Lê Lê Vy cho biết, cuối tháng 5 là thời điểm rất nhiều sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp bắt đầu xin việc làm. Cô gái trẻ này đã ra trường, sau nhiều lần nộp hồ sơ và trúng tuyển, Vy đã chia sẻ kinh nghiệm để xin được việc làm ở Ireland dành cho các bạn trẻ.
Theo Vy, cần áp dụng 5 chiến lược cơ bản cho các vòng gửi hồ sơ để được chấp nhận:
Làm CV tươm tất về hình thức
CV chính là hình ảnh đại diện cho bạn để bạn có thể cạnh tranh với hàng trăm ứng viên cho vài cơ hội ít ỏi. Nếu bạn giỏi mà CV của bạn không “đẹp”, không thể hiện được bạn giỏi đến đâu thì nhà tuyển dụng sẽ bỏ qua bạn ngay lập tức.
Khi làm CV, bạn hãy chú ý đến độ dài của CV. Để CV chuyên nghiệp dành cho người mới ra trường để 1 trang là tối ưu. Theo nhiều nghiên cứu, người ta chỉ dành ra 19 giây để “ngó” vào CV của bạn, chính vì vậy đừng quá rườm rà, hãy tập trung nhất có thể để người đọc thấy được bạn giỏi, ấn tượng, nhất là kinh nghiệm và thành tích học tập. CV với độ dài 1 trang giấy thể hiện sự vừa vặn và chuyên nghiệp của bạn.
Đồng thời, bố cục của CV cũng cần khoa học, chặt chẽ. Nhiều bạn sẽ lên mạng tìm mẫu sẵn và điền thông tin cá nhân vào. Tuy nhiên, rất nhiều người cũng sẽ làm như vậy, nên chuyện “thay ruột” trong CV khiến người tuyển dụng cảm thấy “nhàm chán”. CV thể hiện sự chuyên nghiệp nhưng cũng cần sáng tạo, có tính cá nhân trong đó để tạo ấn tượng cho người khác. Sau khi tham khảo mẫu trên mạng, hãy tự thiết kế CV của mình một cách độc đáo nhất.
Chiến lược làm nội dung CV
Sau hình thức chính là nội dung của CV. Không có CV nào mà để xin cho tất cả các vị trí. Cần đọc kỹ yêu cầu của nhà tuyển dụng để tìm ra từ khóa rồi bê từ khóa đó vào CV của mình. Đó chính là dẫn chứng thuyết phục để họ thấy bạn đang phù hợp với vị trí được tuyển dụng. Cần có con số cụ thể, hành động cụ thể thay vì những từ sáo rỗng.
Quan trọng hơn nữa là lỗi chính tả. CV của bạn chỉ có 1 trang vì vậy hãy đọc kỹ từng dòng, từng câu, nhờ bạn bè hoặc người bản địa đọc để soát lỗi cho bạn khi tự tin gửi hồ sơ đi.
Cần có chiến lược trong việc chứng tỏ kinh nghiệm của bạn. Nếu bạn không có kinh nghiệm làm việc ở nhiều nơi thì hãy ghi ra những công việc mà bạn từng làm ở trường có liên quan đến vị trí tuyển dụng. Đây chính là việc bù đắp cho kinh nghiệm ít ỏi mà bạn có. Ngoài ra bạn còn đưa ra thêm bằng cấp thay cho kinh nghiệm làm việc, có thể là bằng hay chứng chỉ học ngắn hạn ở các đơn vị nào đó. Điều này khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn là người ham học hỏi và năng động, thích tìm tòi.
Chau chuốt hồ sơ
Để hồ sơ có dẫn chứng cao, hãy xin lại ý kiến của những nơi mà bạn từng làm việc nhận xét về bạn. Điều này sẽ được thêm điểm cộng đối với người tuyển dụng. Hoặc bạn có thể thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm của bạn về công việc, học tập để nhiều người biết đến, họ sẽ cảm nhận bạn là người có thế mạnh về nhiều lĩnh vực khác nhau. Những chi tiết nhỏ này nếu được bạn chau chuốt kỹ sẽ là những điểm cộng dành cho bạn.
Tận dụng các kênh tìm kiếm việc làm
Thông thường, ở nước ngoài thường có phần giới thiệu của những nhân viên trong công ty dành cho một đối tượng khác. Khi được giới thiệu từ nhân viên hay những người làm trong công ty sẽ được đánh giá cao hơn. Vì vậy, cần mở rộng mối quan hệ của bạn với bạn bè để tăng thêm cơ hội trong nhiều lĩnh vực. Khi bạn được ai đó giới thiệu, hồ sơ của bạn sẽ được cộng điểm so với những đối thủ khác vì độ tin cậy cao hơn.
Chủ động tìm kiếm việc làm
Hãy trực tiếp tìm đến những người tuyển dụng. Thông thường, nhiều đơn vị có thể không tuyển dụng trực tiếp bạn nhưng họ sẽ giới thiệu bạn cho các đơn vị khách hàng của họ, bạn bè của họ. Hãy nói cho nhà tuyển dụng biết bạn đang mong muốn gì, mức lương bao nhiêu, thích ứng với công việc gì. Vì vậy, chủ động chính là tăng cơ hội để bạn tìm được công việc ở nước ngoài.