Đà Nẵng không có HS đoạt giải các kỳ thi Olympic quốc tế 3 năm liên tiếp: Lý giải của Giám đốc Sở GD&ĐT

GD&TĐ - Sáng 18/12, kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016 – 2021 bước sang ngày làm việc thứ 2. Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh trả lời chất vấn của cử tri về chất lượng GD đại trà, quy hoạch mạng lưới trường học, tình trạng xây dựng trường lớp không kịp khai giảng năm học mới, mua sắm bàn ghế chậm…

Đầu tư cơ sở vật chất trường lớp hiện đại là mục tiêu mà TP Đà Nẵng đang triển khai
Đầu tư cơ sở vật chất trường lớp hiện đại là mục tiêu mà TP Đà Nẵng đang triển khai

Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng thừa nhận, Đà Nẵng là một điểm sáng về xã hội hóa GD ở bậc học mầm non và bên cạnh những thành tích thì vẫn có những tồn tại, như vụ bạo hành ở nhóm trẻ Mẹ Mười vừa qua. Ngành GD-ĐT đã có nhiều biện pháp phối hợp với chính quyền và các ban ngành, đoàn thể để có những giám sát, quản lý chất lượng chăm sóc, GD trẻ, trong đó phát triển các trường có quy mô lớn là một cách để giảm bớt số lượng các nhóm, lớp độc lập tư thục. “Nếu năm 2017 Đà Nẵng có 1.033 nhóm thì năm 2018 đã giảm xuống còn 977 nhóm” - ông Vĩnh cho biết.

Trả lời chất vấn của ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng về tình trạng thiếu bàn ghế, trang thiết bị dạy học trước ngày khai

giảng và các công trình xây dựng không thể hoàn thành trước năm học mới, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng thừa nhận ngành GD-ĐT đã có sự chủ quan, không sát sao nên đã chậm trễ khi có những thay đổi trong thủ tục mua sắm, đấu thầu theo quy định 50 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Nho Trung cho rằng, ngành GD-ĐT nên xem lại quy hoạch mạng lưới trường lớp và tham mưu cho UBND đầu tư xây dựng trường lớp. “Hình như chúng ta đã đầu tư công quá nhiều cho các bậc học trên như THCS, THPT mà đầu tư quá ít cho bậc học mầm non trong khi đây là bậc học nền tảng nên cần phải có sự điều chỉnh trong thời gian tới”. 

Ông Nguyễn Đình Vĩnh cũng cam kết, đối với những dự án xây dựng lớn như dãy phòng học, các phòng học bộ môn… Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với các Sở có liên quan để hoàn thành công việc chuẩn bị đầu tư từ sớm; đến cuối tháng 5 khi bế giảng năm học sẽ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. “Sở GD&ĐT cam kết sẽ cố gắng không để xảy ra tình trạng vào năm học mới mà công trình xây dựng vẫn còn ngổn ngang. Theo đó, đối với sửa chữa nhỏ có giá trị dưới 1 tỷ đồng, các trường học sẽ tiến hành trong 3 tháng hè. Đối với những công trình xây dựng lớn, sẽ chọn các nhà thầu có uy tín, tăng ca để đảm bảo kịp tiến độ, hoàn thành trước ngày khai giảng năm học mới”, ông Vĩnh cho biết.

Ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - cho biết, Đà Nẵng đã đầu tư ngân sách rất lớn cho GD. Giai đoạn 2016 - 2018; đầu tư 1.500 tỷ đồng cho 136 công trình; giai đoạn 2019 – 2020 dự kiến đầu tư 73 công trình với 455 tỷ đồng, có sự cân đối hài hòa giữa phát triển kinh tế – giáo dục, văn hóa.

Về chất vấn chất lượng GD đại trà, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của Đà Nẵng chỉ đứng thứ 43/63 tỉnh, thành, 3 năm gần đây, Đà Nẵng không có giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế, thậm chí không có HS được gọi tập trung vào đội tuyển quốc gia tham dự HS giỏi quốc tế, ông Nguyễn Đình Vĩnh lý giải:

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng trả lời chất vấn

Trước hết là do đội ngũ giáo viên giảng dạy có uy tín, có kinh nghiệm bồi dưỡng HS giỏi của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đang ở giai đoạn chín muồi thì đồng loạt nghỉ hưu (21 người). “Số GV dạy giỏi chúng ta thu hút ở các địa phương khác về và số GV trẻ trong một thời gian ngắn chưa đáp ứng được yêu cầu bồi dưỡng HS giỏi là một trong những nguyên nhân khiến thành tích GD mũi nhọn của chúng ta giảm sút” – ông Vĩnh cho biết.

Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh thì sự thay đổi của Bộ GD&ĐT trong cách thức thi từ tự luận qua trắc nghiệm trong đó các câu hỏi không quá khó nhưng yêu cầu thí sinh có kiến thức rộng và dàn trải cũng khiến cho HS đội tuyển gặp khó khăn vì học theo hướng chuyên sâu. HS Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn cũng có xu hướng học tốt ngoại ngữ và có kết quả học tập tại trường tốt để đạt học bổng đi du học thay vì nỗ lực học để lọt vào đội tuyển cũng là một khó khăn cho việc chọn lọc HS vào đội tuyển thi quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ