhận và động viên quý báu của Bộ GD&ĐT, UBND thành phố Hà Nội cho GD&ĐT Thủ đô thêm vững bước trên con đường hội nhập quốc tế. Ngày 22/11/2017, ngành GD-ĐT Hà Nội đã bảo vệ thành công đề án tổ chức đăng cai kỳ thi “Olympic Toán và Khoa học quốc tế - IMSO lần thứ 16”. Đầu tháng 12/2017, Ủy ban Điều hành IMSO quốc tế đã gửi thư chấp thuận giao Sở GD&ĐT Hà Nội chính thức là thành phố đăng cai tổ chức Kỳ thi IMSO năm 2019.

Ngoài ra, trong năm học 2016 - 2017, học sinh Hà Nội đã tham gia cuộc thi Vô địch Toán cấp trung học Úc mở rộng (AIMO - được tổ chức bởi Quỹ Ủy thác Toán học Úc) lần đầu tiên ở Việt Nam tại trường THCS Cầu Giấy; cuộc thi Toán quốc tế Kangaroo (IKMC 2017) được tổ chức tại 7 trường tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội (với sự tham gia của gần 20 tỉnh, thành phố trên toàn quốc).

Năm học 2017 - 2018, các trường phổ thông trên địa bàn thành phố sẽ tham dự kỳ thi quốc tế “Toán học Hoa Kỳ (AMC)” và kỳ thi “Thách thức tư duy Thuật toán Bebras”. Đây là hai kỳ thi Toán học và Tin học uy tín dành cho học sinh tiểu học, THCS và THPT. Đây là hai kỳ thi được tổ chức thường niên nhằm thúc đẩy phong trào dạy và học Toán học, Tin học theo xu hướng hội nhập quốc tế.

Trong số nhiều sân chơi trí tuệ lành mạnh cho học sinh Thủ đô, Giải thi tranh biện Hà Nội mở rộng VSDC 2017 đầu tiên tổ chức thành công rực rỡ với hình ảnh những học sinh thế kỷ 21 sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, cùng thảo luận, tranh luận đối kháng về các vấn đề xã hội trong nước và trên thế giới. Tất cả những mảng sáng về hội nhập quốc tế đó đã góp phần mang lại sắc màu mới, diện mạo mới cho bức tranh đẹp của ngành GD-ĐT Thủ đô trong năm 2017 vừa qua.  

Hà Nội đã triển khai dạy chương trình Tin học quốc tế MOS, IC3 và IC3 Spark trong các trường phổ thông (hiện đang được triển khai ở 6 trường THPT và một số trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy và Nam Từ liêm). Chứng chỉ đầu ra Tin học MOS được thế giới công nhận trên toàn cầu, được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận tương đương Chứng chỉ Tin học nâng cao, được miễn học bộ môn Tin học ở nhiều trường ĐH trong và ngoài nước, có giá trị quốc tế cao, đặc biệt là tại Mỹ.
Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm 2017, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu toàn quốc về số lượng và chất lượng, với 146 giải, trong đó có 11 giải Nhất, tạo tiền đề cho việc lựa chọn, xây dựng các đội tuyển học sinh giỏi tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ